Thành phố Hải Phòng đang mở rộng và phát triển đúng ra đó là cơ hội lý tưởng cho thị trường bất động sản (BĐS) phát triển, tuy nhiên thị trường BĐS Hải Phòng lại trầm lắng.
Thành phố Hải Phòng đang mở rộng và phát triển đúng ra đó là cơ hội lý tưởng cho thị trường bất động sản (BĐS) phát triển, tuy nhiên thị trường BĐS Hải Phòng lại trầm lắng. Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng xung quanh vấn đề này.
* Xin ông đánh giá thực trạng thị trường BĐS Hải Phòng hiện nay?
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng |
Thị trường BĐS Hải Phòng có tính đặc thù riêng so với các thị trường BĐS khác như Hà Nội hay TP HCM cho dù Hải Phòng cũng là một đô thị lớn. Sự khác biệt đó cả về tốc độ phát triển lẫn qui mô phát triển và loại hình sản phẩm.
* Ông có thể nói rõ về tính đặc thù này?
Thứ nhất về tốc độ phát triển: Thị trường BĐS Hải Phòng không có sốt nóng, sốt lạnh, nó phát triển bình lặng, ổn định không mạnh mẽ. Thứ hai về qui mô: Hải Phòng là thành phố lớn nhưng qui mô các dự án BĐS lại nhỏ. Có một vài dự án lớn nhưng vẫn đang chỉ là ở mức độ tiềm năng chứ chưa hình thành hoàn chỉnh để đưa sản phẩm ra thị trường. Thứ ba: Về loại hình sản phẩm: Loại được tiêu thụ tốt chủ yếu vẫn là đất nền, chứ các dự án BĐS ở Hải Phòng rất ít xây chung cư.
* Phải chăng chính loại hình sản phẩm dẫn đến cung - cầu chưa gặp nhau, đó là một trong những lý do mà thị trường BĐS Hải Phòng không sôi động, thưa ông?
Đúng. Loại hình sản phẩm là yếu tố quan trọng thúc đẩy tốc độ phát triển hay qui mô của các dự án BĐS Hải Phòng. Có thể thấy, nhu cầu rất lớn đối với người dân Hải Phòng hiện là căn hộ giá thấp nhưng lại không có bán. Đất nền và chung cư cao cấp giá lại cao quá, người dân không đủ tiền mua, trong khi đó điều bất hợp lý là các dự án lại chủ yếu là đất nền và đất dành cho biệt thự
Các dự án có qui mô nhỏ và vừa là do các nhà đầu tư chủ yếu là ở Hải Phòng, chỉ có một số ít dự án liên doanh nhưng vẫn chỉ là tiềm năng, còn các nhà đầu tư nơi khác thì chưa mặn mà với thị trường BĐS Hải Phòng.
* Xin ông lý giải vì sao các dự án Hải Phòng chủ yếu là đất nền?
Hải Phòng hiện có gần 260 dự án BĐS với khoảng 2600 ha đất. Điều dễ nhận thấy là do vốn của nhà đầu tư có giới hạn nên họ phải tìm phương thức đầu tư nhanh, có lợi cho họ để thu hồi vốn. Chính vì vậy họ tập trung vào hạ tầng, tạo ra nguồn đất để bán chứ không dồn vốn xây dựng các khu chung cư
* Vậy các nhà đầu tư chỉ tạo ra sản phẩm để phục vụ nhu cầu, lợi ích của mình mà chưa tính đến vấn đề phục vụ nhu cầu nhà ở thực sự của người dân TP?
Tôi cho rằng các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hết được nhu cầu của xã hội để đầu tư, do đó chưa có phương án đầu tư qui mô lớn hơn, mạnh mẽ hơn tạo ra nhiều loại sản phẩm cung cấp ra thị trường. Họ chỉ đầu tư cái họ có chứ không đầu tư cái thị trường cần.
* Thưa ông, để giải bài toán nhà ở cho đại bộ phận người dân thì xây nhà giá rẻ bán vẫn là phương án tối ưu. Nhưng thực tế, với nguời dân Hải Phòng thì đất nền vẫn là ưu tiên số một. Đây chỉ là tâm lý hay vì chưa có sản phẩm để người dân mua?
Đất nền dĩ nhiên ai cũng thích nhưng thực tế rất ít người có tiền để mua, và đối tượng mua hiện chủ yếu là để đầu cơ. Ví dụ như dự án ngã năm sân bay Cát Bi, đất dự án gần như đã được bán hết nhưng đã xây được cái nhà nào đâu vì đất nằm trong tay đối tượng đầu cơ chứ đâu nằm trong tay người có nhu cầu nhà ở thật sự. Do vậy xây nhà giá rẻ để bán là điều cần được quan tâm. Tuy nhiên10 năm qua mới chỉ có một dự án với 180 căn hộ phục vụ cho chính sách nhà ở xã hội được xây dựng và hiện cũng chỉ có tiếp một dự án 484 căn hộ nữa đang triển khai, thật còn quá ít so với nhu cầu thực tế.
* Theo ông thị trường BĐS Hải Phòng sắp tới liệu có thay đổi không?
Sẽ thay đổi. Phân khúc thị trường chỉ ra rằng nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp sẽ lên ngôi. Tuy nhiên, để làm được điều này không đơn giản. Ở đây không chỉ có chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho quĩ đất và các chính sách mà nhà đầu tư cũng phải nghĩ đến các vấn đề phục vụ lợi ích xã hội thay vì chỉ nhăm nhăm tính đến lợi nhận của mình.
* Xin trân trọng cám ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật & Giáo dục