Trao đổi với báo chí chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý đầu tư a dua, đồn thổi đẩy giá lên cao.
Trao đổi với báo chí chiều 17/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, thị trường đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý đầu tư a dua, đồn thổi đẩy giá lên cao.
* Thứ trưởng lý giải ra sao về diễn biến thị trường bất động sản những ngày gần đây?
- Cung cầu chênh lệch thì giá sẽ tăng. Nhưng thời gian qua, sốt nhà đất còn do tâm lý a dua, đồn thổi.
Thực tế, Chính phủ không muốn giá nhà đất tăng. Thị trường mới nóng trở lại sau thời gian dài trầm lắng do khủng hoảng kinh tế và tâm lý đợi chờ giá xuống của người dân. Nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất lớn. Bình quân nhà ở của Việt Nam mới đạt 12 m2 một đầu người trong khi các nước khác là 30. Ở Hà Nội và TP HCM mới đạt có 7, 8. Cá biệt có những gia đình ở trong diện tích 5- 7 m2.
* Vậy sắp tới, Bộ Xây dựng có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?
- Giá đất là vấn đề được Chính phủ quan tâm và đang tìm cách tháo gỡ. Chính phủ đã thông qua luật sửa đổi những luật có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian dự án, giảm bớt thời gian đi lại của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chính sách nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đã phần nào đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở. Nhà nước chủ động tham gia vào thị trường như một chủ thể trực tiếp đầu tư với các cơ chế chính sách làm hạ giá thành sản phẩm. Điều này sẽ làm giảm bớt cầu nhà ở dẫn đến bình ổn giá.
* Nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng cơ chế quản lý và chính sách hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn tình trạng đầu cơ, làm giá và tạo hiệu ứng tâm lý đầu tư "bầy đàn"?
- Cái khó của cơ quan quản lý là thu thập thông tin. Bộ Xây dựng đã điều tra về nhà ở. Ví dụ như trong thời gian qua ta đã xây được bao nhiêu m2. Tuy nhiên số liệu về dự án đang hình thành, dự báo giá cả, phân bổ các vùng vẫn còn tản mạn, thiếu chính xác. Hiện bộ đang thí điểm xây dựng chỉ số giá bất động sản để người dân nắm bắt tình hình giá cả thị trường. Tôi cho rằng giải quyết vấn đề phải ở cả hai phía. Rõ ràng cơ quan quản lý có trách nhiệm nhưng người tiêu dùng cũng phải điều chỉnh hành vi của mình.
* Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt tay nhau hoặc liên kết với các ngân hàng vượt qua khủng hoảng. Thứ trưởng đánh giá thế nào về hiệu quả của sự hợp tác này?
- Bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài. Trong khi đó, tiềm lực tài chính các doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh. Con đường tất yếu là liên kết với nhau theo ngành ngang hoặc dọc để hình thành liên doanh tổ hợp triển khai dự án. Sau khi hoàn thành dứt điểm từng dự án, doanh nghiệp sẽ có vốn quay vòng, lấy lợi nhuận từ dự án này triển khai các dự án khác. Tôi cho rằng hướng đi này là tất yếu và rất tốt.
Tất nhiên, cơ chế thị trường bên cạnh ưu điểm sẽ có những tiêu cực. Cá biệt vẫn có những trường hợp làm giá. Thực ra, không chỉ riêng bất động sản mà lĩnh vực nào cũng có đầu cơ và găm hàng.Vấn đề là chúng ta khai thác tối đa mặt tích cực và tìm cách hạn chế những mặt trái.
* Với tư cách là cơ quan đầu ngành, Bộ Xây dựng hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp?
- Trước mắt, ta đều đã có những bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, quy định chuyển đổi dự án liên doanh liên kết. Cũng phải thừa nhận chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xử lý các doanh nghiệp liên kết rồi thổi giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, bộ đã ra các chính sách đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh. Không thể "đóng cửa" để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Thực tế, nhiều doanh nghiệp liên kết thành công và có doanh nghiệp thất bại. Đó là sự đào thải và quy luật tất yếu của cơ chế thị trường. Nó cũng thể hiện tài năng quản trị kinh doanh của mỗi doanh nghiệp.
* Thứ trưởng đánh giá sao về mức độ hấp dẫn của kênh đầu tư bất động sản so với vàng, chứng khoán?
- Đầu tư bất động sản mang lại lợi nhuận cao. Theo quy luật, càng rủi ro nhiều, lợi nhuận càng lớn. Ở một số nước còn có công ty tư vấn đầu tư rủi ro. Đầu tư bất động sản vẫn hấp dẫn. Nhiều tổ chức và cá nhân sẵn sàng chấp nhận rủi ro miễn sao thu được lợi nhuận.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress