Bất động sản: Tội đồ gây vỡ tín dụng đen

Cập nhật 08/11/2011 10:10

Hà Nội đang bị “lốc” vỡ tín dụng đen tàn phá. Mỗi vụ vỡ tín dụng đen được công khai, người ta lại thêm một lần tặc lưỡi theo kiểu biết rõ là vì sao. Đằng sau những vụ vỡ tín dụng 300-500 tỷ là các đại gia chuyên về bất động sản...

Hà Nội đang bị “lốc” vỡ tín dụng đen tàn phá. Mỗi vụ vỡ tín dụng đen được công khai, người ta lại thêm một lần tặc lưỡi theo kiểu biết rõ là vì sao. Đằng sau những vụ vỡ tín dụng 300-500 tỷ là các đại gia chuyên về bất động sản. Tội đồ của vỡ tín dụng đen là vì đất, vì một loại hình sản phẩm đặc thù chỉ có thể nhìn, ngắm.

Từ tháng 5/2011 đến nay, thị trường bất động sản Hà Nội tự nhiên rơi vào khoảng lặng. Thị trường bất động sản “chết” khiến nhiều người ngạc nhiên, đến ngơ ngác mà không hiểu lý do vì sao đang yên đang lành thị trường lại quay ra đứng im.

Tính đến thời điểm này, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã rơi vào chu kỳ trồi sụt lần thứ 4. Đầu tiên phải kể đến là làn sóng bất động sản tự nhiên xuất hiện những năm 1992-1995; cơn sốt bất động sản năm 2000; sóng bất động sản năm 2005 và lần cao trào về đất từ năm 2010 đến nay. Sau mỗi lần nổi sóng, thị trường lại cuốn nhiều “thiêu thân” hơn lao mình vào đó.

Nếu như trong đợt sóng bất động sản đầu tiên ở Hà Nội những năm 90 của thế kỷ trước chỉ có một số ít người có tiền đi mua nhà để ở và tích lũy thì đến đợt sóng bất động sản thời gian gần đây đã cuốn cả xã hội vào vòng xoáy mua-bán. Chưa bao giờ phong trào buôn đất lại lên cao như thời gian gần đây. Nhà nhà buôn đất, người người buôn đất.

Mọi người say đất cũng bởi lý do, siêu lợi nhuận mà bất động sản đem đến không gì có thể thay thế được. Đầu năm 2010, có những dự án bất động sản được giới đầu cơ săn lùng đến nỗi giá tăng từng ngày. Thời điểm đó, dự án đường 32 lên ngôi thống soái, giá đất dọc tuyến Nhổn, Hoài Đức, Đan Phượng có thời điểm lên đến 120-150 triệu đồng/m2. Đất Hà Đông vốn ít người để ý cũng lên giá ầm ầm. Đất dọc Đại lộ Thăng Long cũng góp phần làm cho những người không có tiền “cuống” lên, không mua tranh thủ, đất còn lên nữa thì mua kiểu gì?

Chính kiểu tâm lý kiểu gì cũng phải dính vào đất một tý cho… sang này mới khiến cho các trùm tín dụng đen xuất hiện. Đại gia thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) khởi đầu cho vỡ tín dụng đen xuất hiện ở Hà Nội. Là một doanh nghiệp tư nhân chuyên bán xe ô tô và kinh doanh vàng, nhưng Tạ Việt Quang (SN 1975) và vợ Bùi Thị Quyên (SN 1976) lại được mọi người nể nang vì kinh doanh bất động sản thắng lợi. Siêu lừa Nguyễn Thị Tâm ở Bắc Ninh cũng tương tự. Khi vụ vỡ nợ được phanh phui, khi Tâm bị cơ quan điều tra công an Bắc Ninh bắt tạm giam và khởi tố về tội lừa đảo, nhiều người mới giật mình vì phát hiện có sự nhúng tay của Tâm làm khuynh đảo thị trường bất động sản ở cả Hà Nội và Bắc Ninh...

Nhưng, cũng chính bởi sự tiếp tay của các trùm tín dụng đen này đã khiến cho thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại trở thành thị trường của toàn người mua với nhau. Khi thị trường đang ở lúc cao trào, khi lợi nhuận kếch xù khiến cho những người như Quang, Quyên, Tâm bị chóng mặt mà huy động tối đa tiền của người thân, bạn bè, láng giềng để đổ vào đất. Mỗi lô đất xuống tiền và bán ngay cũng đã lãi tiền trăm khiến cho số lãi phải trả "bé như con muỗi". Và việc tranh thủ gom và bán của những trùm sò này đã khiến giá bất động sản tăng một cách phi mã trong thời gian qua...

Theo Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Tổng Cục Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, vỡ quỹ tín dụng đen (từ chúng ta hay dùng hiện nay) thực chất là những hoạt động cho vay vẫn tồn tại trong nhân dân từ lâu nay. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng sơ bộ ban đầu có 60 vụ cho vay mượn lớn dẫn đến vỡ nợ, chủ yếu là do đầu tư vào các thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán, vàng... Những thị trường này khi bị tụt hạng dẫn đến hậu quả đầu cơ thất bại - đây là nguyên nhân rất quan trọng.

“Ban đầu các hoạt động đó chỉ là các quan hệ dân sự nhưng khi vỡ nợ rồi một số hành vi có thể chuyển thành hình sự nếu người ta vẫn tiếp tục đi vay để trả nợ cho những khoản khác. Đó là lúc họ ý thức được mình không còn khả năng trả nợ. Nếu làm rõ được cái ý thức chủ quan ấy chúng ta có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng trách nhiệm. Tuy nhiên, để xử lý vi phạm trên là khó”, ông Tuyến nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia