BĐS phía Tây không chỉ “của” nhà đầu tư

Cập nhật 30/08/2010 07:40

Trong tổng số 744 dự án, đồ án được rà soát phần lớn nằm trong khu vực phía Tây Hà Nội. Vấn đề là cần có quy hoạch và chính sách như thế nào để vừa thu hút được các nhà đầu tư lại vừa tận dụng hiệu quả nguồn lực từ đất.

Trong tổng số 744 dự án, đồ án được rà soát phần lớn nằm trong khu vực phía Tây Hà Nội. Vấn đề là cần có quy hoạch và chính sách như thế nào để vừa thu hút được các nhà đầu tư lại vừa tận dụng hiệu quả nguồn lực từ đất.

Tiềm năng từ phía Tây

Khu vực phía Tây Hà Nội theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô có nhiều cơ hội cũng như nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5/5/2008.

Khu vực này gồm: Khu vực nội đô mở rộng (từ vành đai 2 đến vành đai sông Nhuệ); Phần mở rộng của đô thị trung tâm hạt nhân (chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4); Hành lang xanh, vành đai xanh sông Nhuệ; các trục giao thông như: Đại lộ Thăng Long, trục Tây Thăng Long, Trục Hồ Tây - Ba Vì… được kết nối với đường vành đai 3 và các tuyến tàu điện ngầm - nổi…


Cần biến tiềm năng từ đất thành nguồn lực tài chính (ảnh minh họa)

Đây cũng là khu vực có các trung tâm lớn như: Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia, Trung tâm hội nghị quốc gia, Trung tâm thể thao quốc gia… là khu vực đặt trụ sở cơ quan mới của một số bộ, ngành, đồng thời là khu vực có các đô thị dịch vụ chất lượng cao… Rồi bên cạnh các đô thị vệ tinh là các thị trấn sinh thái như: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn…

Theo TS. KTS Dương Đức Tuấn - Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, đó là những nguồn lực cơ bản tạo động lực cho phát triển đô thị, khu vực có quỹ đất để đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng theo hình thức BT, BOT.

Trong tổng số 744 dự án, đồ án được rà soát có một phần lớn nằm trong khu vực phía Tây của Hà Nội, trong đó có nhiều dự án đã được Thủ tướng cho phép triển khai đợt 1 với 244 đồ án, dự án, quy mô gần 9.600 ha.

Chuỗi đô thị phía Tây gồm các khu vực giáp ranh giữa Đan Phượng, Hoài Đức với Từ Liêm, giáp ranh giữa Hà Đông, Từ Liêm và Thanh Oai, giáp ranh giữa Thanh Trì và Thường Tín.

Thống kê cho thấy, có tới 82 trong số 244 đồ án, dự án nói trên nằm ở quận Hà Đông; 35 đồ án, dự án tại huyện Từ Liêm và Hoài Đức là 27 dự án. Chỉ tính riêng 3 khu vực này đã chiếm trên 5.000 ha đất, tương đương với 53% quỹ đất trong 244 đồ án, dự án được phép triển khai trong đợt 1.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo ưu tiên tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phân khu để có thể triển khai rà soát, khớp nối các dự án và thực hiện dự án đầu tư ngay sau khi Quy hoạch chung của Thủ đô được chính phủ phê duyệt.

Biến tiềm năng thành nguồn lực


Rõ ràng, thị trường BĐS ở phía Tây đang có những lợi thế cho sự phát triển. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện được khi Hà Nội có một quy hoạch tổng thể mang tính khả thi cao.

Tại hội nghị “Bất động sản vùng Thủ đô, cơ hội đầu tư từ các dự án phía Tây Hà Nội” diễn ra sáng 28/8, GS. TSKH Đặng Hùng Võ lo lắng: Với Hà Nội, chúng ta đã có khá nhiều lần làm quy hoạch tổng thể phát triển, cũng có nhiều lần do chuyên gia nước ngoài thực hiện và bây giờ là quy hoạch do liên danh Hoa Kỳ - Hàn Quốc.

Quy hoạch lần nào cũng nghiêm túc, mới lạ nhưng chưa lần nào có khả năng thực hiện đầy đủ và lần này thì chưa biết sẽ thế nào. Đưa ra quy hoạch có thể rất hay nhưng khi áp dụng vào thực tế lại bị vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác, trong đó huy động vốn là việc rất quan trọng vì không thể sử dụng giải pháp “giật gấu vá vai” trong thực hiện quy hoạch.

Theo ước tính, chúng ta cần tới 70 tỷ USD để thực hiện quy hoạch. Và trong hoàn cảnh hiện nay, các nguồn vốn từ ODA hay FDI đều khó có thể huy động, còn ngân sách nhà nước thì cũng không dư dả gì.

Bởi vậy, năng lực thực hiện quy hoạch chỉ có thể nhìn vào nguồn lực từ đất, phải chuyển hóa nguồn lực này thành năng lực tài chính. “Và chính điều đó sẽ quyết định đến bộ mặt của thị trường đất đai khu vực phía Tây” - ông Võ khẳng định.

Bên cạnh đó, Nghị định 71 của Chính phủ vừa ban hành cũng được đa số các chuyên gia đánh giá khá cao khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến cơ chế giải quyết vốn, nâng cao tính minh bạch cho thị trường.

Đây cũng là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS Việt Nam nói chung và thị trường phía Tây Hà Nội nói riêng.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí