Bất động sản kêu to là được cứu?

Cập nhật 05/03/2013 08:27

“Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu”, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thắn.

“Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu”, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường thẳng thắn.

Bất động sản: Kêu là cứu

Mơi đấy Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành... đưa ra kiến nghị đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng.

Đó là một trong những nội dung kiến nghị mà ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) vừa gửi lên các, ban ngành về việc khẩn trương giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.

Theo lý giải của ông Châu, bất động sản là xương sống của nền kinh tế nên những đề xuất giải cứu thị trường này hướng tới những địa chỉ cụ thể như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và bộ Xây dựng.

Bất động sản kêu là được cứu

Ông Châu cũng cho rằng, việc cấp bách cần làm ngay lúc nay để làm ấm lại thị trường bất động sản là Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn thực hiện ngay việc cung ứng nguồn vốn hỗ trợ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho người tiêu dùng. Mỗi suất vay khoảng 500 - 600 triệu đồng với lãi suất vay ưu đãi khoảng 6%/năm trong thời hạn 20 - 30 năm cho người mua căn nhà đầu tiên (hoặc đang ở chật hẹp bình quân dưới 8m2/người) khi mua căn hộ 70m2 với giá bán 15 triệu đồng/m2.

Trước đó, để hâm nóng thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành lên phương án giải cứu bất động sản. Ngày 11/1, Chính phủ đã công bố Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 2013, NHNN sẽ tập trung xử lý khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng nợ trong bất động sản. Ngoài ra, NHNN sẽ cung ứng từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong thời hạn 5 - 10 năm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định việc áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 10% đối với thu nhập từ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Nhằm thúc đẩy các địa phương, doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Tại buổi Tọa đàm về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được BIDV tổ chức ngày 4/5/2012, BIDV đã công bố gói tín dụng 4.000 tỷ đồng để đẩy mạnh dư nợ bán lẻ, tập trung hỗ trợ đầu ra cho các dự án bất động sản do BIDV tài trợ.

Theo đó, gói tín dụng này có lãi suất 16%/năm, thời gian vay có thể đến 15 năm, mức cho vay lên tới 85% giá trị căn nhà. Đồng thời, BIDV sẽ phối hợp với chủ đầu tư để cung cấp các sản phẩm hỗ trợ cho vay, hỗ trợ lãi suất để thu hút nhà đầu tư bán lẻ có nhu cầu mua bất động sản.

Bất động sản lỗ hay lãi?

Đầu năm 2013, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng kinh doanh có lãi vẫn khá cao, chiếm hơn 80% các doanh nghiệp đang hoạt động.

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ, ông Đỗ Đức Duy đã bác bỏ thông tin “năm 2012, 80% doanh nghiệp bất động sản có lãi”.

Ông Duy giải thích năm 2012 có hơn 30% doanh nghiệp thua lỗ. Hơn nữa, đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Trong khi Bộ Xây dựng vội vàng đính chính “không phải 80% doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) có lãi”, thế nhưng kết quả kinh doanh trong năm 2012 của các DN BĐS và liên quan đến BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán minh chứng ngược lại: trên 80% DN có lãi!

Thống kê từ 124 DN trên 2 sàn chứng khoán gồm có kinh doanh BĐS, sắt thép, xi măng, xây dựng… Kết quả cho thấy, lãi đứng đầu là VIC, lợi nhuận kếch xù 1.847 tỷ đồng, hầu hết tập trung vào các dự án BĐS mà công ty đang đầu tư và khai thác. Kế đó là REE, lãi ròng 657 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch đề ra của năm, riêng lĩnh vực cho thuê BĐS đã đem về doanh thu 121 tỷ đồng. Tiếp theo là HAG, lợi nhuận sau thuế 351 tỷ đồng, không chỉ đơn thuần từ BĐS - theo giải trình của ông Nguyễn Văn Sự, Tổng giám đốc HAG - mà còn có khoáng sản, đặc biệt là nguồn thu từ mủ cao su “trong quý 4-2012 đã bán được 46 tỷ đồng”…

Trong khi đó, trong một bài phỏng vấn, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số dùng khi nghiên cứu sẽ chính xác hơn, và một số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiểu vấn đề.

Có nhiều con số không thể thống kê chính xác được, như điện lực, xăng dầu lúc nào cũng bảo lỗ, ai biết thực hư thế nào...

Theo GS Đặng Hùng Võ, “Thực tế các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không được lãi nhiều chứ không phải lỗ. Họ cứ kêu toáng lên là để được cứu”.

GS Võ phân tích, doanh nghiệp bất động sản, nhất là ở phía Bắc vẫn có lãi vì họ huy động vốn chủ yếu là mua bán nhà trên giấy. Chính vì thế, lỗ vào vốn của họ, họ không phải chịu. Họ chỉ cần bỏ ra một khoản nhất định để có được dự án. Còn bán được nhà thì họ xây, không bán được thì để đấy”.

Cũng theo ông Võ, các doanh nghiệp lỗ chỉ là các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là huy động vốn để góp vốn với doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp chủ dự án. Tức là các doanh nghiệp “trên không chằng, dưới không rễ”, tồn tại nhờ việc đi bám vào doanh nghiệp lớn để có lãi. Vốn thì của mình hoặc vốn đi vay, huy động của những nơi khác nữa.

Hoặc là những doanh nghiệp đi vay ngân hàng để làm dự án thì sẽ chịu áp lực lớn và có thể lỗ.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt