Từ đầu năm 2009 đến nay, thị trường bất động sản du lịch bắt đầu nhộn nhịp bung hàng kèm theo nhiều dịch vụ mới chưa từng có tại VN đã khiến cho thị trường này tăng nhiệt trở lại so với năm 2007-2008.
Khách du lịch đang là đích ngắm của các chủ dự án bất động sản du lịch. Ảnh: L.Kiệt |
Từ đầu năm 2009 đến nay, thị trường bất động sản du lịch bắt đầu nhộn nhịp bung hàng kèm theo nhiều dịch vụ mới chưa từng có tại VN đã khiến cho thị trường này tăng nhiệt trở lại so với năm 2007-2008.
“Vốn đầu tư lớn, lại phải chôn dòng tiền dài hạn, đầu ra hạn chế vì kén khách, cộng thêm hạ tầng chưa hoàn thiện, dịch cúm A/H1N1 lan rộng...” là hàng loạt yếu tố khiến các chuyên gia địa ốc nhận định bất động sản du lịch VN tuy đầy tiềm năng nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn trong thời điểm hiện nay, tại hội thảo quốc tế được tổ chức vào sáng 24-7 tại TPHCM.
Chào bán nhiều, mua chẳng bao nhiêu
Ngày 16-7, VinaCapital Real Estate đã công bố 400 căn biệt thự biển sang trọng mang tên The Ocean Villas (Đà Nẵng) thuộc dự án Danang Beach Resort. Đây là dự án trải dài trên bờ biển Non Nước được đánh giá là một trong 10 bờ biển đẹp nhất thế giới với các hạng mục: khách sạn 5 sao, 2 sân golf, trung tâm văn hóa và biệt thự biển.
Riêng 400 căn biệt thự sẽ chính thức đón khách tham quan vào cuối tháng 8 tới. Trước đó, tháng 5-2009, Indochina Land thuộc Tập đoàn Indochina Capital đã bán 150 căn hộ và 30 villa hai tầng trong khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang Resort & Spa (Đà Nẵng).
Giá bán từ 3,2 tỉ đồng đến 23,4 tỉ đồng cho mỗi căn hộ hoặc biệt thự hai tầng có hướng nhìn ra biển. Thống kê của doanh nghiệp này, sau gần một tháng mở bán, hơn 50% căn hộ và biệt thự đã được khách hàng đặt mua. Cuối tháng 6, doanh nghiệp này tiếp tục bán đợt 2 căn hộ Hyatt Regency với giá trung bình từ 5,8 tỉ đồng đến 15,6 tỉ đồng mỗi căn hộ ở block C.
Giám đốc bán hàng và tiếp thị Công ty Indochina Land Michael Piro cho hay những người mua căn hộ, biệt thự tại dự án có thể nghỉ ngơi miễn phí trong căn hộ, biệt thự của mình từ 1-3 tháng, thời gian còn lại công ty sẽ quản lý và cho khách thuê lại, lợi nhuận sẽ chia đôi.
Với hình thức này, “chủ” khu nghỉ dưỡng cũng không cần phải thuê người quản lý, chăm sóc và bảo trì căn hộ... mà những công việc này sẽ được công ty quản lý đảm nhiệm. Tuy vậy, nhiều chuyên gia địa ốc cho rằng hiện thị trường nhà đất đang thoái trào nên nhiều dự án bất động sản du lịch “chào bán nhiều, mua chẳng bao nhiêu”!
Kén nhà đầu tư
Nhận định về thị trường nhà nghỉ dưỡng, Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) VN Marc Townsend cho rằng phân khúc này đang có nhiều cơ hội sôi động trở lại vì những dự án hạ tầng khắp VN đang trên đà hoàn thiện, tạo lực hút kết nối giao thông ngày một thuận tiện.
Lãnh đạo CBRE cho biết thêm trong thời gian tới, ngành bất động sản du lịch sẽ đón nhận một lượng lớn sản phẩm lên đến hơn 2.000 biệt thự, căn hộ và nền biệt thự tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng trải dài khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ông cũng cho rằng những căn hộ nghỉ dưỡng được mua bán bằng nguồn tài chính khác (không phải vốn vay), khách hàng tiềm năng (thuê hoặc mua căn hộ nghỉ dưỡng) ít bị lệ thuộc vào tài chính như các thị phần căn hộ thông thường nên việc giao dịch cũng dễ dàng hơn.
Một mặt khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường này, song Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TPHCM Đỗ Thị Loan cho rằng nếu dịch cúm A/H1N1 chỉ là lo lắng ngắn hạn thì hạ tầng VN còn nhiều khiếm khuyết là một trong những yếu tố kéo lùi sức đầu tư của bất động sản du lịch trong nhiều năm qua.
Theo bà Loan, lẽ ra phải có đường sắt cao tốc, sân bay quốc tế và tàu biển 5 sao đến các điểm du lịch, giúp rút ngắn khoảng cách giữa các chặng đường, giúp du khách tiết kiệm được thời gian thì bất động sản du lịch sẽ phát triển tốt hơn. “Nhiều nhà đầu tư đến Phan Thiết trầm trồ khen khí hậu và địa thế nơi này nhưng họ phản hồi rằng khi nào có sân bay quốc tế họ mới trở lại”- bà Loan nói.
Còn Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức Lê Chí Hiếu cho rằng rủi ro lớn nhất trong việc kinh doanh bất động sản du lịch, cụ thể căn hộ nghỉ dưỡng là mức đầu tư quá lớn nhưng chôn vốn rất lâu, lại hẹp đầu ra và kén chọn khách. Theo ông Hiếu, nếu kinh doanh không khéo, quản lý không chặt, chuyện xoay đồng vốn cho bất động sản du lịch cũng là bài toán hóc búa. Bên cạnh đó, hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, quy hoạch bị phá vỡ vì xây dựng manh mún sẽ làm giảm sức hấp dẫn của tiềm năng du lịch.
Các chủ dự án bắt đầu giành thị phần
Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn bất động sản như CBRE, Savill, đây là thời điểm thị trường các chủ dự án nhà nghỉ dưỡng chạy đà để tiến những bước dài tăng tốc giành thị phần. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng đầu tư vào bất động sản du lịch, cụ thể là nhà nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều hạn chế, rủi ro trong ngắn hạn. Giới kinh doanh bất động sản nhận định không phải lúc nào đổ vốn vào bất động sản du lịch cũng gặt hái thành công. Bởi lẽ, loại hình này phụ thuộc rất lớn vào tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, sự ổn định kinh tế trong và ngoài nước, sự phát triển hạ tầng, thời tiết, khí hậu, dịch vụ và chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn của địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động