31 mặt bằng nhà, đất với tổng diện tích hơn 37.200m2 của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại TP.HCM vừa được Bộ Tài chính công bố thu hồi. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ trong số nhà đất...
31 mặt bằng nhà, đất với tổng diện tích hơn 37.200m2 của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại TP.HCM vừa được Bộ Tài chính công bố thu hồi. Nhưng đó chỉ là con số rất nhỏ trong số nhà đất sở hữu nhà nước giao cho các đơn vị liên quan quản lý, sử dụng.
Khi trở lại một số kho bãi, nhà xưởng thuộc danh mục đã bị thu hồi của Tổng công ty Lương thực miền Nam, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi.
Cái bỏ phế, cái bị chiếm dụng…
Mặt bằng 190 Nguyễn Trọng Tuyển ở vị trí đắc địa khi nằm ngay mặt tiền đường, sát bên cạnh trụ sở của UBND phường 8, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, mặt bằng khu đất có diện tích hơn 1.300m2 này đang đóng cửa im ỉm. Cánh cổng sắt đã mục nát nhiều chỗ, ngả màu hoen gỉ chứng tỏ đã có thời gian dầm mưa dãi nắng rất lâu mà không được sơn sửa.
Theo tính toán của một số người dân tại khu vực đó, khu đất phải có trị giá hàng ngàn lượng vàng. Những người có trách nhiệm tại UBND phường 8, quận Phú Nhuận cho biết trước đây mặt bằng này được sử dụng làm kho gạo nhưng từ nhiều năm nay đã bị bỏ hoang. Theo quyết định của Bộ Tài chính, mặt bằng 190 Nguyễn Trọng Tuyển đã được thu hồi để giao cho Quỹ phát triển nhà TP sử dụng làm công sở.
Mặt bằng số 32 Lê Lai, phường 3, quận Gò Vấp cũng trong tình trạng tương tự. Lô đất có diện tích hơn 1.000m2 nhưng hiện để không. Trước cổng khu đất nước đọng thành vũng lớn, cỏ mọc xanh rì, rác rưởi vứt bừa bãi. Người dân sống gần đó cho biết vài năm trước mặt bằng này được cho thuê làm xưởng cơ khí, có khi làm lò bánh mì, vài năm trở lại đây bị bỏ hoang, chỉ có bảo vệ tới lui thăm nom khu nhà.
Nằm ở phường 10, quận 6, kho 144/2 Nguyễn Văn Luông có diện tích đáng “nể”, hơn 2.500m2. Kho này hiện đang cho một công ty sản xuất ly thủy tinh thuê chứa hàng. Hai khu đất trên có giá trị rất lớn nên đã được Bộ Tài chính giao cho hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất lập thủ tục bán đấu giá.
Hai “đại gia” của lãng phí
Trong năm 2006, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM đã giám sát việc quản lý, sử dụng mặt bằng của Công ty Lương thực TP.HCM (thành viên Tổng công ty Lương thực miền Nam) và kết quả cho thấy công ty này được giao 307 mặt bằng (tổng diện tích hơn 300.000m2) nhưng chỉ quản lý, sử dụng 195 mặt bằng với diện tích trên 100.000m2. Còn lại 112 mặt bằng (diện tích hơn 200.000m2) sử dụng không đúng mục đích, bỏ trống hoặc cho thuê lại.
Nhiều mặt bằng khác bị bỏ hoang rất lãng phí hoặc biến thành nhà ở cho cán bộ, nhân viên công ty. Nhiều mặt bằng có giá trị kinh tế cao do nằm tại các con đường lớn thuộc quận nội thành nhưng cũng được công ty đem cho thuê với giá “hữu nghị”. Nhiều mặt bằng, nhà xưởng bị bỏ phế lâu ngày đã bị người dân chiếm dụng.
Phía Công ty Lương thực TP.HCM đã đưa ra phương án xin giữ lại 77 mặt bằng để kinh doanh và bán 86 mặt bằng để bổ sung vốn lưu động, trừ một số mặt bằng nằm trong quy hoạch bị giải tỏa. Số còn lại công ty này đề nghị giao cho Tổng công ty Lương thực miền Nam và thành phố quản lý. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay việc khai thác, sử dụng các mặt bằng, kho bãi nói trên vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Trong một báo cáo của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM vào tháng 10-2005, Công ty Kho bãi TP.HCM được giao quản lý 97 kho bãi với tổng diện tích hơn 188.000m2. Tuy nhiên, trong nhiều năm công ty này đã quản lý yếu kém dẫn đến nguồn tài sản công bị sử dụng lãng phí, thậm chí bị chiếm dụng thành tài sản riêng gây thất thu ngân sách.
Các sai phạm chủ yếu là: cho các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân thuê với giá rất “mềm”, chỉ 20.000-30.000 đồng/m2/tháng để các đơn vị này đem cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần nhằm hưởng chênh lệch. Nhiều mặt bằng kho bị thuê rồi biến thành nhà ở, có tình trạng kho bãi bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn.
Trăn trở cuối đời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt
Năm 2006, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có thư gửi Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí đề cập vấn đề lãng phí nhà, đất công của các văn phòng 2. Thư nêu: xuất phát từ nguồn gốc sau 30-4-1975, giao cho các bộ, ngành có trách nhiệm tiếp quản bộ, ngành tương ứng của chế độ cũ để lại, sau đó chuyển thành cơ sở 2 phía Nam của các bộ, ngành. Việc này đã kéo dài từ thời bao cấp và sau đó vẫn còn tồn tại.
Thường trực Chính phủ cũng đã thấy sự bất hợp lý và lãng phí trong sử dụng khối tài sản này nên đã bàn và thống nhất trong Chính phủ chủ trương giải thể các đại diện văn phòng 2, thu gọn, tập trung lại một nơi. Xây dựng một cao ốc tại số 5 Lê Duẩn, để khi các bộ vào làm việc phía Nam có chỗ nghỉ và làm việc. Số nhà, đất còn lại chuyển hết thành tài sản công, giao cho bộ có chức năng quản lý, sử dụng có hiệu quả nhất cho nhu cầu ngân sách hoặc cho quỹ dự trữ quốc gia.
Cũng theo thư, thực hiện chủ trương trên, năm 1995, 1996 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho một nhóm liên bộ điều tra, kê khai lại toàn bộ nhà, đất của các cơ quan này. Kết quả là một con số khổng lồ: diện tích chính trên 6,3 triệu m2, trong đó 311 biệt thự, 1.244 nhà phố, 178 cao ốc (số liệu năm 1995)... và hầu hết các trụ sở đều ở vị trí đắc địa.
Một số bộ đã sáp nhập và chủ trương này đã xúc tiến thực hiện và chuẩn bị đến 1998 (xây cao ốc số 5 Lê Duẩn đã xong phần khung nhà, phòng ốc về cơ bản). Nhưng sau đó đã có sự thay đổi, giữ nguyên cơ sở 2 của các bộ, cao ốc số 5 Lê Duẩn đã giao lại cho Tổng công ty Dầu khí làm trụ sở. Và tại đây đang là cao ốc cho thuê.
Trong thư trên, cố thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí yêu cầu các bộ, ngành báo cáo ngay những số liệu được cập nhật trong 10 năm trở lại đây cũng như thực trạng hiện nay ra sao. “Chúng ta sẽ thấy sự lãng phí tới mức nào và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cần có biện pháp thích đáng gì phù hợp để chấm dứt sự lãng phí kéo dài này, tăng thêm nguồn cho ngân quỹ quốc gia. Được vậy, dù có chậm cũng là tấm gương cho bên dưới, cho cả nước”, cố thủ tướng gửi gắm.
Tuy nhiên đến thời điểm này, việc thu gọn các văn phòng 2 như đề nghị của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn chưa thực hiện được.
Thu hồi vào thời điểm này chưa phải là quá chậm (?)
Theo ông Phạm Đình Cường - cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, sau khi Thủ tướng ký quyết định 09 (có hiệu lực năm 2007), việc thu hồi nhà, xưởng công vào thời điểm này thật ra chưa phải là quá chậm. Vì việc thu hồi nhà đất công phải qua nhiều bước: kiểm tra lập phương án, xét duyệt phương án, xin ý kiến các ngành, cấp liên quan, thỏa thuận với đơn vị chủ quản... Chưa kể còn phải thuyết phục, động viên... các đơn vị đang sử dụng kho bãi mới có kết quả như ngày nay.
Những con số khổng lồ
Theo báo cáo của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM vào tháng 10-2005, từ năm 2001 thực hiện chỉ thị 80 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất công, Ban chỉ đạo 80 (nay là Ban chỉ đạo 09) TP.HCM đã hướng dẫn cho 1.882 đơn vị trực tiếp quản lý nhà xưởng, đất công trên địa bàn thành phố báo cáo kê khai. Tính đến cuối tháng 8-2005, đã có 1.700 đơn vị (đạt hơn 90%) kê khai.
Ban chỉ đạo 80 đã phân loại phương án xử lý nhà, đất của 1.475 đơn vị. Số còn lại là của các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương khác chưa phân loại với 6.812 cơ sở, tổng diện tích đất hơn 136.000.000m2 và 11.400.000m2 nhà. Trong số đó có 961 đơn vị có phương án nhà, đất ổn định (chiếm 66%), các đơn vị có phương án nhà, đất thay đổi (bán, hoán đổi, chuyển đổi công năng làm nhà ở, xây cao ốc căn hộ, văn phòng cho thuê) là 514 đơn vị, chiếm 34%.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO