Trong khi các dự án bất động sản nằm trong vành đai 4 (TP Hà Nội) và khu vực trung tâm thành phố đã được định đoạt, số phận các siêu dự án có quy mô cực lớn nằm phía ngoài đường vành đai này lại chưa ngã ngũ.
Dự án cấm biển nằm chờ quy hoạch |
Kết quả rà soát sơ bộ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cho thấy, thành phố có quá nhiều các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản (chiếm 51% về số lượng các đồ án, dự án và 51,7% về tổng diện tích mặt bằng). Hầu hết các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư bất động sản này đều bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vào năm 2007 - thời kỳ thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới còn khá sáng sủa...
Bên “ấm”, bên “lạnh”
Theo thống kê chưa đầy đủ, quy mô diện tích cũng như quy mô dân số theo quy hoạch của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu đa năng có nhà ở với tiến độ đầu tư trong khoảng từ năm 2008 - 2020 là khá lớn, khoảng 41.319ha và hơn 2 triệu người.
Nếu các dự án khu đô thị tầm trung của Hà Nội trước hợp nhất có quy mô 80 - 100ha, lớn nhất cũng chưa tới 300ha thì những khu đô thị ở các huyện phía Tây, vùng ngoài đường vành đai, “vừa vừa” cũng xấp xỉ 1.000ha, còn quy mô lớn nhất lên tới 2.800ha (huyện Quốc Oai). Nhiều dự án trong số này là các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng các tuyến đường trục lớn ở khu vực phía Tây Hà Nội.
Sau khi Hà Nội chính thức mở rộng, các dự án lớn nhỏ ở khu phía Tây đều bị tạm dừng để tiến hành rà soát, ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư, đến thị trường bất động sản và cho chính sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội. Liên quan tới các dự án này, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vạch ra hướng đi rõ ràng trong cách xử lý của Hà Nội. Theo đó, riêng đối với 244 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng (đợt 1) tại Hà Nội đã được Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo hồi tháng 8/2009, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP căn cứ Định hướng Quy hoạch chung xây dựng TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều kiện thực tế của Thủ đô, chịu trách nhiệm xem xét, chủ động cho phép triển khai các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, UBND TP Hà Nội chủ động làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Nhìn nhận vấn đề này, UBND TP cho rằng, nếu cứ nén các dự án chờ Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hình thành xong mới cho triển khai các dự án thì sẽ rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển Thủ đô. Rõ ràng, Hà Nội cần tìm hướng đột phá để tháo gỡ khó khăn này. Do đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành đưa ra giải pháp tháo gỡ để triển khai nhanh các dự án, đồ án trên, không gây cản trở thêm cho các nhà đầu tư.
Thời gian các dự án bị dừng trong 2 năm là quá lâu, để giải quyết nhanh các sở, ngành sẽ giảm nhẹ các thủ tục hành chính cho chủ đầu tư, thành phố chỉ “hậu kiểm” |
“Thời gian các dự án bị dừng trong 2 năm là quá lâu, nay để giải quyết nhanh thì phải “vừa chạy, vừa xếp hàng” nên không thể cầu toàn mọi mặt. Trong 244 đồ án quy hoạch, dự án đã được Thủ tướng cho phép tiếp tục đầu tư, những dự án nào đã có quyết định thu hồi đất, GPMB có thể cho triển khai ngay. Các sở, ngành sẽ giảm nhẹ các thủ tục hành chính cho chủ đầu tư, thành phố chỉ hậu kiểm”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết.
Như vậy, trong khi các dự án trong vành đai 4 đã chính thức hoàn thành việc xét tuyển thì ở thời điểm hiện tại, hàng trăm dự án lớn ở ngoài vành đai 4 vẫn đang... xếp hàng chờ tới lượt rà soát (đợt 2). Việc chậm tiến độ, thậm chí bỏ trống ở một số dự án có mặt bằng sạch đã gây bức xúc trong dư luận. Các doanh nghiệp kêu ca vì bị “chôn” vốn, không quay vòng được vì dự án ách tắc. Cùng với đó, người dân cũng ca thán bởi đất nông nghiệp đã nằm trong vùng dự án, không thể tiếp tục canh tác, sản xuất...
Chuyển quy hoạch!
Đáp lại sự chờ đợi của các nhà đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, thành phố đang tiến hành đợt rà soát thứ hai trong tổng số gần 800 dự án, đồ án trên địa bàn Thủ đô mở rộng với đa số các dự án nằm ngoài vành đai 4. Hiện nay, thành phố và Bộ Xây dựng đã phối hợp lên danh sách cũng như đặt ra các tiêu chí, nguyên tắc rà soát. Tuy nhiên, do đợt 2 này “đụng” tới nhiều đồ án, dự án có diện tích rất lớn, có khi lên tới hàng nghìn ha nằm trong khu vực vành đai xanh (theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội) nên mức độ sàng lọc trong đợt 2 này sẽ cao hơn với các yêu cầu kiểm soát rất nghiêm ngặt. Do đó, thời gian rà soát sẽ lâu hơn đợt 1 và quan trọng là phải chờ đợi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được duyệt mới có cơ sở pháp lý để quyết định dự án nào dừng, dự án nào được triển khai tiếp!
750 dự án còn trong tình trạng lộn xộn, thậm chí có dự án chưa có đường vào |
Trước những thông tin còn khá mơ hồ về đợt rà soát thứ 2 của các cơ quan chức năng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, đây là việc rất khó cho Hà Nội. Ông Toàn nói: “Thành phố phải thường xuyên đối mặt với việc phải xử lý, làm thế nào để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp khi quyết định các dự án trong vùng nghiên cứu quy hoạch. Quan điểm của Bộ Xây dựng là phải giải quyết rốt ráo nhưng cần duy trì được trật tự quy hoạch, dựa trên các quy hoạch phân khu. Hiện nay, khoảng 750 dự án còn lộn xộn, cái hình thoi, cái hình chữ nhật, thậm chí có dự án còn chưa có đường vào! Việc cấp phép dự án trước đây có vấn đề, nay phải giải quyết chứ không phải ngồi đó than vãn”.
Trong văn bản đề xuất mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm góp ý cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, liên quan tới số phận của hơn 700 đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trong khu vực quy hoạch, Hà Nội cho biết, ngoài 244 đồ án, dự án đã được Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc cho tiếp tục triển khai có điều kiện, còn nhiều dự án nằm trong vùng dự kiến là hành lang xanh, vành đai xanh của Thủ đô mới. Tỏ ra rất thận trọng với các dự án này, Hà Nội cho rằng, việc dừng hoặc thay đổi mục tiêu đầu tư đối với các dự án này sẽ gây ra những thiệt hại lớn về của cải vật chất và môi trường đầu tư. Do vậy, bản quy hoạch chung phải đề xuất được các giải pháp tài chính cụ thể để giải quyết những tồn tại này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nêu rõ: “Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải chỉ rõ được những giải pháp ứng xử (cho phép tồn tại, chuyển đổi chức năng hay không được phép đầu tư) đối với từng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để phát triển đô thị, du lịch...”.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân