Bất động sản không còn… bất động

Cập nhật 31/01/2015 08:45

Khác hẳn với bầu không khí ảm đảm, đóng băng, ế ẩm của những ngày đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2014 đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan. Giá BĐS đã ổn định, thanh khoản thị trường được cải thiện, các chương trình nhà ở được triển khai đúng kế hoạch... Và theo nhận định của giới chuyên gia, kết quả này có được là do việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó cho thị trường BĐS được đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Khác hẳn với bầu không khí ảm đảm, đóng băng, ế ẩm của những ngày đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2014 đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan. Giá BĐS đã ổn định, thanh khoản thị trường được cải thiện, các chương trình nhà ở được triển khai đúng kế hoạch... Và theo nhận định của giới chuyên gia, kết quả này có được là do việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó cho thị trường BĐS được đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Thị trường BĐS khởi sắc


Bước vào năm 2014, thị trường BĐS phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức, giá BĐS giảm sâu, thanh khoản thị trường gần như “đóng băng”, tình trạng tồn kho BĐS ở mức cao… và được ví như là một trong những điểm nghẽn trong lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế vĩ mô tuy đã ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế còn thấp, năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế. Tuy nhiên, vượt lên trên những khó khăn, thách thức đó, thị trường BĐS năm 2014 đã khép lại với nhiều tín hiệu lạc quan.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2014, tại Hà Nội có khoảng 11.450 giao dịch thành công, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 10.350 giao dịch thành công, tăng khoảng 30% so với năm 2013. Giao dịch BĐS tăng không những giúp dòng tiền trong nền kinh tế được khơi thông mà còn giúp tồn kho BĐS giảm mạnh. Tính đến 15/12/2014, tổng giá trị tồn kho BĐS giảm 20.569 tỉ đồng (tương đương giảm 21,8%).


Khách hàng tham quan Dự án Him Lam Riverside (quận 7, TP Hồ Chí Minh)

Giao dịch BĐS tăng, tồn kho BĐS giảm, trong khi đó, giá BĐS cũng được duy trì ổn định, thậm chí tại Hà Nội, những dự án có vị trí tốt, đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành có giá tăng nhẹ. Thực tế tìm hiểu của phóng viên tại Dự án CT2 Cổ Nhuế (Khu đô thị Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nếu như đầu năm 2014, giá mỗi m2 căn hộ ở đây vào khoảng 25 triệu đồng/m2 thì sau khi đi vào hoàn thiện, tiến hành bàn giao vào cuối năm 2014, giá mỗi m2 đã tăng thêm 3-6 triệu đồng/m2, tùy từng căn và tùy từng diện tích.

Không chỉ các dự án chung cư thương mại khởi sắc, thị trường BĐS năm 2014 còn ghi nhận sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ. Trong đó, riêng năm 2014, cả nước đã phát triển thêm khoảng 0,8 triệu m2 nhà ở xã hội (tương đương khoảng 12.000 căn hộ), đưa tổng diện tích nhà ở xã hội toàn quốc đạt khoảng 1,8 triệu m2.

Có được những kết quả trên, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là do ngành xây dựng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Các doanh nghiệp của ngành xây dựng đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, chủ động khắc phục khó khăn, từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã tích cực đầu tư phát triển nhà ở xã hội, xác định đây là giải pháp đúng đắn và phù hợp, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động, vừa góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội, giúp người nghèo cải thiện chỗ ở.

“Thị trường BĐS đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ những tháng cuối năm 2013. Và trong năm 2014, thị trường BĐS tiếp tục đà phục hồi tích cực, thể hiện qua lượng giao dịch tăng, giá cả tương đối ổn định, lượng tồn kho BĐS tiếp tục giảm, cơ cấu hàng hóa BĐS chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung. Điều này chứng tỏ niềm tin vào thị trường đã được khôi phục, BĐS vẫn là kênh hấp dẫn vốn” - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Vẫn còn nhiều thách thức

Thị trường BĐS bước vào năm 2015 với rất nhiều tín hiệu lạc quan và theo nhận định của giới chuyên môn, đà phục hồi này sẽ tiếp tục trong năm 2015, thậm chí là mạnh mẽ khi Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực vào ngày 1/7/2015.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, hướng xây dựng 2 luật này rất rõ ràng là phải phát triển thị trường BĐS cần theo quy hoạch và kế hoạch. Trước đây, thị trường phát triển không theo quy hoạch nên dẫn đến dư thừa, lãng phí thì nay, các luật này yêu cầu sự phát triển phải theo quy hoạch và kế hoạch, nâng cao quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, thực hiện cả bàn tay hữu hình và vô hình để thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Có như vậy mới tránh được quy hoạch treo, cân đối nguồn lực BĐS nói chung và nhà ở nói riêng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà nước.

Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường BĐS 2015 sẽ khởi sắc mạnh mẽ nhưng Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý, khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành xây dựng năm 2015 vẫn còn rất lớn. Thị trường BĐS tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khó khăn, lượng tồn kho BĐS đã giảm nhiều so với đầu năm 2013 nhưng hiện vẫn còn lớn, nhất là các sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp. Thị trường thiếu căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ nhưng để cơ cấu lại sản phẩm, tăng nguồn hàng hóa phù hợp nhu cầu thị trường thì cần có thời gian. Công tác phát triển nhà ở xã hội tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức; nguồn cung nhà ở xã hội còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế…

Và để khắc phục những tồn tại, bất cập trên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, trong năm 2015, ngành xây dựng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án BĐS; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng. Triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên.

Bộ trưởng tin tưởng: Với những giải pháp như trên, cùng với sự chuyển biến tích cực trong định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng, thị trường BĐS năm 2015 chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, với Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh BĐS 2014, thị trường BĐS sẽ trở nên minh bạch hơn, quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo. Qua đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC