BĐS du lịch Đà Nẵng: Tiềm năng nhưng còn nhiều lo ngại

Cập nhật 29/07/2009 17:30

Bãi biển Đà Nẵng thời gian gần đây đã thu hút các dự án vài trăm triệu USD song một số dự án vẫn "nằm chờ" do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Bãi biển Đà Nẵng thời gian gần đây đã thu hút các dự án vài trăm triệu USD song một số dự án vẫn "nằm chờ" do nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Dọc bờ biển Đà Nẵng có tới gần 20 dự án resort đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc đang xây dựng, trong đó chỉ có Olalani, Hoàng Trà Hotel và Sunrise Resort là đang hoàn thiện, Furama đã hoạt động được 7 năm và đang mở rộng xây dựng thêm, một số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chưa triển khai.

Một số dự án điển hình như Sơn Trà Resort & Spa do Công ty CP Sơn Trà đầu tư với vốn đầu tư 41 triệu USD trên diện tích 14,1ha đất và 20,8ha mặt biển (gồm 140 phòng khách sạn và 198 căn biệt thự đang xây dựng), Raffeles Resort do Kingdom Hotel Investments (Ả Rập) đầu tư 65 triệu USD, 15ha với 140 phòng khách sạn, 136 căn hộ, 8 biệt thự đang xây dựng.

VinaCapital Resort do VinaCapital đầu tư với tổng vốn 120 triệu USD, diện tích 260 ha với 500 phòng khách sạn 4 sao, 400 biệt thự, sân golf 36 lỗ, căn hộ…, đang xây dựng hạ tầng.

Asian Pearl Resort do Công ty CP Asia Pearl đầu tư 80 triệu USD, diện tích 17 ha với 180 phòng khách sạn, chưa xây dựng.

Chẳng hạn như Olalani với số vốn đầu tư 45 triệu USD, đang hoàn thiện để đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 4/2010, với 170 phòng khách sạn, 3 villa, và 88 căn hộ. Giá bán vila tại đây lên đến 2,8 triệu USD/căn, căn hộ có giá khoảng 2.700 USD/m2.

 

Olalani đang hoàn thiện.



Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh Olalani Riverside Towers cho biết, hình thức phát triển loại hình các căn biệt thự hay căn hộ ở khu nghỉ dưỡng vừa dùng để nghỉ ngơi vừa phục vụ kinh doanh đã phát triển từ lâu trên thế giới, tuy nhiên hình thức này chưa phổ biến ở Việt Nam. Loại hình nhà ở này đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ngoài ra, khi đầu tư vào loại hình nhà ở này, chủ sở hữu ngoài thời gian nghỉ dưỡng có thể giao lại căn nhà đó cho đơn vị quản lý dự án và cho khách du lịch thuê hàng năm, với công suất thuê phòng đạt trên 40% ở các khu nghỉ dưỡng thì hiệu quả kinh tế những ngôi nhà này đem lại cho chủ sở hữu khoảng 10% giá trị căn hộ mỗi năm.

Bên cạnh đó, do loại nhà ở này chủ nhà còn được sở hữu vĩnh viễn, vì thế sẽ có Giấy chứng nhận sở hữu đất (sổ đỏ) và họ có thể dùng sổ này để vay tiền ngân hàng phục vụ cho hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư khác.

Nắm bắt được xu hướng này, nhiều chủ đầu tư đã và đang chuẩn bị cho ra những sản phẩm nhà nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cũng có không ít dự án đã được cấp phép đầu tư vào năm trước nhưng do khủng khoảng kinh tế, các chủ đầu tư gặp phải vấn đề tài chính đã phải tạm dừng dự án chưa thể thực hiện.

Cuối tháng 6/2009, Indochina Land cho ra mắt 28 căn hộ thuộc tòa tháp C dự án Hyatt Regency Danang Resort & Spa, dự án này nằm dọc bãi biển Non Nước thuộc quận Ngũ Hành Sơn cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 7km, Hội An khoảng 30km. Mỗi căn hộ có diện tích từ 95m2 đến 240m2, giá bán vào khoảng 324.000 đến 895.000 USD/căn.

 

Nhiều dự án đang mọc lên dọc bãi biển Đà Nẵng.


Giữa tháng 7/2009, cũng nằm trên dải bờ biển Non Nước thuộc Ngũ Hành Sơn, VinaCapital công bố cho ra mắt sản phẩm biệt thự The Ocean Villas thuộc Khu phức hợp Danang Beach Resort gồm khách sạn 5 sao JW Marriott, 2 sân golf 18 lỗ và 400 căn biệt thự The Ocean Villas.

Được biệt, giá của mỗi căn biệt thự tại đây thấp nhất là 300.000 USD/căn, có những căn lên đến hàng triệu USD. Đại diện bán hàng độc quyền biệt thự The Ocean Villas là Savills.

Đầu tháng 7, Sovico Holdings đã quyết định đầu tư 54 triệu USD để triển khai xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp Ariyana Villas & Spa 27ha tại bãi biển Bắc Mỹ An, TP Đà Nẵng. Giai đoạn 1, Sovico Holdings sẽ thực hiện xây dựng 134 căn biệt thự. Biệt thự Ariyana sẽ do Furama Resort Danang quản lý và khai thác.

Tuy nhiên, không ít dự án tại đây vẫn chỉ là những bãi cát không, chưa có tín hiệu nào cho thấy việc đầu tư xây dựng được thực hiện. Bên cạnh đó, khủng khoảng kinh tế trong năm vừa qua cũng đã tác động đến nhu cầu du lịch của khách quốc tế đến Đà Nẵng. Nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính.

Theo bà Huỳnh Thị Ánh Hoa, Giám đốc Olalani Resort and Condotel, dự án resort dọc bãi biển Đà Nẵng thì có rất nhiều, lên đến vài chục dự án nhưng chỉ có số ít dự án đã hoạt động và đang xây dựng, hoàn thiện như Furama, Olalani, Hyatt hay Ocean Villas..., nhưng cũng có không ít dự án đang phải "nằm chờ" do chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn về tài chính bởi hầu hết những dự án tại đây đều do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.


Nhiều khu đất cũng đang bỏ không như thế này.



Trong 6 tháng đầu năm 2009, khách du lịch đến Đà Nẵng chỉ đạt hơn 600 nghìn lượt, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 39,4% kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế chỉ đạt 150 nghìn lượt, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Những khu resort tại Đà Nẵng chủ yếu là khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, với mức giảm này thì đây là một tín hiệu đáng lo cho thị trường nghỉ dưỡng.

Trong mùa mưa tại Đà Nẵng, thời tiết là yếu tố không ủng hộ cho thị trường du lịch tại đây, bởi mưa rất to và kéo dài trong thời gian dài. Chính vì thế, nó sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh nhà nghỉ dưỡng của các chủ đầu tư. Đây cũng là một trong những điều trăn trở mà các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại đây.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiềm năng phát triển thị trường nghỉ dưỡng cao cấp tại bãi biển Non Nước (Đà Nẵng), bởi đây là một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới đã được tạp chí Forbes bình chọn.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang phát triển hạ tầng tốt kết nối TP với khu vực quận Ngũ Hành Sơn như cầu Thuận Phước, cầu sông Hàn, khởi công xây cầu Rồng 1.500 tỷ, chuẩn bị xây cầu Trần Thị Lý – Nguyễn Văn Trỗi, với các thành phố lớn trên toàn quốc và quốc tế với hệ thông cầu đường, sân bay, cảng biển…Cùng với sự khởi động nhiều khu nghỉ dưỡng với số vốn đầu tư lên hàng tỷ USD, nơi đây vẫn được xem điểm đến của các nhà đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.

 

 

DiaOcOnline.vn - Theo CafeF