Trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội có một nội dung rất được quan tâm đó là việc nới điều kiện cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.
Hướng đến nguồn vốn ngoại có thể xem là hợp lý trong hoàn cảnh thị trường bất động sản của nước ta đang khó khăn hiện nay, nhưng việc cho phép người nước ngoài kinh doanh bất động sản không giới hạn đang gây băn khoăn và đã thật sự hợp lý. Theo điều 155 và 157 Dự thảo Luật Nhà ở, các cá nhân, tổ chức nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng tại các dự án. Liên quan đến vấn đề này, không ít các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại vì chỉ cần nhìn dọc ven biển của nước ta hiện nay thấy hầu hết các khu resort có vị trí đẹp nhất nhì đã vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Ở ngay các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, những địa điểm được gọi là vàng cũng đã vào tay một số nhà đầu tư nước ngoài. Không ít các ý kiến bày tỏ băn khoăn vì nếu cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào lúc nhà đầu tư nội khó khăn sẽ đẩy các dự án, đất đai ở địa điểm trọng yếu rơi vào tay nước ngoài.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản có thể xem là điều tất yếu và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây cũng có thể xem là cách huy động vốn ngoại để giải quyết hàng tồn bất động sản. Tuy nhiên, với hoàn cảnh hiện tại của thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi nới quá rộng điều kiện kinh doanh bất động sản đối với người nước ngoài vì sẽ liên quan đến quyền sở hữu đất đai, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào? Đấy là chưa kể đến việc thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI bỏ trốn sau khi đã huy động vốn của nhà đầu tư trong nước vào các dự án, đặc biệt là dự án bất động sản đang gây nên những thiệt hại cho nền kinh tế cũng như sự bế tắc cho người dân khi đấu tranh đòi quyền lợi. Như vậy, cơ chế nào để hạn chế những rủi ro khi cho phép người nước ngoài đầu tư không giới hạn vào bất động sản cũng cần phải được tính đến. Đặc biệt, trong trường hợp cá nhân, tổ chức nước ngoài làm ăn thua lỗ, thậm chí kéo theo sự thua lỗ đó là một loạt các hệ lụy từ ngân hàng, từ các nhà đầu tư trong nước khác thì việc quản lý và xử lý như nào là điều rất khó khăn.
Theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện tại, Việt Nam đang có tới hàng trăm ngàn người nước ngoài và hầu hết đều phải thuê nhà của người Việt Nam để ở vì không được mua. Việc nới lỏng cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh, sở hữu bất động sản sẽ đáp ứng được một nguồn cầu rất lớn. Song, với nhiều vấn đề còn hạn chế trong quản lý hiện tại, các chuyên gia nhận định vẫn cần phải có những ràng buộc nhất định để kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Sức khỏe & Đời sống