BĐS tê liệt, thưởng Tết cũng băng hà

Cập nhật 27/12/2012 08:28

Cả năm thị trường đóng băng gần như tê liệt. Nhiều doanh nghiệp, sàn BĐS không có khoản lãi nào đáng kể, thưởng Tết cũng trở nên èo uột. Lo Tết năm nay lại nghĩ chuyện năm sau liệu có còn trụ lại được?

Cả năm thị trường đóng băng gần như tê liệt. Nhiều doanh nghiệp, sàn BĐS không có khoản lãi nào đáng kể, thưởng Tết cũng trở nên èo uột. Lo Tết năm nay lại nghĩ chuyện năm sau liệu có còn trụ lại được?

Thắt ruột lo Tết


Năm 2012 sắp khép lại, đầy chật vật mà không có khởi sắc. Suy thoái trên thị trường BĐS kéo dài từ năm 2011 sang đến cuối năm 2012 vẫn chỉ được miêu tả bằng những từ ảm đạm, ế ẩm, đóng băng… trong sự bất lực của các ông chủ từ Bắc tới Nam.

Theo nghiên cứu của Dragon Capital, tổng bất động sản tồn đọng của cả Hà Nội và TP.HCM đã lên tới 70.000 căn hộ. Nếu mức giá là 1,5 tỉ đồng/căn thì tổng số vốn đọng trong bất động sản tồn đọng lên tới 100.000 tỉ đồng.

Còn theo số liệu thống kê của hơn 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán, lượng hàng tồn kho đang chiếm gần 50% tổng tài sản của họ. Cá biệt, một số doanh nghiệp có tỷ lệ hàng bất động sản tồn kho chiếm đến 70 – 90% tổng giá trị tài sản.

Tình trạng đó khiến không ít doanh nghiệp đứng bên bờ vực, hoạt động mang tính chất cầm chừng, không thu về được khoản lãi nào đáng kể. Nếu trước đây nhắc đến chuyện lương, thưởng nhất là thưởng tết doanh nghiệp BĐS được liệt vào danh sách “chiếu trên”. Chi mức thưởng tết hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cho nhân viên đối với doanh nghiệp bất động sản được xem là “chuyện vặt” thì đến nay cũng trở nên èo uột.
 

Thị trường đóng băng chuyện "chiếu trên" trong lương thưởng đã không mấy còn trong giới BĐS


Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho hay: “Tôi không biết chuyện thưởng của các doanh nghiệp khác như thế nào nhưng nhìn vào thị trường BĐS hiện nay thì chắc chắn cũng không có mấy khởi sắc. Ở công ty chúng tôi, như những năm trước chúng tôi có thể thường 2 – 3 tháng lương là chuyện bình thường nhưng năm nay chúng tôi cũng cố gắng lo thưởng cho cán bộ công nhân viên 1 tháng lương. Thị trường BĐS cho đến thời điểm này vẫn còn rất khó khăn một năm qua chúng tôi vẫn duy trì bán được sản phẩm không có tình trạng phải cắt giảm nhân lực đó cũng là cố gắng đáng ghi nhận”.

Là 1 trong 39 nhà thầu phụ đang “mắc cạn” tại dự án Khách sạn 5 sao Marriott Hà Nội với nguy cơ bị “xù nợ”, ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Công ty CP phát triển kỹ thuật NDT lo lắng: “Tôi không biết các doanh nghiệp khác đầu tư thu lãi thế nào còn riêng với bản thân doanh nghiệp tôi 1 năm qua chúng tôi hoạt động gần như cầm chừng.
Đến bây giờ khi chúng tôi vẫn đang nợ tiền lương công nhân làm việc tại dự án Marriott. Từ giờ đến cuối năm tôi chỉ mong có đủ tiền để thanh toán tiền lương cho công nhân chứ không nghĩ gì đến việc thưởng Tết. Không lo được tiền trả cho họ tôi coi như không có Tết”.

Năm 2012 cũng chứng kiến sự ra đi của không ít doanh nghiệp, nhiều sàn BĐS phải dẹp tiệm nhiều nhân viên hoạt động trong lĩnh vực BĐS bị cắt giảm, mất việc. Vật lộn với bài toán kiếm việc nghĩ về chuyện thưởng tết của những năm trước họ chỉ biết cười nhạt.

“Sau khi nghỉ việc tại sàn giao dịch tôi vẫn chỉ đang chạy việc lặt vặt. Kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng là để lo cái tết sắp tới chứ nghĩ gì đến chuyện thưởng này nọ” – Nhân viên một sàn BĐS cho hay.

Tết tới gần các cơ quan tổ chức hối hả với những tổng kết, khen thưởng thì doanh nghiệp BĐS cũng quay cuồng với những con số tồn kho, nợ xấu đắng lòng mà nghĩ về Tết.

Nghĩ Tết lo năm sau

Trải qua một năm 2012 đầy vất vả nhiều doanh nghiệp đã phải chật vật bám trụ với đủ phương thức khuyến mại, giảm giá, cắt lỗ... được giao bán nhan nhản. Năm 2012 cũng chứng kiến sự ra đi của không ít doanh nghiệp và sàn giao dịch. Lo chuyện tết nhiều doanh nghiệp cũng phải đau đầu tính chuyện năm sau khi năm 2013 được dự báo cũng không mấy sáng sủa.
 

Năm 2012 chứng kiến sự ra đi của không ít doanh nghiệp, nhiều sàn BĐS cũng "dẹp tiệm" không trụ được với thị trường


“Năm qua Bộ Xây dựng và nhiều Bộ, ngành khác cũng đã có nhiều chủ trương nhằm vực dậy thị trường BĐS nhưng trên thực tế các giải pháp này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Các doanh nghiệp vẫn đang phải tự cứu chính mình. Tôi tin chắc những doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán căn hộ của mình là chấp nhận chịu lỗ để duy trì hoạt động chứ không mong gì vào lãi. Năm 2013 tình hình kinh tế cũng vẫn còn rất khó khăn. Theo tôi, trong năm tới Bộ, ngành cần có nhiều hành động cụ thể đánh đúng vào thị trường, tâm lý người tiêu dùng và có những quyết sách mở như giảm diện tích căn hộ hay tập trung vào phân khúc căn hộ bình dân…” – ông Đực nói.

Còn theo đánh giá của Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, triển vọng kinh tế không mấy khả quan cho đến năm 2013 sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ tìm nơi trú ẩn an toàn bằng cách đẩy mạnh tiết kiệm thay vì đầu tư. Tiền trong dân vẫn còn, nhưng không đổ vào bất động sản.

Nói như không ít nhà đầu tư BĐS thời điểm này thì đúng là năm cũ chưa qua, lo mới đã đến. Chưa biết kịch bản nào đang chờ trong năm 2013 nhưng nhìn lại một năm qua BĐS vẫn chưa tìm thấy con đường sáng trong ngày một ngày hai. Xem ra lại thêm một cái tết nghèo với nhiều người trong giới đầu tư BĐS.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet