Bỏ bản vẽ nhà đất sẽ hết phiền toái?

Cập nhật 19/11/2010 07:40

Trong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất, bản vẽ luôn là khâu gây tốn kém và phiền hà cho người dân nhiều nhất. Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM, cho biết:...

Trong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất, bản vẽ luôn là khâu gây tốn kém và phiền hà cho người dân nhiều nhất. Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TPHCM, cho biết: “Từ ngày 10-12 (ngày Thông tư 20 của Bộ Tài nguyên - Môi trường có hiệu lực), khi cấp đổi GCN nhà đất hoặc đăng ký biến động, cơ quan cấp giấy không được yêu cầu người dân đo vẽ lại vì số liệu nhà đất trên GCN mới được thể hiện theo bản vẽ của GCN cũ”.

Dự kiến trong tuần, Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM sẽ có buổi tập huấn và giải đáp thắc mắc cho các quận - huyện về cấp GCN.


Người dân sẽ không phải thực hiện bản vẽ khi cấp đổi giấy chứng nhận. Ảnh: Huy Anh

Tin vui với người dân

Sau khi thống nhất cấp một GCN cho nhà và đất (GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất - gọi là GCN mới), Sở Tài nguyên - Môi trường TP đã chỉ đạo các quận - huyện trong hồ sơ xin cấp đổi từ các loại giấy hồng, giấy đỏ cũ sang GCN mới, không được đòi bản vẽ nhưng thực tế nhiều nơi vẫn buộc người dân đo vẽ lại.

Theo lời giải thích của cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại quận Bình Thạnh, việc cấp GCN mới là mẫu giấy thống nhất cấp trên nền bản đồ địa chính nên các thông tin về số tờ, số thửa, tọa độ góc ranh lô đất phải được thể hiện trên bản vẽ. Việc này sẽ giúp cơ quan cấp giấy không cấp trùng thửa, trùng ranh đất như từng xảy ra tại một số quận huyện.

Một cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại UBND quận Bình Tân giải thích, lý do bản vẽ cũ của người dân không được chấp nhận vì trước đây bản vẽ chủ yếu chỉ thể hiện thông tin về diện tích nhà, đất. Theo quy định cấp GCN mới, bản vẽ nhà đất bắt buộc phải có bản vẽ hiện trạng để thuận tiện cho việc quản lý, tra cứu nên phải vẽ lại.

Về việc này, ông Phạm Ngọc Liên khẳng định sẽ chấm dứt khi áp dụng Thông tư 20 từ ngày 10-12. Theo ông Liên, ngoại trừ những trường hợp chuyển nhượng một phần tài sản gắn liền với đất hoặc có nhu cầu chứng nhận bổ sung tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi ranh, vị trí, diện tích của tài sản gắn liền với đất so với GCN đã cấp, người dân mới phải nộp bản vẽ mới.

Còn lại, nếu cơ quan cấp giấy thấy cần thêm thông tin hoặc trường hợp địa phương đã có bản đồ địa chính thay thế các tài liệu, số liệu đo đạc tạm thời trước đây, phải tự đi làm lấy để thể hiện thống nhất theo bản đồ địa chính, tuyệt đối không yêu cầu người dân tự đo vẽ.

Có thể nói, đây là một trong những tin vui cho người dân khi làm thủ tục xin cấp đổi GCN. Vì hiện nay, đa số người dân tại các quận-huyện đều được yêu cầu phải làm lại bản vẽ hiện trạng nhà đất khi làm thủ tục cấp đổi từ giấy hồng, giấy đỏ trước đây sang mẫu GCN mới. Và những trường hợp như vậy, người dân phải mất từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho mỗi lần đo vẽ lại. Đó là chưa kể phải đi tới đi lui chỉnh sửa cho đúng.

Giảm phiền hà


Thông tư 20 cũng quy định việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp lại GCN bị mất được thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày đăng tin về việc mất GCN trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương (đối với trường hợp của tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài) hoặc kể từ ngày niêm yết thông báo mất GCN tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn (đối với trường hợp của gia đình và cá nhân trong nước).
Theo quy định hiện nay, cứ mỗi lần chuyển nhượng phải cấp một GCN mới, vừa kéo dài thời gian xin cấp GCN cho người dân mà cơ quan nhà nước cũng đau đầu vì bị người dân ta thán.

Chị Nguyễn Ngọc Minh, mua căn nhà tại phường 26 quận Bình Thạnh, cho biết, sau khi đến công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng, chị được yêu cầu làm thủ tục đăng bộ, nộp 100.000 đồng lệ phí và đợi thêm khoảng 20 ngày làm việc để được cấp GCN mới.

“Trước kia, thủ tục mua nhà sau khi công chứng là được đăng bộ trên GCN cũ và chỉ mất khoảng 7 ngày làm việc để chuyển tên. Trong khi đó, mua căn nhà này tôi đã tốn quá nhiều thời gian để làm thủ tục, vẽ lại bản vẽ và bây giờ còn được yêu cầu đợi thêm 20 ngày trong khi tôi đang có nhu cầu thế chấp căn nhà để làm ăn mà chưa chắc được cấp GCN đúng hẹn” - chị Minh than.

Chị Minh được hướng dẫn từ ngày 10-12, người dân khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất sẽ được đăng bộ ngay trên GCN cũ mà không cần phải chờ để chuyển qua GCN mới nếu không yêu cầu.

Theo ông Phạm Ngọc Liên, quy định này không chỉ giảm phiền hà mà còn rút ngắn được thời gian cấp GCN cho người dân. Thay vì mỗi lần chuyển nhượng, thế chấp, giải chấp… người dân phải chờ khoảng 20 ngày để được nhận GCN mới, đó là chưa kể bị yêu cầu đo vẽ lại, với quy định cho đăng bộ trên GCN cũ, cập nhật biến động trên trang bổ sung, thời gian rút xuống khoảng 7 ngày mà thôi. Điều đó sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu mua bán liền hoặc thế chấp tài sản để làm ăn.

Theo quy định mới, trang bổ sung dùng để thực hiện việc thế chấp, giải chấp và những đăng ký không dẫn đến kết quả thay đổi chủ trên GCN (cho thuê lại đất, góp vốn không hình thành pháp nhân mới…). Khi hết có thể ghép thêm trang bổ sung tiếp theo.

Tuy nhiên, cần lưu ý, việc đăng bộ trên GCN cũ và cập nhật biến động trên trang bổ sung chỉ được áp dụng đối với các loại GCN như: giấy hồng (GCN về nhà) cấp theo NĐ 60/CP, NĐ 61/CP; giấy đỏ cũ (GCN về đất) cấp theo NĐ 181/CP; giấy đỏ mới (GCN về nhà và đất) cấp theo NĐ 88/CP. Riêng GCN cấp theo QĐ 54 của UBND TP thì khi chuyển nhượng vẫn phải cấp GCN mới vì NĐ 90/CP trước đây không quy định được cập nhật trên GCN này.

Với quy định được đăng bộ trên GCN và cập nhật các thông tin trên trang bổ sung, đa số các quận - huyện đều đồng tình và cho rằng sẽ giảm phiền hà cho dân và cho cả cơ quan cấp giấy.

Hiện một số trường hợp người dân khi mua bán, chuyển nhượng hoặc thế chấp nhà đất cũng xin được đăng bộ trên GCN hoặc cập nhật trên trang bổ sung nhưng các quận - huyện cho biết chỉ thực hiện đối với những hồ sơ nộp từ ngày 10-12. Những hồ sơ được tiếp nhận trong thời gian này vẫn phải giải quyết theo quy định hiện hành.

Ông Trần Văn Đông, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận 3, cũng băn khoăn không biết khi thực hiện quy định mới, việc thu phí đối với các trường hợp đăng bộ như thế nào.

Về việc này, ông Phạm Ngọc Liên cho biết, hiện nay Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) thu phí 100.000 - 500.000 đồng (tùy diện tích) cho 1 GCN được cấp mới, riêng mức phí cho việc cập nhật trên GCN là 20.000 đồng/hồ sơ.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị