Nhận thấy xu hướng phát triển của mạng xã hội, nhiều chủ đầu tư đã tranh thủ tiếp thị, quảng cáo sản phẩm bất động sản bằng hình thức này.
Nhận thấy xu hướng phát triển của mạng xã hội, nhiều chủ đầu tư đã tranh thủ tiếp thị, quảng cáo sản phẩm bất động sản bằng hình thức này.
Thị trường bất động sản vẫn trong giai đoạn chờ đợi sự phục hồi. Chủ đầu tư và người bán hàng theo đó phải nghĩ đủ chiêu để tiếp thị sản phẩm. Gần đây, nhiều sàn giao dịch tại Hà Nội đã tăng mạnh đội ngũ nhân sự nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng kênh thông tin; đẩy mạnh tờ rơi, áp phích quảng cáo....Mục đích cuối cùng là đưa sản phẩm tiếp cận được với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, gần đây mạng xã hội Việt Nam đã phát huy khả năng truyền bá thông tin mạnh mẽ hơn hẳn các kênh truyền thông khác. Khảo sát cho thấy, các trang như Facebook, Twitter, Yume, Blogspot; các trang rao vặt, mua chung; các group, forum… luôn có một lượng lớn người truy cập hàng ngày. Do đó, không ít chủ đầu tư đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua hình thức này như xây dựng website, đẩy mạnh thương mại điện tử,..
Ông Mark Townsend – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn BĐS CBRE cho rằng, “Tại Việt Nam tiếp thị online vẫn khiến các chủ đầu tư băn khoăn. Họ cho rằng việc sử dụng đội ngũ bán hàng tiếp thị thực tế vẫn đem lại những lợi ích lớn hơn, dễ kiểm soát các thông tin trái chiều, gây hại cho hình ảnh chủ đầu tư, sản phẩm. Mặt khác, khách hàng sẽ khó đưa ra quyết định khi đứng trước nhiều luồng thông tin không thể kiểm chứng như vậy. Do đó, Việt Nam muốn phát triển tiếp thị bằng mạng xã hội, trước tiên phải xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh nhất mới kích thích các chủ đầu tư thay đổi, cải tiến phương pháp bán hàng và thúc đẩy thị trường BĐS sôi động”.
Có thể nhìn nhận được nhiều ưu thế của kênh tiếp thị này. Thực tế, các trang mạng xã hội thực sự có những tác động nhất định đến người tiêu dùng nói chung và lĩnh vực BĐS. Người bán có thể biết được người mua cần gì; nhìn nhận đánh giá về sản phẩm như thế nào. Người mua ngoài kiến thức về dự án, còn thu thập được những thông tin tương đối chính xác từ nhiều người mua khác.
Đặc biệt, một thị trường BĐS chuyên nghiệp, ngoài việc tận dụng tối đa ưu thế của các trang mạng, lại càng cần đẩy mạnh xây dựng các chuyên trang online cung cấp thông tin dự án. Nơi mọi người có thể tìm hiểu, thu thập tin tức, mua bán, đặt chỗ.
Vừa qua, một phiên giao dịch BĐS online đã diễn ra một trên trang mạng. Phiên chợ thu hút được sự quan tâm của khá nhiều đơn vị kinh doanh BĐS và người tiêu dùng. Gần trăm dự án được trưng bày với đầy đủ các thông tin, hình ảnh, tiến độ, tình trạng thực tế. Theo số liệu thống kê của bộ phận thực hiện, phiên giao dịch online đã nhận được hơn 422 khách hàng đăng ký mua nhà chung cư cao cấp, 352 người mua nhà thổ cư và hơn 140 người đăng ký biệt thự…
Phiên chợ online không khác các phiên giao dịch, hội chợ BĐS bình thường. Song, ở đây, khách hàng không phải đến tận nơi, mà có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và so sánh, lựa chọn nhiều dự án.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, vì trang mạng xã hội dễ bị hỗn loạn thông tin. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định bắt buộc về nội dung đăng tải trên mạng. Thậm chí yêu cầu phải cung cấp cụ thể các thông tin như tình trạng pháp lý, tiến độ dự án, số lượng sản phẩm, uy tín và năng lực chủ đầu tư, giá thành...
Thậm chí, người mua, nhà đầu tư còn có thể nắm bắt được: tình trạng pháp lý, tiến độ dự án, số lượng sản phẩm còn hết, uy tín và năng lực chủ đầu tư, giá chuẩn của dự án. Hơn hết, đây chính là tiến trình để hướng đến công khai minh bạch thị trường, chuẩn chỉ trong kinh doanh BĐS. Quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm.