BĐS nghỉ dưỡng trên đà hồi phục: “Cận thủy” chiếm ưu thế

Cập nhật 06/01/2015 10:00

Sau một thời gian dài trầm lắng cùng với thị trường bất động sản (BĐS) nói chung, gần đây các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Sau một thời gian dài trầm lắng cùng với thị trường bất động sản (BĐS) nói chung, gần đây các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục.

Sự hồi phục dù mới bắt đầu này được các chuyên gia BĐS ví như "nàng công chúa" của thị trường đã "tỉnh giấc", với hàng loạt "siêu dự án" được khởi động.

“Nàng công chúa" đang tỉnh giấc

Trong số các dự án được khởi động, đáng chú ý là Khu đô thị sinh thái có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD, rộng 516ha tại đảo Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) của Tập đoàn Xi măng Hạnh Phúc (Đài Loan). Trong khi đó, Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Mỹ Rockefeller hợp tác với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để thực hiện Khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng tại Vũng Rô (Phú Yên), với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; Dự án Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers với tổng vốn đầu tư 1.890 tỷ đồng...

Nhiều hạng mục đang được triển khai tại Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Champa Island - Cham Oasis.

Các nhà đầu tư trong nước cũng không chịu cảnh quá lép vế, có thể kể đến dự án Khu đô thị cao cấp trên biển Diamond Bay thuộc quần thể khu nghỉ dưỡng - giải trí Diamond Bay City (Nha Trang, Khánh Hòa) của Tập đoàn Hoàn Cầu (Khánh Hòa). Tập đoàn FLC với Dự án Bãi Vòng nằm gần Sân bay Phú Quốc, với tổng vốn đầu tư 28.000 tỷ đồng; Vingroup khởi công Dự án Vinpearl Phú Quốc quy mô 304ha, bao gồm khu khách sạn và biệt thự cao cấp, khu sân golf, với tổng mức đầu tư 17.000 tỷ đồng...

Mới đây nhất, Công ty CP Du lịch Hải Đảo (thành viên của Công ty CP Đầu tư Thủ Thiêm) với dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Champa Island - Cham Oasis tại trung tâm TP Nha Trang. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích gần 62.000m2 ngay dưới chân Tháp Bà Ponagar, gồm 48 căn biệt thự ven sông, 201 căn hộ Condotel, một khu khách sạn tiêu chuẩn 4 sao... với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD.

Theo đánh giá của GS. TSKH Đặng Hùng Võ, lý do BĐS nghỉ dưỡng đang sôi động trở lại bởi vì xét về cả môi trường lẫn lợi ích đầu tư, Việt Nam vẫn đang là điểm nóng đầu tư hấp dẫn. Việt Nam là đất nước có lợi thế lớn về du lịch, vì vậy BĐS nghỉ dưỡng hoàn toàn có tiềm năng để đầu tư đối với cả nhà đầu tư ngoại hay nội. Xét về mặt tâm lý, hầu hết những nhà đầu tư đều dành sự ưu ái nhất định đối với những dự án ven biển thay vì các khu nghỉ dưỡng ở trên núi hay ven đô.

Tăng tốc nhờ “đòn bẩy chính sách”

Ông Askhay Kulkarni - Giám đốc Dịch vụ tư vấn BĐS khách sạn - nghỉ dưỡng Cushman & Wakefield khu vực Nam và Đông Nam Á đánh giá, cũng giống như các thị trường khác, BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam cũng phát triển hơn theo thời gian. "Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khách sạn. Tuy nhiên, điều phần lớn các nhà đầu tư băn khoăn chính là khả năng hòa vốn, thu lợi của dự án, giá đất. Khi xem xét đầu tư, nhà đầu tư bao giờ cũng chú ý đến hai tiêu chí: mức độ rủi ro của dự án đầu tư và môi trường kinh doanh..." - ông Askhay Kulkarni nhận định.

Tuy nhiên, những nhận định của ông Askhay Kulkarni được đưa ra vào thời điểm Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS chưa được thông qua. Ở thời điểm đó, những điểm then chốt xung quanh việc đầu tư, mua bán, sở hữu và kinh doanh BĐS... đặc biệt là với Việt kiều và người nước ngoài chưa được "cởi trói". Chính vì vậy, vào cuối tháng 11/2014 vừa qua, khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS được thông qua và chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2015 tới đây được coi như "đòn bẩy chính sách" tạo điều kiện thuận lợi cho BĐS nghỉ dưỡng. Trong đó, yếu tố tích cực đầu tiên phải kể đến là chính sách mở cửa cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam.
"Người nước ngoài nói chung, đặc biệt là người châu Âu, họ luôn thích sống trong một môi trường sinh thái, an toàn, ở gần biển lại càng tuyệt vời đối với họ. Chính vì vậy, khi pháp luật Việt Nam "mở cửa" cho người nước ngoài được sở hữu nhà, tôi tin rằng BĐS nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ..." - ông Lê Thống Nhất - Chủ tịch HĐQT BĐS Danh Khôi chia sẻ.

Theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, cùng với các đổi mới của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS đã tạo nên tính công bằng giữa các loại hình tổ chức kinh tế trong hoạt động kinh doanh BĐS. Trong đó, khu vực có tiềm năng nhất trong việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng chính là những địa phương có biển, gần biển như Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Long Hải, Vũng Tàu...

Có cơ hội phát triển trở lại

GS.TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá, từ ngày 1/7/2015, người nước ngoài và Việt kiều được quyền sở hữu, đầu tư, kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Đây là một tín hiệu tốt để BĐS nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển trở lại. Tuy nhiên, chưa thể nói gì nhiều về thị trường tại thời điểm này và cũng đừng quá lạc quan về việc sẽ có một làn sóng người nước ngoài ồ ạt đổ tiền vào BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới, cụ thể là năm 2015.

Thị trường BĐS Việt Nam hiện tại như một người vừa mới qua cơn bạo bệnh, cho nên, rất khó để các nhà đầu tư có thể đổ tiền ngay vào phân khúc này. Hơn nữa, đây là phân khúc BĐS phụ thuộc khá nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế của Việt Nam và toàn cầu. Vì vậy, chúng ta hãy nói về BĐS nghỉ dưỡng khi nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu có sự tăng trưởng ổn định.

Cũng đừng quá hy vọng quá nhiều vào các nhà đầu tư nước ngoài, họ chưa tin ngay đâu, nhất là trong bối cảnh chúng ta còn chưa có một hệ thống pháp luật ổn định, các quy định liên quan đến BĐS còn rất nhiêu khê, phức tạp. Tất nhiên, tôi không phủ nhận một thực tế rằng, với một đất nước có lợi thế du lịch lớn như Việt Nam thì BĐS nghỉ dưỡng hoàn toàn có tiềm năng để đầu tư đối với cả nhà đầu tư ngoại hay nội.


DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT