Trong khi những đợt chào bán đất nền, căn hộ luôn được chủ dự án tổ chức sôi động và kết thúc với kết quả mỹ mãn là khách hàng đặt cọc mua hết thì sau đó diễn ra ngược lại, người mua phải đỏ mắt tìm người để bán lại.
Khách hàng đặt cọc mua căn hộ Aroma tại Công ty bất động sản Tấc Đất Tấc Vàng (TP.HCM) - Ảnh: Hải Đăng |
Tình trạng này không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà còn phổ biến ở Bình Dương và Đồng Nai.
Chủ dự án bán: đắt như tôm tươi
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc sàn BĐS Tín Nghĩa, ngay một số dự án mới vừa chào bán, việc mua đi bán lại sau đó có tỉ lệ thành công cao nhất vào thời điểm này cũng chưa đến 30% đối với những dự án hấp dẫn. |
Sáng 1-8, 86 căn hộ (đợt 1) của dự án căn hộ cao cấp IJC Aroma (Bình Dương) được chủ đầu tư, Công ty Becamex IJC, đưa ra chào bán đã được khách hàng đặt cọc mua.
Trong buổi công bố chào bán 68 sản phẩm dự án làng biệt thự The Pegasus Residence (Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) hai ngày trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - giám đốc sàn bất động sản (BĐS) Tín Nghĩa, đơn vị phân phối - cho biết đã có 60 căn được khách hàng đăng ký mua.
Trước đó, cũng chỉ trong vòng một buổi sáng, hơn 100 sản phẩm của dự án khu phố thương mại Gold Town, thành phố mới Bình Dương, cũng được bán dù giá trị của sản phẩm khá lớn.
Một số dự án đất nền có giá thấp hơn tại hai địa phương này được các chủ đầu tư tung ra bán trong thời gian gần đây cũng thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.
Theo một số nhà phân phối, dự án Thung Lũng Xanh (giai đoạn 2) tại Đồng Nai với hơn 400 nền và gần 300 nền của dự án làng biệt thự sinh thái Moon River (Bình Dương) đã bán hết hơn 70% trong vòng chưa đầy một tháng... Khách hàng ngoài TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có cả từ các tỉnh phía Bắc.
Anh Nguyễn Văn Hải cùng nhóm đầu tư đến từ Hà Nội cho biết đã bỏ vốn vào một số dự án tại Bình Dương và Đồng Nai, nơi nhiều dự án mới được chào bán với giá khá rẻ, chỉ 2-3 triệu đồng/m2 đối với những dự án đất nền đã có hạ tầng hoàn chỉnh.
Theo anh, khả năng khoản đầu tư này đem lại lợi nhuận trong vòng ba năm tới là rất tốt, khi kinh tế sáng sủa hơn. Còn theo chị Nguyễn Thị Phượng (TP Vũng Tàu), với số tiền tiết kiệm, việc bỏ vốn mua một nền đất (dự án Green River) có giá hơn 300 triệu đồng là vừa sức, cũng phù hợp với tính toán của gia đình khi con trai lớn sắp ra trường.
Ông Nguyễn Xuân Lộc - phó tổng giám đốc Công ty Vinaland - cho rằng một số người dân VN có thói quen bỏ tiền tiết kiệm vào BĐS, trong khi các kênh đầu tư khác hiện nay cũng khó kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Một số căn hộ hay nhà phố có giá trị cao, do nằm ở những vị trí được xem là khu “đất vàng” ngay tại thành phố mới Bình Dương, thu hút giới kinh doanh mua đón đầu cơ hội làm ăn tại đây trong tương lai gần.
Ngoài ra, theo ông Lộc, nhiều dự án hạ tầng kết nối Bình Dương và Đồng Nai đang được triển khai gần đây cũng tạo kỳ vọng nơi nhà đầu tư là thị trường BĐS ở các địa phương này khởi sắc hơn trong những năm tới.
Nhà đầu tư: ôm hàng
Thế nhưng sự sôi động, đắt hàng chỉ diễn ra ngắn ngủi, bởi sau đó không ít nhà đầu tư chịu cảnh “đêm dài” với các BĐS mà mình đã mua.
Hơn một tháng nay anh Trần Thanh Hải (TP.HCM) hết rao trên các siêu thị địa ốc online, đến quảng cáo trên báo rồi gửi gắm cho người quen tại một số sàn BĐS... nhưng vẫn chưa bán lại được một sản phẩm đất nền của dự án khu phố chợ Thống Nhất (Đồng Nai).
Trước đó, tháng 3-2010, khi dự án này được chủ đầu tư chào bán ra thị trường, anh Hải khá vất vả mới đăng ký được một suất. Tại thời điểm nộp tiền, dù được một số người chấp nhận trả chênh lệch đến 25 triệu đồng để mua lại suất giữ chỗ nhưng anh giữ lại với ý định đầu tư lâu dài.
Do bị kẹt vốn làm ăn, hơn một tháng trước anh Hải rao bán nhưng nay đất vẫn chưa đổi chủ. Nhiều nhà đầu tư từng ôm hàng của các dự án thuộc khu Mỹ Phước (1,2,3) tại Bình Dương cũng cho biết khó bán lại, dù chấp nhận giảm giá.
Giải thích về tình trạng này, có chuyên gia bất động sản cho rằng chủ dự án liên tục tung hàng ra bán, sản phẩm ra sau có vị trí đẹp hơn và hạ tầng hoàn chỉnh hơn nhưng giá bán ra không thay đổi.
Chỉ trong bốn tháng, riêng dự án Thung Lũng Xanh (Đồng Nai) đã có hai đợt hàng được chào bán, mỗi đợt lên tới hơn 400 sản phẩm. Do vậy, người mua chờ nguồn hàng mới trực tiếp từ chủ dự án, thay vì mua từ nhà đầu tư phải chịu giá cao.
Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành - lãnh đạo Công ty Tấc Đất Tấc Vàng - thừa nhận việc đầu tư nhằm mục đích “lướt sóng” ngắn hạn tại thời điểm này là khá rủi ro, để kiếm được khách hàng mua lại với một khoản chênh lệch thấp cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến lợi nhuận kỳ vọng.
“Vì vậy, chúng tôi thường khuyến cáo khách hàng nên chọn mục tiêu dài hạn hơn là ngắn hạn”, ông Thành nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO