Đây là một trong những thông tin quan trọng được nhà cung cấp dịch vụ về bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) đưa ra trong bản đánh giá tổng quan thị trường...
Đây là một trong những thông tin quan trọng được nhà cung cấp dịch vụ về bất động sản CB Richard Ellis (CBRE) đưa ra trong bản đánh giá tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội Quý 3/2007 được công bố vào chiều 26/10.
Theo đó, hơn một nửa dân số của Hà Nội hiện sống trong những khu trung tâm đông đúc nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam. Trong bối cảnh nhu cầu không ngừng tăng, tắc nghẽn giao thông và việc bảo tồn di sản văn hóa trong khu vực trung tâm thành phố, phần lớn các dự án phát triển có xu hướng di chuyển ra các khu đô thị mới, tập trung nhiều ở phía Tây thành phố. Với một tốc độ xây dựng mạnh mẽ và sôi động, khu vực trung tâm thứ hai dọc theo hành lang Phạm Hùng đang được hình thành
Nguồn cầu không ngừng tăng
Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian qua và đặc biệt là việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO đã dẫn tới sự “nở rộ” của các công ty đa quốc gia, đồng thời cũng thúc đẩy sự mở rộng của các “đại gia” trong nước. Nhu cầu về diện tích văn phòng tiếp tục tăng cao trong khi nguồn cung trong quý 2 và 3/2007 là chưa đáng kể.
Theo thống kê, hiện nay Hà Nội là một trong những thành phố có mức giá thuê văn phòng cao nhất châu Á, trung bình từ 30 – 40 USD/m2/tháng, giá thuê cao nhất đạt 55 USD/m2/tháng. Trong Quý 3, giá thuê các văn phòng hạng A tăng nhẹ, xấp xỉ 1%, văn phòng hạng B tăng 5% so với quý trước. Tuy vậy, hệ số sử dụng của các tòa nhà văn phòng hạng A và B hiện vẫn ở mức rất cao, đạt gần 100%, chỉ cần có chỗ trống là lập tức sẽ được lấp đầy. Thị trường nhà ở có phần “bình tĩnh” hơn do có sự xuất hiện của hơn 500 căn hộ cho thuê thuộc 4 dự án Somerset Hòa Bình, Fraser Suites Hanoi, Skyline và Atlanta vào quý 4 năm nay. Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ phòng trống vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 5%.
Các khách sạn 5 sao trên địa bàn Hà Nội đều có hệ số sử dụng cao, khoảng 74,35% và giá thuê phòng trung bình tăng nhẹ lên 124 USD. Cầu vẫn ở mức cao và không có khách sạn mới nào được xây dựng từ 2005 đến 2007.
Mảng thị trường bán lẻ Hà Nội cũng không kém phần sôi động do đầu năm 2009 là thời điểm WTO yêu cầu Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các hãng bán lẻ quốc tế. Rất nhiều các tên tuổi lớn sẽ gia nhập thị trường vào thời gian này, đòi hỏi một lượng cung không nhỏ số lượng các cửa hàng trên địa bàn thành phố.
Hình thành khu trung tâm thứ hai
Hiện nay, khu vực Mỹ Đình đang nhận được sự đầu tư rất lớn từ hàng loạt các dự án phức hợp và có quy mô lớn để phát triển cơ sở hạ tầng. Tiêu biểu nhất trong số này là Keangnam Hanoi Landmark Tower, Crowne Plaza, Orix, The Garden, Financial Tower…
Về vị trí, khu vực này nằm ngay đầu tuyến đường Láng - Hòa Lạc, tuyến đường được quy hoạch thành đường cao tốc nối liền đông tây (đầu mối giao thông chính giữa Hà Nội và tỉnh Hà Tây). Đoạn giao của trục đường Phạm Hùng và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc là điểm nốihai trong số các khu vực mới có nhiều tiềm năng phát triểnnhất ở miền Bắc. Theo dự kiến, sẽ có khoảng một triệu người sống quanh tuyến đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, tạo ra một lượng nhân công lành nghề cho các doanh nghiệp hoạt động tại khu Mỹ Đình và khu Công nghệ cao Láng - Hòa Lạc.
Bên cạnh các khu văn phòng thuần tuý, khu vực này còn có nhiều dự án tổ hợp chung cư, bán lẻ và khách sạn. Theo dự kiến, đến năm 2011, tại khu vực này sẽ có khoảng 300.000m2 văn phòng, các khách sạn 5 sao cũng như các khu nhà ở, các khu trung tâm thương mại lớn đi vào hoạt động.
Theo báo cáo đánh giá của CBRE, với tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, Mỹ Đình đang là một điểm đến ngày càng hấp dẫn và được định hướng phát triển thành trung tâm thứ hai của thành phố. Vị trí chiến lược, hiệu quả kinh tế cao nhờ lực lượng lao động quy mô lớn của khu vực này đang dần tạo ra một cuộc “Tây tiến” sôi động trên thị trường bất động sản Hà Nội.
Theo Vnmedia