Bất động sản hồi phục: Không phải từ những gói kích cầu

Cập nhật 17/03/2015 13:08

Mặc dù được đánh giá là đã "tan băng”, đi qua thời kỳ khủng hoảng nhất và bắt đầu nhen nhóm những dấu hiệu hồi phục. Song sự hồi phục ấy của thị trường bất động sản không phải từ những gói kích cầu.

Mặc dù được đánh giá là đã "tan băng”, đi qua thời kỳ khủng hoảng nhất và bắt đầu nhen nhóm những dấu hiệu hồi phục. Song sự hồi phục ấy của thị trường bất động sản không phải từ những gói kích cầu.


Căn hộ chung cư cao cấp đã có giao dịch sau thời gian dài trầm lắng. Ảnh: Hoàng long

Thị trường "tan băng”…

Thị trường bất động sản đang chứng kiến những dịch chuyển đáng chú ý với con số giao dịch của thị trường ngày một nóng lên. Nhiều nhà đầu tư cho hay, hàng loạt các sản phẩm mới "ra lò” hoặc đang trong thời kỳ hoàn thiện đều đã bán xong hoặc được khách hàng "đặt cọc”. Tuy nhiên, phân khúc bán chạy nhất chủ yếu vẫn là nhà ở giá thấp, giá trung bình, nhà ở xã hội. Còn lại phân khúc nhà cao cấp, biệt thự vẫn tồn kho rất lớn. Những động thái đó của thị trường bất động sản, theo như nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nó đang phản ảnh rõ nét và rất thực chất nhu cầu hiện nay của thị trường. Điều đó cũng có nghĩa, các nhà đầu tư nếu như lựa chọn đúng dòng sản phẩm mà thị trường đang cần để đầu tư, thì đã không có chuyện tồn kho bất động sản lớn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định, nguồn cung nhà ở phong phú, đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội đã dồi dào…Đây chính là thời điểm để người có nhu cầu có thể cân nhắc để sở hữu một ngôi nhà phù hợp với khả năng và mong muốn của mình. Rõ ràng, theo nhận định nói trên của người đứng đầu ngành Xây dựng, với những diễn biến hiện nay của thị trường, những người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sẽ có nhiều cơ hội hơn để sở hữu nhà ở có giá phù hợp với khả năng của họ. Thị trường bất động sản rõ ràng đã và đang ấm dần lên.

Chưa tạo được cú hích

Theo khẳng định của nhiều chuyên gia ngành địa ốc, sự "tan băng” ấy là do nguồn cung mà thị trường đưa ra hợp lý, chứ không phải hồi phục nhờ những gói kích cầu được triển khai khá gấp gáp trong thời gian qua. Trước hết phải kể đến gói 30.000 tỷ đồng, mà ngay từ khi ra đời đã nhen nhóm kỳ vọng lớn đối với nhà quản lý, các DN và cả người dân – những người có mức thu nhập chỉ ở mức trung bình và thấp. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai đã bộc lộ bế tắc trong việc giải ngân. Và mặc dù các nhà quản lý đã rất nỗ lực, song tính đến thời điểm hiện nay, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được vỏn vẹn… 16%. Kết quả này đang khiến dư luận nghi ngờ, mục tiêu đến tháng 6-2016, sẽ giải ngân xong gói 30.000 tỷ cho thị trường bất động sản dường như đã bị lỗi hẹn.

Những diễn biến trên "đường đi” của gói 30.000 tỷ thời gian qua cho thấy, các chuyên gia đã nhận định rất đúng khi cho rằng, đây là một gói kích cầu thiếu khả thi chứ không thể "bùng nổ” hay "đột phá” cho thị trường bất động sản như nhiều người ảo tưởng. Thậm chí ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành đã từng gán cho gói này hai từ "thất bại” (!)

Ngay sau gói kích cầu 30.000 tỷ, một gói kích cầu nữa được bung ra cho thị trường bất động sản. Đó là chương trình tín dụng 50.000 tỷ đồng cho ngành xây dựng và thị trường BĐS thông qua mô hình liên kết 4 nhà được Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh triển khai. Chương trình liên kết 4 nhà ngay lập tức gây sốt trên thị trường BĐS thời điểm mới "khai sinh” - khoảng 1 năm về trước. Nhiều người kỳ vọng nó sẽ tạo cú hích cho thị trường đang gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, thực tế thì chương trình đó đã nhanh chóng phá sản vì không có tính khả thi.

Gần đây nhất, hồi cuối năm 2014, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, sẽ sớm cho ra đời thêm một gói 50.000 tỷ nữa, với mục đích tập trung kích cầu vào phân khúc trung và cao cấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần rút kinh nghiệm từ những gói kích cầu bởi khi nền kinh tế đang khá ổn định như hiện nay, thị trường bất động sản cũng đang dần hồi phục, việc bơm vốn một cách cấp tập vào thị trường không cẩn thận sẽ đi vào "vết xe đổ” của những gói kích cầu trước… Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, gói 30.000 tỷ đã không phát huy hiệu quả thì nếu có thêm những gói kích cầu khác cần phải thận trọng, phải nhìn nhận đúng nhu cầu của thị trường và khả năng, mức thu nhập của người dân để cung cấp những sản phẩm hợp lý, nếu không sẽ rơi vào tình cảnh tương tự các gói kích cầu trước.


DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết