Bất động sản: Lấp lóe tia hy vọng

Cập nhật 01/03/2009 10:25

Thị trường bất động sản TP HCM năm 2009 được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh ảm đạm của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên...

Thị trường bất động sản TP HCM năm 2009 được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh ảm đạm của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên không phải không có những dấu hiệu đáng lạc quan.

Hiện tượng một số công ty kinh doanh bất động sản lớn tung hàng và bán chạy trong dịp đầu năm 2009 được giới phân tích thị trường cho là những tín hiệu tốt lành về khả năng hồi phục của thị trường bất động sản năm nay.

Tín hiệu vui

Xếp ở vị trí hàng đầu là sự kiện Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH) bán hết 133 căn hộ giai đoạn 1 của dự án Riverside Residence. Khu phố Riverside Residence gồm 671 căn hộ và 51 cửa hàng trong 5 cao ốc A, B, C, D, E cao từ 17- 29 tầng, với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô-la Mỹ. Đó là dự án đầu tiên trong năm 2009 của PMH và cũng là dự án được công bố đầu tiên trong năm nay. Dự kiến, dự án được khởi công vào đầu quý 2/2009, hoàn công giai đoạn 1 vào quý 3/2010. Giá bán trung bình của một căn hộ ở đây không thấp, vào khoảng 35 triệu đồng/m2.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Trương Quốc Hưng, Giám Đốc Phòng Tiếp Thị II của PMH cho biết: “Với sự quan tâm của đông đảo khách hàng dành cho dự án này, chúng tôi hi vọng đây sẽ là khởi đầu tốt cho thị trường bất động sản năm 2009”.

Trước đó, tuy không nổi bật như PMH nhưng Công ty Nam Long cũng đã thành công với việc có hơn 60% căn hộ E-home được khách hàng đặt cọc mua trong đợt mở bán lần thứ hai vào thời điểm cuối năm 2008.

Những doanh nghiệp bán được nhà trong giai đoạn vừa qua do biết giữ chữ tín. Nhận định về những hiện tượng lạ này, giới phân tích thị trường cho rằng đó chỉ là trường hợp cá biệt chứ không phải là hình ảnh chung của thị trường BĐS trong những ngày đầu năm 2009, nhất là trong bối cảnh đang phải đối mặt với khủng hoảng như hiện nay. Theo đó, sở dĩ PMH có thể tạo ra hiện tượng lạ là do họ có những lợi thế mà hầu như không có công ty kinh doanh bất động sản nào có được. Đó là sở hữu một khu đô thị được quy hoạch tổng thể bài bản, nên hàng hóa có tính thanh khoản cao.

Còn đối với Nam Long, thì sự thành công dựa vào việc biết nắm bắt nhu cầu thật của thị trường. “Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định sản phẩm E-home không đơn thuần chỉ là sản phẩm kinh doanh. Chính vì vậy, ngoài việc liên kết với các ngân hàng như Việt Á, Techcombank… chúng tôi đã liên kết với Quỹ phát triển nhà TPHCM để hỗ trợ chúng tôi trong việc cho các cán bộ, công nhân viên hưởng lương từ ngân sách thành phố được vay tối đa 300 triệu đồng/người với mức lãi suất ưu đãi chỉ 0,57%/tháng”, ông Phan Văn Hiếu - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cho biết.

Giá trị của uy tín


Tuy nhiên, theo ý kiến chung của các chuyên gia thì điểm mấu chốt chính là uy tín trong bán hàng. Tại nước ta hiện nay, việc mua nhà trả tiền trước, thanh toán theo tiến độ xây dựng đang dần bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng. Các vi phạm phổ biến như giao nhà chậm tiến độ (gần như 100% chủ đầu tư vi phạm), chất lượng, dịch vụ không đúng như quảng cáo… Nhiều dự án triển khai bán nhà - đất thu tiền trước, nhưng sau nhiều năm vẫn không hề động đậy, thậm chí có những dự án kéo dài quá lâu và không còn tính khả thi. Số tiền khách hàng đã trả gần như không có hướng giải quyết, đơn cử như trường hợp dự án Adonis….

Kết quả là, khách hàng mất lòng tin trầm trọng vào các chủ dự án. Một điều dễ nhận thấy là những doanh nghiệp bán được nhà trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua phần lớn là những doanh nghiệp biết giữ chữ tín đối với khách hàng. “Chúng tôi không chỉ cố gắng giao nhà đúng thời hạn mà thậm chí có dự án chúng tôi bàn giao sớm hơn để giữ hình ảnh thương hiệu với khách hàng”, ông Trương Quốc Hưng cho biết. Chính vì lẽ đó, theo các chuyên gia, trong thời gian tới sự phục hồi của thị trường bất động sản sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều vào việc các doanh nghiệp thực hiện cam kết đối với các nhà đầu tư như thế nào.

Vẫn khó

Sự kiện thành công của PMH hay Nam Long cũng làm lóe lên một tia hy vọng trong giới kinh doanh BĐS cho khả năng bắt đầu hồi phục của thị trường trong năm 2009. Còn các chuyên gia giàu kinh nghiệm thì vẫn thận trọng cho rằng, năm 2009 vẫn tiếp tục là một năm khó khăn của thị trường BĐS.

Theo nhận định của các công ty tư vấn bất động sản, giá căn hộ cao cấp tại thị trường TPHCM đã giảm khoảng 50% nhưng vẫn chỉ là giảm “bong bóng”. Với mức giá rao bán hiện tại từ 18 triệu đồng/m2 cho đến 2.500 đô-la Mỹ/m2, tương đương 1,7 - 4 tỷ đồng/căn hộ thì chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nhỏ của đối tượng có thu nhập cao. Còn phần lớn những người có thu nhập trung bình khá vẫn vượt ngoài khả năng tài chính.

Sự thờ ơ của chủ dự án đối với phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập ổn định cho thấy hiện sản phẩm BĐS vẫn còn đơn điệu và chưa đáp ứng được nhu cầu của dân cư. Trên thực tế, phân khúc nhà ở có giá 500 - 800 triệu đồng/căn hộ vẫn là thị trường hấp dẫn. Dự án E-Home tại quận 9 vừa được tung ra khá thành công với dòng căn hộ giá vừa phải từ 481 triệu đồng/căn hộ là bằng chứng cho thấy phân khúc thị trường này đang có sức tiêu thụ mạnh và được khách hàng hưởng ứng. Trở ngại chính về sự thiếu hụt của dòng sản phẩm giá hợp lý này là không có một chính sách ưu đãi nào để khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia mạnh mẽ vào phân khúc thị trường này. Hiện thuế, chi phí đầu vào… đối với sản phẩm loại này đều ngang bằng với dự án nhà cao cấp trong khi giá bán lại thấp hơn.

Cho dù đã có chính sách cho người nước ngoài mua nhà ở, hay gói kích cầu của Chính phủ nhưng theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này, thị trường BĐS năm 2009 sẽ khó có biến chuyển mạnh. Ông Trương Quốc Hưng, Giám đốc kinh doanh PMH, nhận định, khách nước ngoài vẫn còn đắn đo, nghe ngóng tình hình thị trường chứ chưa quyết định mua nhà tại Việt Nam. Trong khi đó, ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng Giám đốc Công ty Sacomreal, thì cho rằng: “Người nước ngoài chưa mạnh tay mua nhà vì nhiều hạn chế như suy thoái kinh tế, lực hút của bất động sản còn yếu. Thêm vào đó, đối tượng này phải có thu nhập cao, có kế hoạch sinh sống lâu dài tại Việt Nam ít nhất là 2-3 năm. Ngoại trừ chủ các doanh nghiệp có khả năng mua nhà thì chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội không mấy mặn mà bởi họ chỉ làm việc ngắn hạn tại Việt Nam và phần lớn đều được doanh nghiệp bố trí chỗ ở”.

Các chuyên gia nhận định, các nhà đầu tư ở TPHCM chịu cú sốc nặng từ việc thị trường bất động sản đóng băng nên run tay chưa dám bỏ vốn để tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên, họ lại hy vọng nhiều người có vốn nhàn rỗi tại các tỉnh khác vẫn mạnh dạn dốc tiền mua nhà, đất.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân