Bến Tre: Còn bộn bề với “cầu tre lắt lẻo...”

Cập nhật 04/05/2009 08:25

Theo thống kê gần đây, Bến Tre chỉ còn trên dưới 700 cây cầu cần phải xây mới và sửa chữa. Nếu làm xong thì tỉnh này không còn đò ngang và “cầu tre lắt lẻo”.

Theo thống kê gần đây, Bến Tre chỉ còn trên dưới 700 cây cầu cần phải xây mới và sửa chữa. Nếu làm xong thì tỉnh này không còn đò ngang và “cầu tre lắt lẻo”.

Những tấm lòng “thích làm việc nghĩa”

Ngoài 274 cầu nằm trên đường huyện, tỉnh, Bến Tre còn có 2.586 cây cầu do xã, xóm, ấp quản lý với tổng chiều dài 49 cây số. Gần 10 năm thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn - từ nguồn vốn do dân tại chỗ đóng góp, từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trong cả nước, có cả nước ngoài và một phần ngân sách - đến nay đã xây được khoảng 1.800 cây cầu kiên cố. Không chỉ người trong cuộc mà cả khách ngoài tỉnh đến Bến Tre đều có chung nhận định rằng tốc độ làm cầu và đường đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh này nhanh chóng.

Ông Trịnh Văn Y, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre, cho biết, ra đời chưa tới 8 năm nhưng cho đến nay hội đã môi giới xây được khoảng 800 cây cầu ở nông thôn.

Ông Toni Ruttimann, nhà từ thiện người Thụy Sĩ, là một điển hình. Ông đã nhiệt tình vận động mạnh thường quân tại nước ông và nhiều nước trên thế giới để xây cầu nông thôn ở Bến Tre. Đến nay số tiền ông quyên góp được đã giúp xây 40 cây cầu cáp treo trị giá trên 13 tỷ đồng. Xong dự án, ông còn tiếp tục gửi cho Bến Tre 17 tấn thép ống và một khối lượng lớn sắt chữ U, chữ V đủ để làm trụ đóng, trụ néo cho 8 cây cầu, mỗi cây dài trên dưới 60m.

Bên cạnh tấm lòng “thích làm việc nghĩa” của Toni, Dự án VIE 115/5/12 do Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức và Quỹ W.P.Schmitz tài trợ hai đợt với tổng số 157 cầu, dài 2.668m (bình quân mỗi cây cầu trị giá 25 triệu đồng) tại 7 huyện trên địa bàn tỉnh. Đặc điểm của dự án này là không giúp trọn gói mà số tiền trên chỉ làm phần cầu, còn người dân tại chỗ phải đối ứng phần móng, đất, đường dẫn vào cầu, công lao động làm cầu và vận chuyển vật tư. Dự án kết thúc cuối năm 2008, có lẽ “thấy người dân Bến Tre nhiệt tình, năng động và sử dụng đồng vốn đúng mục đích. Mỗi cây cầu làm xong đều có bản lưu niệm ghi tên nhà tài trợ tại công trình, cùng với cách làm rạch ròi, minh bạch, có nghĩa, có tình” - (một thành viên của Quỹ Schmitz đã nói như vậy) nên quỹ quyết định tiếp tục tài trợ thêm 30 cây cầu nữa cho Bến Tre trong 6 tháng đầu năm 2009.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng tích cực tham gia chương trình xóa cầu khỉ, cầu tạm ở Bến Tre. Tổng cộng có 127 cầu thép không gian và bê tông với 50% vốn do Trung ương Đoàn tài trợ, còn lại 50% là do địa phương. Các ngành, các cấp, những người con Bến Tre xa quê và nhiều mạnh thường quân trong cả nước cũng đóng góp để làm cầu. Nhờ vậy, đến nay, 3 xã Lương Quới, Tân Lợi Thanh, Tân Thanh của huyện Giồng Trôm và 2 xã An Thạnh, Tân Thành Bình của huyện Mỏ Cày đã tuyên bố xóa xong cầu khỉ, cầu tạm.

Cần sự “kích cầu” từ nhà nước


Hiếm có địa phương nào như Bến Tre, đoạn đường dài chừng mươi cây số là thấy cầu. Có người nói vui nhưng có phần đúng: “Bến Tre phát triển không nhanh cũng vì lý do làm cầu”. Cầu đủ cỡ, lớn có, nhỏ có. Đủ cấp quản lý, từ trung ương đến cơ sở, thậm chí xóm, ấp cũng có “chức năng” quản lý cầu. Đến cuối năm 2008, số cầu từ huyện quản lý trở lên được xây kiên cố chưa phải là nhiều.

Cụ thể: Trên địa bàn tỉnh có 27 cầu nằm trên quốc lộ thì mới làm được 11 cây; 44 cầu nằm trên đường tỉnh mới làm được 17 cây; 203 cầu nằm trên đường huyện thì làm được 174 cây. So với tiềm năng của tỉnh Bến Tre mà làm được như vậy cũng là điều đáng mừng, vì tính ra mỗi cây cầu thấp nhất cũng từ 50 - 70 tỷ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh mỗi năm chưa tới 700 tỷ. Cho nên, chuyện làm cầu nông thôn phải tiếp tục xã hội hóa là con đường đúng đắn và phù hợp.

Theo ông Trịnh Văn Y, trong những trường hợp cụ thể, Nhà nước cũng mạnh dạn bỏ ra một phần ngân sách để “kích cầu”, vì “trong thực tế những cây cầu mà hội chúng tôi làm môi giới kéo kinh phí về, có khi được mạnh thường quân cho trọn vẹn nhưng cũng có khi chỉ cho được một phần, vận động dân tại chỗ cũng có hạn, buộc phải chờ lâu, có khi phải mất đến 2 - 3 năm mới tiến hành được. Chính vì vậy đôi khi khiến người dân thắc mắc mà nhà tài trợ cũng không vui. Trong tình hình đó, nếu được hỗ trợ kịp thời sẽ “vẹn cả đôi đường”.

Thiết nghĩ, đầu tư làm cầu nông thôn lúc này không chỉ giải quyết đi lại mà còn giúp tiêu thụ được vật tư, tạo điều kiện thông thương hàng hóa để nông dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây, con trong nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao cuộc sống, giao lưu văn hóa nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”. Được như vậy, thì “nhất cử lưỡng tiện”.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ