Thị trường bất động sản TPHCM đang ở trong một khoảng lặng đáng ngại, sau khi bùng phát những đợt "sốt nóng" cục bộ về giá cũng như mức độ sôi động trong suốt 3 tháng (4-6.2009).
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ lặng lẽ từ đây cho đến cuối năm 2009. |
Thị trường bất động sản TPHCM đang ở trong một khoảng lặng đáng ngại, sau khi bùng phát những đợt "sốt nóng" cục bộ về giá cũng như mức độ sôi động trong suốt 3 tháng (4-6.2009).
Theo nhận định của các chuyên gia, khoảng lặng của thị trường sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2009. Nóng lạnh vô chừng
Theo nhận định của một số chuyên gia về thị trường bất động sản (BĐS), những diễn biến của thị trường BĐS trong 9 tháng đầu năm 2009 không đi theo một quy luật nào. Chưa bao giờ, các chu kỳ "nóng" và "lạnh" lại ngắn như hiện nay.
Thị trường trong suốt năm 2008 và 3 tháng đầu năm 2009 ở trong tình trạng đóng băng. Tình trạng này đã làm cho giá nền đất trong các dự án phát triển đô thị cũng như giá căn hộ chung cư giảm từ 50 đến 60%.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, thế nhưng trái với mọi dự báo, thị trường BĐS trong 3 tháng (từ tháng 4 - 6.2009) lại lên các "cơn sốt" cục bộ, đẩy giá nền đất dự án tăng bình quân 30%. Cá biệt, một số dự án có tính thanh khoản cao ở khu đô thị mới Nam Sài Gòn tăng 100% chỉ trong vòng 3 tháng.
Tại thời điểm tháng 6.2009, đã có những nhận định rất lạc quan rằng thị trường đã bắt đầu hồi phục sau một thời gian dài bị tụt dốc. Thế nhưng, bước sang tháng 7 và 8.2009, cũng trái với những dự báo lạc quan, thị trường lại bước vào giai đoạn trầm lắng bất chấp nền kinh tế đang có dấu hiệu chấm dứt giai đoạn khủng hoảng.
Diễn biến bất thường của thị trường BĐS kéo theo giá căn hộ và nền đất dự án cũng phập phồng, mỗi tháng một giá khác nhau. Thực tế diễn biến của thị trường BĐS trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8.2009 chỉ có đi xuống. Trong tháng 6.2009, giá nền đất trong các dự án hàng top, có tính thanh khoản cao ở Nam Sài Gòn đã được đẩy lên đến giá đỉnh của cơn sốt cuối năm 2007 đầu năm 2008.
Cụ thể, tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, giá nền đất trong các dự án hàng top đứng ở mức cao ngất ngưởng, chỉ thua giá đỉnh của cơn sốt cuối 2007 đầu 2008 khoảng 10%. Dự án Him Lam (mặt tiền đường Nguyễn Thị Thập, quận 7), các nền có ký hiệu K, Q đều nằm trong mức 82 - 85 triệu đồng/m2. Mức giá này chỉ thấp hơn giá đỉnh điểm của cơn sốt giá nhà đất năm 2007 từ 5 đến 8 triệu đồng/m2.
Sang tháng 7 và 8, giá chào bán chủ yếu chỉ còn ở mức dưới 70 triệu đồng/m2. Phần nhiều đều chào bán trong khoảng 60 -65 triệu đồng/m2. Nếu so với giá đỉnh trong tháng 6, mỗi mét vuông trong dự án này đã giảm từ 10 đến 20 triệu đồng.
Mặc dù giá đất đã giảm mạnh trong tháng 8, thế nhưng tính thanh khoản vẫn không cao lên được. Những ngày đầu tháng 9.2009, giá chào bán nền đất ở Khu đô thị mới Nam Sài Gòn tiếp tục làn sóng điều chỉnh giảm, tuy mức giảm không còn mạnh như trong 2 tháng 7 và 8.2009.
Trông chờ vào những cú hích
Trong bối cảnh thị trường đang ở trong khoảng lặng thì những thông tin mang tính hỗ trợ có tác dụng giữ cho mặt bằng giá nhà đất không bị tụt dốc. Trường hợp giá đất trong các dự án khu vực các quận phía đông thành phố như quận 2 và 9, trong đó đặc biệt là các dự án lân cận khu đô thị mới Thủ Thiêm là một điển hình.
Nhờ thông tin hỗ trợ từ sự hoàn thiện hạ tầng, cầu Phú Mỹ thông xe, giá đất khu vực quận 2 đã không giảm trong suốt tháng 8 mặc cho giá đất khu đô thị mới Nam Sài Gòn giảm mạnh.
Theo ông Lâm Văn Chúc - Chủ tịch HĐQT, CTCP địa ốc Phúc Đức - một trong những Cty môi giới mua bán BĐS thuộc vào loại lớn nhất thành phố, thì: "Trong tháng 8, thị trường BĐS quận 2 cứ bình bình, giá cả thì đứng, có nơi giảm nhẹ. Sang tháng 9, thông xe cầu Phú Mỹ thị trường BĐS quận 2 vẫn chưa có dấu hiệu gì khác biệt".
Ông Chúc dự báo: "Trong khoảng 6 tháng nữa, khi đại lộ Đông - Tây tương đối hoàn thiện, sự kết nối hạ tầng giữa khu trung tâm thành phố với các quận phía đông sẽ được cải thiện, lúc đó thị trường chắc chắn sẽ khởi sắc".
Mặc dù lạc quan về thị trường BĐS quận 2 trong thời gian tới, nhưng ông Chúc tỏ ra không mấy lạc quan với tình hình chung của thị trường: "Trong tháng 8, thị trường BĐS đón nhận thêm tin quy định bắt buộc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn và dài hạn. Các ngân hàng thương mại chỉ được phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Quy định này gián tiếp tác động lên thị trường BĐS một cách mạnh mẽ. Bởi vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS chủ yếu là nguồn vốn trung và dài hạn. Điều này dẫn đến khả năng khi các ngân hàng thương mại buộc phải điều chỉnh cơ cấu cho vay thì kênh cho vay đầu tư BĐS sẽ là đích điều chỉnh đầu tiên".
Sang tháng 9.2008 lại có thêm thông tin đánh thuế thu nhập cá nhân 25% đối với các lợi nhuận thu được từ sự chuyển nhượng vốn góp trong các hợp đồng mua bán nhà đất, căn hộ... Từ những nhận định trên, các chuyên gia cho rằng, khoảng lặng của thị trường BĐS hiện nay sẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm 2009.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động