Bất động sản năm 2013: Dấu ấn 2 tư lệnh ngành

Cập nhật 30/12/2013 09:32

Năm 2013 khép lại với nhiều biến động trên thị trường bất động sản, đặc biệt là chính sách vĩ mô. Có thể nói, 2013 là năm bản lề cho một chu kỳ mới của bất động sản với nhiều thay đổi để thị trường phát triển bền vững hơn, nói như G.S Đặng Hũng Võ là giai đoạn của “một mầm non mới BĐS khỏe mạnh hơn” sau “cơn đau sinh nở” giai đoạn 2011-2013.


Năm 2013 khép lại với nhiều biến động trên thị trường bất động sản, đặc biệt là chính sách vĩ mô. Có thể nói, 2013 là năm bản lề cho một chu kỳ mới của bất động sản với nhiều thay đổi để thị trường phát triển bền vững hơn, nói như G.S Đặng Hũng Võ là giai đoạn của “một mầm non mới BĐS khỏe mạnh hơn” sau “cơn đau sinh nở” giai đoạn 2011-2013.

Những thay đổi đó mang dấu ấn đậm nét của 2 tư lệnh ngành, mà trong năm qua được nhắc tới nhiều nhất. Đã có những kết quả đáng ghi nhận, những thay đổi lớn về tư duy phát triển nhà ở, tư duy mới trong quản lý điều hành thị trường BĐS, tuy nhiên, niềm vui cũng không được trọn vẹn với của 2 tổng tư lệnh này.

Bộ trưởng Dũng: Một năm bận rộn

Năm 2013 được xem là năm của Bộ trưởng Dũng về những chính sách quản lý nhà nước chuyên ngành về nhà ở và thị trường BĐS. Một năm được cho là “thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng -Trịnh Đình Dũng

Trong năm qua, đã có tới 10 văn bản liên quan đến nhà ở và BĐS đã được Bộ Xây dựng ban hành. Hàng loạt giải pháp được đưa ra như rà soát dự án, chuyển đổi dự án, chia nhỏ diện tích căn hộ, nới lỏng cho người nước ngoài mua nhà,…

Một năm đầy tâm huyết, bận rộn của vị bộ trưởng được kỳ vọng nhiều nhất để có thể cải thiện được thực trạng của bất động sản. Chỉ trong 365 ngày Bộ Xây dựng đã phải xây dựng tới 3 Dự thảo Luật để trình Quốc hội, trong đó Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 đã được Quốc hội thông qua, mở ra một “chương” mới cho ngành đất đai, xây dựng và bất động sản.

Chiến lược phát triển nhà ở cũng đã được thông qua, trong năm 2013 Bộ trưởng Dũng cũng như Bộ Xây dựng phải xây dựng rất nhiều chính sách để cụ thể hóa Chiến lược này, đặc biệt là chương trình phát triển nhà ở xã hội, mà không ít lần Bộ trưởng nhắc tới chương trình này với nhiệm vụ “nhà nước phải chung tay lo nhà cho dân”, tư duy mới đó thể hiện trong chiến lược nhà ở được phân định rõ nhà thương mại và nhà xã hội.

Cũng vì thế, chương trình nhà xã hội và gói 30.000 tỷ đồng đã tạo nên dấu ấn của Bộ trưởng Dũng trong năm 2013. Hết năm 2013, đang có 124 dự án nhà xã hội được triển khai, quy mô gần 78.700 căn hộ, Hà Nội có 15 dự án được kiến nghị chuyển sang nhà xã hội, chấp thuận chủ trương 6 dự án; Tp.HCM xem xét 26 dự án, có 10 dự án nhà thương mại chuyển sang nhà xã hội,...

Sau khi Thông tư 07 của Bộ Xây dựng và Thông tư 11 của NHNN được thông qua, từ ngày 1/6/2013 gói 30.000 tỷ bắt đầu giải ngân. Giải pháp này ban đầu rất được thị trường kỳ vọng, người mua nhà hồ hởi đón nhận, ngay cả những người làm chính sách như Bộ trưởng Dũng cũng rất lạc quan.

Vậy nhưng, chương trình được cho là mang “tính nhân văn” lớn lao này lại đang gặp phải không ít khó khăn. Sự thất vọng càng thể hiện rõ khi NHNN công bố đến 15/12 mới giải ngân được chưa đầy 2%, tốc độ giải ngân quá ì ạch. Nguyên nhân được Bộ trưởng Dũng cho là thị trường còn thiếu nguồn cung nhà xã hội nhưng đâu đó có ý kiến cho rằng có phần từ cơ chế đảm bảo khả năng trả nợ khoản vay của ngành ngân hàng mới là nhân tố quyết định.

Thống đốc Bình: Hai đầu chiến tuyến

2013 là một năm bận rộn của Thống đốc Bình với rất nhiều chính sách tiền tệ, cách điều hành được cho là “bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá” điểm nóng về vàng được đưa vào “khuôn khổ”, ổn định tỷ giá, giữ ổn định giá trị VND…đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam -Nguyễn Văn Bình: ảnh SBV

Tuy nhiên, ở lĩnh vực BĐS gói 30.000 tỷ và vấn đề xử lý nợ xấu qua VAMC lại không được như kỳ vọng. Nếu “xuôi chèo mát mái” như tính toán ban đầu, có lẽ mọi chuyện sẽ “dễ thở”’ hơn với Thống đốc Bình khi mức tăng trưởng tín dụng của năm kỳ vọng như chỉ tiêu đề  ra nhưng nay có nguy cơ “phá sản”, hay nhận định của một DN gần đây là “gói 30.000 tỷ đã thất bại trong năm 2013”, mặc dù đầu mối giải pháp không chỉ là NHNN.

Nợ xấu, “cục máu đông” của nền kinh tế cũng rất được kỳ vọng lưu thông khi VAMC ra đời vào đầu năm nay. Khi đó, Thống đốc Bình kỳ vọng sẽ dọn dẹp được khoảng 40.000 -70.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm nay khi báo cáo Quốc Hội hồi giữa năm. Tuy nhiên, đến nay VAMC mới mua được 17.300 tỷ đồng nợ xấu (tính trên giá trị sổ sách) từ 20 tổ chức tín dụng, trong đó có tới 70% là từ bất động sản.

Cho dù chưa được như kỳ vọng nhưng năm 2013 vẫn là một năm thành công không chỉ riêng với Thống đốc Bình mà cả Ngân hàng Nhà nước khi góp phần nhiều nhất vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Nhưng năm 2013 vẫn là năm buồn của Thống đốc Bình khi ông là người có số phiếu “tín nhiệm thấp” cao nhất.

Có thể nói, năm 2013 thị trường BĐS đậm dấu ấn của 2 tư lệnh đứng đầu Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước. Với nhiều nỗ lực, nhiều điều đáng nghi nhận nhưng đâu đó vẫn còn những điều chưa được như kỳ vọng, mà theo 40% trong giới doanh nghiệp đánh giá tác động của chính sách  tháo gỡ khó khăn cho BĐS đạt hiệu quả “rất thấp”, còn lại 60% là ở mức bình thường trở lên.

DiaOcOnline.vn - Theo Tri Thức Trẻ