Bất động sản Việt Nam, cơ hội vươn khơi

Cập nhật 04/08/2015 08:40

Thị trường bất động sản Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các nhà đầu tư đến từ Singapore và Nhật Bản. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam và cơ hội vươn ra thế giới” được tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các nhà đầu tư đến từ Singapore và Nhật Bản. Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại hội thảo “Bất động sản Việt Nam và cơ hội vươn ra thế giới” được tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh: Lê Toàn

Cơ hội lớn hút dòng vốn từ Singapore

Theo ông Winston Lee, Giám đốc phát triển sản phẩm Property Gugu, trong một nghiên cứu mới đây nhất, khảo sát các nhà đầu tư Singapore về sự hấp dẫn khi đầu tư vào thị trường bất động sản các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Việt Nam đứng thứ 3 sau Malaysia và Úc.

Sự hấp dẫn của bất động sản Việt Nam do nhiều yếu tố, như nền kinh tế đang phục hồi khá mạnh, chính sách mở rộng cho người nước ngoài được sở và kinh doanh bất động sản, tình hình chính trị ổn định... Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là phải làm thế nào để các nhà đầu tư Singapore nhìn thấy được các cơ hội này và quyết định đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ngoài các yếu tố trên, một lý do khác giúp bất động sản Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore, theo ôngLewis Ng, Giám đốc điều hành Property Gugu, hiện thị trường bất động sản Singapore không còn nhiều cơ hội kiếm lời, trong khi người dân Singapore rất ưa thích đầu tư bất động sản, đồng thời đây là đất nước có đến 40% dân số là những triệu phú đôla.

“Bất động sản Singapore từng một thời là lĩnh vực để các nhà đầu tư kiếm nhiều lợi nhuận, nhưng đều này đã lùi xa trong quá khứ”, ông Lewis Ng nói và cho rằng, do giá bất động sản ở Singapore tăng cao, nên Chính phủ nước này đã ra các biện pháp nhằm siết lại, trong đó đặc biệt là chính sách đánh thuế cao, khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với bất động sản Singapore, mà quyết định chuyển dòng vốn đầu tư sang các nước khác, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường đang được chú ý nhiều nhất.

Còn theo ông Anson Tay, Giám đốc mảng thị trường quốc tế Property Guru, Việt Nam có những yếu tố giống Singapore trước đây là sự gia tăng dân số, cơ cấu dân số lại trẻ. Khi thế hệ trẻ trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, họ cần mua nhà, dẫn đến sự tăng trưởng về nhu cầu đối với bất động sản. Đặc điểm này khác với một số nước phát triển như Nhật Bản, khi dân số đang trên đà suy giảm và tỷ lệ người già cao.

“Nếu hôm nay tôi mua một ngôi nhà tại Nhật Bản, tôi đoán rằng giá trị của nó sẽ suy giảm trong vòng vài năm tới, vì dân số tại đây đã già đi, nhu cầu về nhà ở cũng giảm theo. Theo tôi, đặc điểm tương đồng của các nước ASEAN là đang trải qua một kỷ nguyên vàng về dân số. Các nước ASEAN cũng có sự hợp tác sâu rộng và đang hướng đến một cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm nay”, ông Anson Tay nói và khẳng định, nếu bây giờ hỏi bất kỳ một người Singapore nào về việc họ có định đầu tư bất động sản ở Singapore hay không, phần lớn sẽ trả lời là không. Còn nếu câu hỏi có nên mua bất động sản ở Việt Nam không, họ sẽ nói: Việt Nam có cơ hội đấy, hãy xem xét thêm.

Vẫn theo ông Anson Tay, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, thì bất động sản Việt Nam còn có một số hạn chế khiến nhà đầu tư còn ngần ngại khi quyết định rót vốn là quyền sở hữu.

“Tôi được biết ở Việt Nam, người dân mua bất động sản sẽ được sở hữu vĩnh viễn, nhưng với người nước ngoài chỉ là 50 năm và được gia hạn một lần, thêm 20 năm nữa. Điều này khác với Singapore. Ở Singapore, người dân địa phương và người nước ngoài đều được sở hữu vĩnh viễn. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ có chính sách tương tự, hoặc có thể kéo dài thời hạn sở hữu cho người nước ngoài lên 99 năm. Nếu được như vậy, người Singapore chắc chắn sẽ dễ dàng đầu tư vào Việt Nam”, ông Anson Tay nói.

Vốn Nhật đang ồ ạt vào địa ốc Việt

Nếu như các nhà đầu tư Singapore ít nhiều còn ngần ngại đầu tư vào địa ốc Việt Nam, thì các nhà đầu tư Nhật Bản đã ồ ạt rót vốn vào lĩnh vực này thời gian qua. Cụ thể, tuần trước, Quỹ Creed Group (Nhật Bản) đã ký hợp đồng đầu tư 200 triệu USD vào Công ty Bất động sản An Gia (An Gia Investment) để mua 20% cổ phần công ty này và đầu tư vào các dự án bất động sản theo tỷ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay lãi suất 5%/năm để An Gia mua dự án mới.

Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc An Gia Investment cho biết, kế hoạch ban đầu Creed chỉ đầu tư 100 triệu USD, tuy nhiên trong quá trình đàm phán, Creed nhận thấy có nhiều cơ hội, nên đã quyết định tăng số vốn hợp tác lên gấp đôi. Với cái bắt tay này, kế hoạch của An Gia là mỗi năm sẽ xây dựng và đưa ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ trung cao cấp và đến năm 2020, dự kiến đưa ra thị trường khoảng 10.000 căn hộ cao cấp tại trung tâm TP. HCM.

Trước đó, quỹ đầu tư này cũng đã rót vốn vào Công ty Năm Bảy Bảy để phát triển 3 dự án nhà ở thuộc phân khúc bình dân, thị phần được đánh giá là đầy tiềm năng và còn nhiều cơ hội phát triển trong dài hạn.

Tương tự, mới đây, Công ty Toshin Development (thành viên của Tập đoàn Takashimaya, Nhật Bản) đã đề xuất với TP. HCM để đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại khu vực chợ Bến Thành. Theo đề xuất này, toàn bộ trung tâm thương mại ngầm được chia thành khu vực công cộng và thương mại. Theo tính toán ban đầu, tổng vốn đầu tư của dự án ước tính là 6.374 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng từ năm 2023. Trước đó, Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã bắt tay với Becamex IDC đầu tư vào đại dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương với số vốn lên đến 1,2 tỷ USD…

Theo ông Toshihiko Muneyoshi, Chủ tịch Quỹ đầu tư Creed Groupt, việc quỹ này quyết định đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam vì nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục tốt và ngày càng hội nhập với kinh tế thế giới.

“Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) và sắp tới là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam có dân số đông, cơ cấu dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi quỹ nhà ở còn khiêm tốn, nên còn rất nhiều dư địa phát triển cho lĩnh vực bất động sản”, ông Toshihiko Muneyoshi nói và cho biết thêm, nhiều chính sách về đầu tư, bất động sản thông thoáng có hiệu lực, tạo ra sự minh bạch hơn cho thị trường. Cùng với đó, tín dụng được khơi thông, lãi suất giảm, đang tạo cơ hội rất tốt cho người dân mua nhà và doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản