Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch chung Hà Nội chính thức thông qua sẽ khiến nguồn cung thị trường bất động sản dồi dào hơn, góp phần giảm giá bất động sản tại Hà Nội. Tuy nhiên, điều này lại khó xảy ra…
Đặc điểm lớn và khác biệt nhất của thị trường BĐS Việt Nam so với thế giới là nguồn cung bất động sản đang thuộc sự quản lý nhà nước. Nó tùy thuộc nhiều vào quy hoạch, thậm chí tùy thuộc khả năng chạy dự án của các nhà đầu tư khiến nguồn cung đã thiếu lại còn bị chèn ép. Vì vậy, giá đất ở Việt Nam ngày càng tăng cao hơn.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, giá đất tăng cao đơn giản vì nguồn cung chứ không phải vì dân Việt Nam nhiều tiền, hay vì đầu cơ… Ở Hà Nội, việc cấp phép một dự án cực kỳ phức tạp, kéo dài cho nên giá nhà ở Hà Nội cao, nhu cầu nhà ở trở nên căng thẳng. Sốt đất, sốt nhà ở Hà Nội vì thế diễn ra thường xuyên và liên tục.
Chính vì vậy, khi quy hoạch chung được phê duyệt, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là “cú huých” cho thị trường bất động sản khi nhiều dự án mới sẽ được ra đời. Đặc biệt, hàng trăm dự án lâu nay đang được tạm dừng để chờ quy hoạch thì hiện nay sẽ được phép tiếp tục triển khai… Điều này sẽ giải tỏa được vấn đề khan hiếm nguồn cung. Nhất là khi cung cầu bớt chênh lệch, giá nhà, đất có cơ hội trở về với giá trị thực.
Theo đồ án quy hoạch chung Hà Nội được phê duyệt, sẽ có khoảng hơn 700 dự án triển khai trong đó có gần 300 dự án khu đô thị mới nằm dải rác ở vành đai 3, vành đai 3,5 và vành đai 4… Quy mô dự án bất động sản rất lớn từ 500 ha đến 1.000 ha. Tuy nhiên, có một nghịch lý dự án nhiều, diện tích lớn nhưng bất động sản sẽ vẫn phải đối mặt với việc thiếu nguồn cung.
Bởi thực tế, tại Hà Nội đang có hàng trăm các dự án “hoang” tồn tại nhiều năm nằm dọc các tuyến vành đai lớn. Trong đó, có cả dự án đầy đủ thủ tục, không vướng quy hoạch nhưng do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính nên không triển khai.
Đơn cử như tại huyện Mê Linh, với hơn 40 dự án đô thị mới được cấp phép 5-6 năm nhưng đến thời điểm này chưa có một dự án nào hoàn chỉnh tối thiểu về mặt hạ tầng. Đấy là chưa kể đến hàng loạt dự án đang chờ quy hoạch phân khu.
Một chuyên gia phân tích chia sẻ, nhìn tổng số lượng vốn đăng ký đầu tư thì 10-20 năm nữa Việt Nam cũng không thể đủ tiền để triển khai dự án. Phải mất 10 năm, mới có được một khu đô thị như Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị mới Ciputra, hay như khu đô thị Mỹ Đình, Linh Đàm…
Đây đều là dự án gần các quận trung tâm nên tỷ lệ lấp đầy tương đối nhanh. Vậy với những dự án nằm ngoài vành đai 3,5, vành đai 4 không biết bao giờ mới triển khai? Chắc chắn, ngay cả khi dự án xây dựng xong cũng khó hút được người dân về ở bởi hạ tầng cơ sở không hoàn chỉnh.
Còn đại diện một doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, nguồn cung trên thị trường bất động sản không quá mức dồi dào như người ta phán đoán và khó có sự chào bán ồ ạt được. Bởi để thực hiện dự án bất động sản rất lâu dài và gối đầu liên tiếp, không thể có chuyện các doanh nghiệp đồng loạt xây dựng các dự án.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá, bất động sản không như hàng hóa khác, khi thấy thiếu thì nhanh chóng đẩy nguồn cung lên. Thời gian lập dự án bất động sản phải mất 2-3 năm, thậm chí lâu hơn mới có sản phẩm bán.
Nhà nước hiện can thiệp rất sâu bằng các thủ tục hành chính, nắm quyền về quy hoạch, quản lý đất đai. Trong khi đó thủ tục hành chính còn rất phiền hà. Điều này cũng là một trong những rào cản đang kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia