BĐS tới thời “bán thân”

Cập nhật 21/04/2013 09:36

Thị trường không như mong đợi đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản sa lầy trong các dự án của mình. Những dự án ngưng trệ chưa hoàn thành hay những công trình đã hoạt động nhưng không mang lại nhiều hiệu quả đã được rao bán hàng loạt trên thị trường. Người bán nhiều kẻ mua cũng không ít.

Thị trường không như mong đợi đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản sa lầy trong các dự án của mình. Những dự án ngưng trệ chưa hoàn thành hay những công trình đã hoạt động nhưng không mang lại nhiều hiệu quả đã được rao bán hàng loạt trên thị trường. Người bán nhiều kẻ mua cũng không ít.

Cơ cấu lại các dự án đầu tư là giải pháp gần như được áp dụng tại hầu hết các DN BĐS trong bối cảnh hiện nay. Các "đại gia" một thời đang tìm cách tự "cứu" mình bằng cách tìm đối tác hợp tác đầu tư hay bán đi các dự án của mình. Điểm qua có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS đang muốn chuyển nhượng lại dự án để cắt lỗ, bên mua thì có thể nhìn nhận đó là "món hời"

Sau hơn 3 năm trì trệ, phần lớn DN BĐS lâm vào trạng thái khó khăn khi lượng hàng tồn kho lớn, áp lực nợ lãi đang đè nặng từng ngày. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, trong năm 2013, việc chuyển nhượng các dự án đang đầu tư sẽ diễn ra sôi động.


Theo công bố của một đơn vị tư vấn, đến này có khoảng 50 dự án được chào bán thông qua kênh của công ty này. Điểm đáng chú ý trên thị trường bất động sản TP.HCM quý 1/2013 là khá nhiều cao ốc ngay tại trung tâm Thành phố đã được sang tay chủ mới. Trung tâm quận 1 luôn được xem là khu vực nóng nhất trong hoạt động chuyển nhượng dự án. Hàng loạt các dự án cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại đang xếp hàng chờ bán hoặc đã được hỏi mua.

Cụ thể quỹ đầu tư VinaCapital đã bán khách sạn Legend trên đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) cho Lotte Hotel & Resort với giá 62,5 triệu USD. Hãng hàng không Asiana Airlines, thuộc tập đoàn Kumho (Hạn Quốc) đã mua lại 50% khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại - khách sạn Kumho Asiana Plaza từ Kumho E&C. Giá trị chuyển nhượng của thương vụ này là 93,9 triệu USD. Một cao ốc văn phòng lớn nằm trong khu vực quận 1 là Gemadept cũng đang dò dẫm thị trường tìm đối tác để gả bán. Nếu thành công giá trị chuyển nhượng của tòa nhà này cũng khoảng 900 tỷ đồng.

Một hãng tư vấn quốc tế cho biết, hiện đơn vị này đang nhận số lượng lớn các yêu cầu từ các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam và chắc chắn năm 2013 sẽ thấy một số lượng gia tăng của hoạt động M&A trên thị trường BĐS. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam, vì họ tin rằng thị trường BĐS đang chạm đáy.

Ngoài bên bán thì bên mua cũng tỏ ra tích cực không kém khi trước đó không lâu các công ty BĐS nội địa có tiềm lực đã công bố những dự án của mình mới thu gom được.

Cách đây không lâu Đất Xanh công bố vừa mua lại 2 dự án căn hộ tại quận Gò Vấp. Dự án đầu tiên có quy mô 3,6ha do Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) làm chủ đầu tư. Dự án thứ hai cũng thuộc quận Gò Vấp gồm 4 khối nhà, quy mô 3,2ha.

Hoàng Quân cũng vừa nhận chuyển nhượng lại từ dự án 3.53ha - Khu nhà ở CB-CNV Nam Hiệp Thành, đô thị mới Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty CP Đầu tư Nam Hiệp Thành làm chủ đầu tư.

Trong xu thế đó một số DN bất động sản cũng chào bán dự án như Công ty PPI bán một phần dự án Long Hội (Long An), Công ty PVL với dự án Green House Linh Tây...

Xu hướng doanh nghiệp tìm kiếm các dự án BĐS giá rẻ dự kiến sẽ gia tăng đối với các dự án chủ đầu tư không còn năng lực tài chính và không được ngân hàng hỗ trợ để hoàn thành theo tiến độ và cam kết với nhà đầu tư.

Tới thời điểm hiện tại, đã bắt đầu có nhiều dự án sang tay và các thương vụ chuyển nhượng trên thị trường BĐS, nhưng tỷ lệ thành công chưa lớn do phía người mua cũng như giữa người mua và người bán chưa tìm được tiếng nói chung về giá.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF