Chúng ta càng có xu hướng định giá cao hơn với những sản phẩm mà công nghệ không thể can thiệp.
Chúng ta càng có xu hướng định giá cao hơn với những sản phẩm mà công nghệ không thể can thiệp.
|
Theo một nghiên cứu gần đây, 5 gia đình giàu nhất nước Anh có tổng tài sản lớn hơn tổng tài sản của 20% số hộ nghèo nhất nước cộng lại. Những gia đình đại tư bản này có một số mảng kinh doanh mới sinh lời, nhưng chủ yếu sự giàu có của họ là do thừa hưởng tài sản lớn là bất động sản từ ông cha những nhà quý tộc.
Giàu lên nhờ bất động sản không phải trường hợp duy nhất ở London. Theo Thomas Piketty trong sách mới xuất bản - “Tư bản trong Thế kỷ XXI”, trong 40 năm trở lại đây, xã hội đã thịnh vượng lên rất nhiều, thu nhập trung bình tăng cao đặc biệt ở những nền kinh tế phát triển. Ở một số quốc gia, người ta giàu lên nhờ vào buôn bán bất động sản, chênh lệch giá trị không nằm ở tòa nhà, mà nằm ở vị trí đắc địa của chúng.
Luận điểm này có lúc tưởng như đã lỗi thời. Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới ảo bị công nghệ thống trị. Thế nhưng thứ “thực” nhất - đất đai - vẫn liên tục tăng giá. Việc đất đai tăng giá trị thật ra lại không hề mâu thuẫn mà rất hợp lý: công nghệ phát triển càng nhanh, chúng ta càng có xu hướng định giá cao hơn với những sản phẩm mà công nghệ không thể can thiệp, không thể tác động lên giá trị của chúng.
Công nghệ thông tin quả thật đã mang lại nhiều sản phẩm dịch vụ mới có giá trị cao cho nền kinh tế, nhưng theo công bố của các Giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee trong cuốn “Thời đại của Cỗ máy Thứ hai”, trong tương lai sẽ còn nhiều thay đổi, robot và phần mềm sẽ đảm nhiệm một khối lượng đáng kể công việc của con người.
Hệ quả của việc này là một khối lượng của cải khổng lồ được tạo ra với một số lượng lao động rất ít. Chẳng hạn, tổng tài sản của Facebook có thể được định giá lên đến 170 tỉ USD, nhưng lao động của họ chỉ 6.000 người.
Công nghệ phát triển đã giúp tăng năng suất lao động, tăng thu nhập trung bình và những con số này có thể sẽ còn tiếp tục tăng cao. Nhưng việc phân phối giá trị tăng thêm, đặc biệt là tiền thưởng, lại được cho là không đồng đều. Phần lớn lãi được dành cho top 10% hoặc 1% người dẫn đầu.
Mặc dù thu nhập tăng lên, phần lớn thu nhập của nhóm top 10 này không được chi cho hàng hóa hay dịch vụ thông thường. Thay vào đó, họ dành phần lớn tiền kiếm được cho hàng hiệu và bất động sản. Khi nguồn cung đất và nhà hạn chế, đương nhiên giá sẽ bị đẩy lên cao.
Giá bất động sản đã tăng vọt ở các thành phố như New York, Thượng Hải, London. Một lý do là cầu tăng cao, nhưng còn có một lý do khác nữa là các nhà đầu tư đã mua bán kiểu “lướt sóng” khiến thị trường càng thêm sôi sục. Lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản đã tăng đáng kể trong vòng 25 năm qua, ngoài lý do lãi suất ngân hàng giảm (tăng cầu tiền vào thị trường) còn có lý do là xã hội ngày một thêm thịnh vượng.
Thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ không chỉ làm cho giá trị đất đai, bất động sản tăng lên, mà tăng trưởng việc làm trong tương lai cũng được cho là khả quan, vì ít máy móc có thể thay thế được con người trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cục Thống kê Lao động Mỹ ước tính trong số các hình thức công việc phát triển mạnh nhất 10 năm tới, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe (phụ tá điều dưỡng, hộ lý, phục vụ...) và “dinh dưỡng phục vụ lao động” sẽ là những ngành tăng trưởng áp đảo vì nhu cầu tăng cao.
(Tác giả: Adair Turner: Cựu Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tài chính Anh, thành viên Ủy ban Chính sách Tài chính Anh và Thượng viện Anh)
DiaOcOnline.vn - Theo Nhịp càu Đầu tư