Bộ Xây dựng đã bắt tay vào xây dựng Luật Bất động sản (BĐS) sửa đổi với kỳ vọng khắc phục được hàng loạt hạn chế, bất cập của thị trường BĐS, ít nhất cũng giảm thiểu được tình trạng “sốt nóng, sốt lạnh” của thị trường này.
Đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, còn ít nhất 6 tồn tại hạn chế. Cụ thể, hiện vẫn chưa có đủ chế tài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh dẫn đến thiếu ổn định, đầu tư tự phát, “phong trào”, “đám đông” diễn ra phổ biến.
Còn hạn chế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh BĐS tại Việt Nam khiến hạn chế việc thu hút nguồn lực. Chưa cho phép cho thuê, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đã hạn chế khả năng huy động vốn, khai thác từng phần công trình của chủ đầu tư dự án… Ngoài ra, Luật BĐS hiện hành còn bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua phải thông qua sàn giao dịch; quy định quá dễ dàng về điều kiện đối với người hoạt động môi giới.
“Chỉ riêng việc bắt buộc bán, cho thuê, cho thuê mua và quy định quá dễ dàng về điều kiện môi giới đã làm tăng thêm chi phí, tăng thủ tục và góp phần đẩy giá, tạo giá giao dịch ảo, tạo ra những cơn sốt nóng, sốt lạnh; tạo kẽ hở cho tình trạng kinh doanh chụp giật, thậm chí lừa đảo gây lũng đoạn thị trường và gây thiệt hại cho người dân”, Bộ trưởng Dũng phân tích.
Để xử lý những tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất 7 giải pháp khắc phục, trong đó có việc bỏ quy định phải giao dịch thông qua sàn.
“Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Dũng khẳng định và cho biết, mặc dù giao dịch không bắt buộc phải qua sàn giao dịch BĐS để bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp, giảm thủ tục cho người dân, nhưng Nhà nước vẫn có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua thông qua sàn giao dịch cũng như qua tổ chức, cá nhân có chức năng môi giới BĐS”, ông Dũng phát biểu.
Là người có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực BĐS, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Cienco 5), ông Thân Đức Nam đồng tình với việc không bắt buộc giao dịch phải thông qua sàn.
“Nhà nước muốn kiểm soát thị trường, tránh gian lận thuế, trốn thuế nên mới yêu cầu mọi giao dịch phải thông qua sàn. Nhưng trên thực tế ngay cả giao dịch qua sàn cũng không kiểm soát được thị trường, tình trạng gian lận thuế vẫn diễn ra trong khi đó người mua bị bóp chẹt do bị sàn giao dịch thổi giá, đẩy giá ngay cả khi thị trường không có dấu hiệu tăng nhiệt”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, quy định bán qua sàn là bất hợp lý. Quy định này đã ngăn cản người dân được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm từ nhà cung cấp (doanh nghiệp kinh doanh BĐS) với giá gốc, mà phải thông qua khâu trung gian khiến chi phí bị đội lên, thậm chí giá nhà đất về đến tay người dân tăng hàng chục triệu đồng, hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng so với giá gốc.
“Giai đoạn thị trường BĐS tăng nhiệt, người người môi giới BĐS, sàn BĐS mọc ra khắp nơi, vì chỉ cần môi giới được, bán được hàng là đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Có nơi, giá gốc mỗi mét vuông chung cư chỉ có 13-16 triệu đồng, nhưng khi qua sàn bị thổi lên 30-40 triệu đồng/m2 không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp không thu được khoản chênh lệch này để đầu tư mở rộng hoạt động, giảm vốn vay ngân hàng, giảm chi phí qua đó giảm được giá bán”, ông Nam nói. Là người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực BĐS trong nhiều năm qua, TS. Trần Du Lịch (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) kết luận: “Thị trường BĐS Việt Nam thiếu minh bạch và méo mó… có hạng trên thế giới”.
“Phải tìm rõ nguyên nhân vì sao thị trường BĐS thiếu minh bạch và méo mó, nếu không, không thể ngăn chặn được tình trạng “sốt nóng, sốt lạnh”, ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hoạt động của cả nền kinh tế vì lĩnh vực này liên quan trực tiếp, mật thiết tới tất cả các lĩnh vực khác, kể cả thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của doanh nghiệp trong nước”, ông Lịch nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư