Bất động sản sân golf thời khủng hoảng

Cập nhật 05/05/2013 08:19

Bất động sản (BĐS) được coi là một tài sản có giá trị và giá trị sử dụng cao, có sức hút mạnh trong giao dịch thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, giá trị BĐS phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đi kèm và BĐS sân golf cũng vậy. Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, đâu là con đường cho BĐS sân golf?

Bất động sản (BĐS) được coi là một tài sản có giá trị và giá trị sử dụng cao, có sức hút mạnh trong giao dịch thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, giá trị BĐS phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đi kèm và BĐS sân golf cũng vậy. Trong tình trạng khủng hoảng kinh tế hiện nay, đâu là con đường cho BĐS sân golf?

Golf và BĐS – thời vàng son còn đâu

Ngay từ khi xuất hiện các sân golf, golf và BĐS đã luôn được xem là những đối tác song hành.


Vài năm trước, BĐS gắn với sân golf luôn có sức hấp dẫn lớn đối với khách hàng và các nhà đầu tư địa ốc. Có thể thấy thị trường BĐS này chủ yếu dành cho giới thượng lưu và những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính dài hơi.

Nếu cần nêu dẫn chứng thành công của BĐS sân golf tại Việt Nam trong thời gian qua thì đó chính là sự phát triển của hàng loạt các dự án BĐS sân golf rải rác từ Bắc vào Nam.

Kể từ khi sân golf Ngôi Sao Chí Linh được xây dựng đến các sân golf khác như Tam Đảo, Đồng Nai, Long Thành…, đi liền với khu vực dành cho luyện tập và thi đấu là những BĐS và chúng không ngừng tăng giá.

Khi đó, BĐS sân golf tại Phan Thiết được khách hàng rất ưa thích vì những tiện ích cao cấp của thành phố biển và du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu tại Việt Nam, tiêu biểu là quần thể Sea Links City với các hạng mục như biệt thự, khách sạn năm sao, sân golf 18 lỗ… Ngay khi mới đi vào hoạt động (năm 2007), hơn 300 biệt thự nghỉ dưỡng bố trí bên trong sân golf đã được tiêu thụ hết.

Cũng thời ấy, tại Đồng Nai, giá trị BĐS cũng tăng theo những giá trị hiện hữu và tiềm năng của thành phố công nghiệp năng động này, trong đó không thể không nhắc đến vai trò của hai sân golf Đồng Nai và Long Thành.

Việc 1.000 biệt thự cao cấp và nhà liên kế được xây dựng bên cạnh sân golf Long Thành đã có chủ cho thấy vị trí liền kề sân golf là một lợi thế góp phần thu hút đầu tư.

Phải thấy một thực tế hiển nhiên là bản thân sân golf không mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận, mà dòng lợi nhuận chủ yếu chảy từ BĐS gắn liền với sân golf. Dưới con mắt của các nhà quy hoạch, sân golf là phần tử cấu thành cần thiết trong các dự án nghỉ dưỡng, các khu đô thị và khu dân cư.

Vì những lợi ích về môi trường sống cạnh các sân golf ai cũng thấy rõ nên giá trị BĐS trong khu vực này thường rất cao. Có thể nói BĐS kết hợp với sân golf sẽ mang lại cho các nhà đầu tư lợi ích theo cấp số nhân.

Nguồn lợi khổng lồ này đã khiến dư luận không ít lần dấy lên câu hỏi liệu có hay không những dự án sân golf trá hình? Ở tỉnh Khánh Hòa, hồi năm 2010, dư luận đã ồn ào về năm dự án sân golf khi chỉ có hai sân đi vào hoạt động, còn quá trình triển khai ba dự án khác đều chậm chạp.

Ít nhất trong ba năm qua, nhiều nông dân đã phải chấp nhận bỏ đất hoang, một số nông dân được phép canh tác cũng không dám đầu tư cho thửa ruộng, bởi nếu như dự án được triển khai thì ruộng sẽ bị thu hồi ngay.

Một dự án khác sử dụng 180ha đất trồng lúa tại hai xã Long Hưng, Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cũng được phê duyệt cho khu tổ hợp dịch vụ Văn Giang, mà thực chất là dự án sân golf 18 lỗ kết hợp kinh doanh BĐS.

Tình trạng của BĐS sân golf chỉ thực sự chạm đáy trong năm 2012, khi rất nhiều dự án BĐS bị đình trệ vì suy thoái kinh tế toàn cầu. Hàng loạt các dự án BĐS đều bị đóng băng.

Nếu như trước đây các dự án này thường gắn với sân golf và xem đó như một công cụ hiệu quả để có thể xin được nhiều đất bởi số lỗ golf càng lớn thì diện tích đất xin được càng nhiều (chẳng hạn 18 lỗ xin được 100ha, 36 lỗ xin được 200ha…) thì nay, hầu hết các dự án đều rơi vào khó khăn và bế tắc vì thiếu vốn.

Có thể kể ra một loạt dự án sân golf bị chậm tiến độ như dự án Củ Chi, dự án quận 2, dự án Cam Ranh, dự án Hồ Tuyền Lâm… Liệu đó có phải là dấu hiệu báo trước cái kết không có hậu cho BĐS sân golf?

Tương lai nào cho BĐS sân golf?

Mặc dù nền kinh tế đang ở thời kỳ khó khăn nhưng vẫn có những dự án của các tập đoàn mạnh về tài chính khẳng định được vị thế trên thị trường BĐS. Có thể kể đến dự án golf của Tập đoàn FLC.

Hiện tại, ở Hà Nội, ngoài việc sở hữu hai sân tập golf là FLC Golfnet 1 và FLC Golfnet 2, Tập đoàn FLC đang triển khai dự án sân golf – resort, khách sạn năm sao và khu vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cẩm Quỳ.

Đây là dự án có quy mô 248,7ha với tổng mức đầu tư khoảng 3.400 tỉ đồng, bao gồm tổ hợp vui chơi giải trí và sân golf nằm trên vùng đất đồi tự nhiên, các khu resort spa và tắm khoáng tầm cỡ khu vực và thế giới. Kết hợp với các khu nghỉ dưỡng cao cấp là 241 căn biệt thự cao cấp và đặc biệt cao cấp với các dịch vụ hoàn hảo.

Dự kiến đến năm 2015, sau khi hoàn thành xong giai đoạn 2 của dự án, đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho khách chơi golf đi cùng gia đình, bạn bè đến chơi golf và nghỉ dưỡng trong các ngày cuối tuần hoặc các dịp lễ tết…

Một tín hiệu lạc quan khác là hồi cuối tháng 3 vừa qua, sân golf Laguna Lăng Cô – khu nghỉ dưỡng phức hợp đẳng cấp thế giới đầu tiên tại Việt Nam đã được khai trương.

Sân golf Laguna Lăng Cô là một phần trong khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô, gồm hai khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp Banyan Tree Lăng Cô và Angsana Lăng Cô cùng nhiều villa cao cấp, trung tâm hội nghị và các khu vực hoạt động giải trí khác.

Ông Jon Tomlinson – Tổng giám đốc sân golf Montgomerie Links cũng từng khẳng định rằng sở hữu các BĐS trong sân golf mang lại những lợi ích lớn.

Theo kinh nghiệm ở Hoa Kỳ, Singapore, Trung Quốc hay Malaysia, giá BĐS trong sân golf thường cao gấp từ ba đến mười lần giá BĐS trung bình trên thị trường, thậm chí cao hơn nữa nếu sân golf được thiết kế bởi những kiến trúc sư danh tiếng như Colin Montgomerie, Jack Nicklaus, Gary Player và Robert Trent Jones. Tương lai BĐS sân golf Việt Nam cũng sẽ như vậy.

Còn nhớ, việc mở cửa sân golf Montgomerie Links cũng rơi vào đúng thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm năm 2008 khiến việc phát triển câu lạc bộ gặp nhiều thách thức trong những năm sau đó. Tuy nhiên, sân golf vẫn đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 25 đến 50%.

Hiện nay, mặc dù hàng loạt các dự án BĐS bị đóng băng nhưng BĐS tại The Montgomerie Links Villas vẫn khẳng định được giá trị bền vững của mình. Đến nay, hơn 15 căn biệt thự đã được hoàn thiện xây dựng và đã bàn giao cho chủ sở hữu.

Nhờ cảnh quan tuyệt đẹp và vị trí thuận lợi (nằm ngay chính giữa Đà Nẵng và Hội An), Montgomerie Links Việt Nam đã được tạp chí Forbes bình chọn là một trong những sân golf đẹp và được đưa vào danh sách 18 sân golf đẳng cấp ở châu Á.

Thực tiễn cho thấy việc xây dựng nhà ở trong sân golf, ở bờ biển, hay trong đô thị là chuyện “hoàn toàn bình thường”. Phát triển BĐS sân golf không sai về mô hình kinh tế, không sai về đạo đức xã hội và cũng không sai về lý thuyết phát triển BĐS nói chung.

Tuy nhiên, làm thế nào để nó phát triển và đi vào thị trường BĐS một cách hợp thời? Thiết nghĩ đó là một lộ trình dài hơi đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần có những chủ trương chỉ đạo, hướng dẫn và các biện pháp quản lý phù hợp, thống nhất.

• Theo thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, cả nước sẽ có 115 sân golf.

• Thêm 28 sân golf sẽ được bổ sung vào quy hoạch với tổng diện tích đất xây dựng là 3.812ha.

• 115 dự án xây dựng sân golf đều đáp ứng tiêu chí, điều kiện đầu tư, được quy hoạch ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, vốn là các vùng đất cát, đất đồi núi trọc, không sử dụng để trồng lúa.

• Kết quả kiểm tra 90 sân golf cho thấy diện tích đất lúa sử dụng làm sân golf đã giảm từ 28% cách đây ba năm xuống còn 2% và không có dự án nào sử dụng đất lúa hai vụ.

• Trong số 90 sân golf, chỉ có 21 sân thuần túy là sân golf, còn lại đều kết hợp với kinh doanh bất động sản, du lịch.


DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân SG cuối tuần