Cuộc thảo luận về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của các tổ đại biểu ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã phát lộ nhiều vấn đề bất hợp lý.
Cuộc thảo luận về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của các tổ đại biểu ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã phát lộ nhiều vấn đề bất hợp lý.
Theo kế hoạch nói trên, Chính phủ dự định dành khoảng 200.000 héc ta đất làm công nghiệp, trong khi ngành này đã có hơn 72.000 héc ta và tỷ lệ đã sử dụng vẫn còn rất thấp. Với diện tích dự kiến như vậy, phải tới 50 năm nữa mới có thể lấp đầy với khoản tiền đầu tư rất lớn. Điều này có nghĩa là số diện tích đất đó sẽ phải bỏ hoang trong thời gian rất lâu. Cùng với sự lãng phí đó, đời sống người dân bị mất đất sẽ ra sao? Thực tế đã cho thấy cuộc sống nhiều người dân sau khi bị mất đất rất bấp bênh nhưng địa phương và nhà đầu tư chẳng phải chịu trách nhiệm gì!
Một vấn đề khác là hiện nay quyền hành của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thu hồi đất quá lớn. Quyền này đã bị một số địa phương lợi dụng, chuyển đất nông nghiệp màu mỡ thành đất công nghiệp trong khi còn nhiều loại đất khác vẫn có thể làm được. Đành rằng các nhà đầu tư luôn muốn chọn những vị trí thuận lợi để thu lợi nhuận cao nhưng nếu chính quyền kiên quyết hơn thì tình hình cũng không đến nỗi đáng báo động.
Một bất hợp lý nữa là lâu nay nhiều địa phương luôn coi phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu và tìm cách “công nghiệp hóa bằng mọi giá” dẫn đến nguồn lực đất đai bị sử dụng một cách lãng phí. Trong khi đó, những lĩnh vực quan trọng khác lại bị xem là thứ yếu khi lên kế hoạch sử dụng đất. Việc nhiều khu đô thị mới mọc lên nhưng các cơ sở giáo dục, y tế và giao thông… đều thiếu thốn đã cho thấy điều đó.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG