Thị trường bất động sản khép lại năm 2009 đầy bất ổn trên nhiều phương diện. Hy vọng về một sự hồi phục của thị trường trong nửa cuối năm 2009 đã không thành hiện thực.
Năm 2009, thị trường BĐS được hy vọng sẽ hồi phục, nhưng diễn biến thị trường không như kỳ vọng. |
Thị trường bất động sản (BĐS) khép lại năm 2009 đầy bất ổn trên nhiều phương diện. Hy vọng về một sự hồi phục của thị trường trong nửa cuối năm 2009 đã không thành hiện thực.
Chập chờn lên xuống
Cuối năm 2008, các chuyên gia dự báo thị trường BĐS trong năm 2009 sẽ vô cùng ảm đạm bởi đang trong tâm của giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Trên thực tế, có những giai đoạn ngắn 2 -3 tháng trong năm 2009 thị trường BĐS TPHCM có những biến động mạnh khiến cho nhiều người vội tin thị trường BĐS hồi phục. Trên thực tế, thị trường BĐS trong năm 2009 là một năm chập chờn lên xuống khó lường do sự tác động của nhiều chính sách vĩ mô.
Tháng 3.2009, nhân sự kiện sắp thông xe cầu Nguyễn Văn Cừ (nối từ quận 1 sang quận 4 và quận 7), BĐS trong khu đô thị mới Nam Sài Gòn chỉ trong 4 tháng, từ tháng 3 đến tháng 6.2009 đã tăng vài chục triệu đồng/m2, đẩy giá nhà đất khu vực Nam Sài Gòn trở gần đạt đỉnh giá cuối năm 2008. Một số dự án như Him Lam – Kênh Tẻ, Trung Sơn... những lô đất mặt tiền đường lớn đã bật trở lại mốc 80 - 85 triệu đồng/m2 (giá đỉnh 90 triệu đồng/m2).
Chỉ trong vòng 3 tháng, giá nhà đất trong những dự án hàng top đã tăng 70 -80% so với giá đầu năm 2009. Giá nhà đất Khu Nam Sài Gòn theo đó tăng ầm ầm lên cả chục triệu đồng/m2. Giá đất ở Nam Sài Gòn tăng kéo theo giá đất ở khu Đông, nhưng mức độ tăng chỉ khoảng 30- 40%.
Tuy nhiên, sự “ấm áp” của thị trường BĐS TPHCM chỉ kéo dài chưa đến 4 tháng. Bước sang tháng 7 mọi việc đâu lại vào đấy, giá nhà đất lại rớt thảm hại trở lại gần mốc giá của đầu năm 2009. Thậm chí sự kiện thông xe cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 và quận 2 cũng không thể khuấy động được sự “băng giá” của thị trường BĐS khu Đông Sài Gòn. Ở khu Nam Sài Gòn, những lô đất đắc địa nhất trong các dự án hàng “top” rơi trở lại mốc 55-60 triệu đồng/m2.
Khác với thị trường đất dự án, thị trường căn hộ chung cư, ảm đạm từ đầu đến cuối năm, ngoại trừ một số dự án có vị trí đắc địa hút được khách hàng. Phải có đến trên 95% dự án căn hộ chung cư rơi vào cảnh ế ẩm, buộc phải điều chỉnh giá liên tục. Thị trường căn hộ chung cư ế ẩm một phần là do nguồn cung quá lớn, trong khi nhu cầu đang ở mức thấp.
Theo số liệu khảo sát của một Cty quản lý BĐS, chỉ trong năm 2009, thị trường BĐS TPHCM có thêm hơn 12.000 căn hộ mới được đưa ra chào bán. Nếu tính tổng nguồn cung cả mới và cũ, trên thị trường có ít nhất gần 20.000 căn hộ. Nguồn cung vượt nhu cầu khiến cho mặt bằng giá của thị trường căn hộ từ đầu đến cuối năm chỉ có đi xuống chứ không đi lên.
Ngó chừng chính sách
Thị trường BĐS TPHCM, năm 2009 là năm của những thái cực, lên nhanh và xuống cũng nhanh không kém. Nếu như sự hoàn thiện hạ tầng nối liền khu trung tâm với các vùng ven mà cụ thể là thông xe cầu Nguyễn Văn Cừ và những thông tin dự báo tình hình kinh tế vĩ mô có dấu hiệu hồi phục, khủng hoảng kinh tế thế giới đã chạm đáy có tác động làm giá nhà đất gia tăng thì những chính sách từ thị trường tài chính, thuế làm cho thị trường nguội lạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ thị trường đất dự án nhanh chóng bị xì hơi trong tháng 7 và 8.2009 là do áp lực từ thị trường tiền tệ vốn là nơi cung cấp sinh lực chính cho những nhà đầu tư theo dạng lướt sóng – những người góp phần quan trọng cho thị trường BĐS nhộn nhịp trong các tháng 4 - 6. 2009.
Các kênh thông tin hỗ trợ cho thị trường đều trong tình trạng kém lạc quan. Trong tháng 7, xuất hiện một thông tin gây rúng động cho giới đầu tư nhà đất, đó là dư nợ tín dụng BĐS tăng trên 10%. Từ đó, dẫn đến một dự báo trong thời gian tới có khả năng hạn chế tín dụng BĐS từ các NH. Mà khi các NH siết hầu bao thì thị trường BĐS phải chịu tác động nặng nhất. Chỉ riêng thông tin này đã có tác động làm đứt đà tăng giá đất dự án vốn đang hừng hực khí thế sau 3 tháng tăng liên tiếp.
Đến tháng 9.2009, những thông tin dồn dập về việc áp dụng thuế suất 25% đối với lợi nhuận có được từ việc chuyển nhượng phần vốn góp mua bán nhà đất hoặc 2% trên tổng giá trị hợp đồng đã thực sự làm thị trường BĐS khốn đốn. Trong nhiều tháng liền, số lượng giao dịch của các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn thành phố hầu như không đáng kể. Chỉ trong 3 tháng cuối năm, đã có 33 dự án bán nền nhà buộc phải giảm giá để hút khách. Riêng đối với thị trường căn hộ, số lượng dự án phải giảm giá để đẩy mạnh đầu ra lên đến gần 50 dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động