Các chung cư tại khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Cầu Giấy. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thị trường bất động sản Việt Nam đã lâm vào tình trạng ảm đạm từ cuối năm 2009. Khi đó, giới đầu cơ bất động sản Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã rục rịch gom hàng chờ cầu thật xuất hiện.
Bước sang 2010, tại hai khu vực trọng điểm trên, dù bất động sản đã giảm giá từ 15-20% so với thời điểm sốt giá nhưng giao dịch vẫn như chợ chiều. Không ít chủ dự án bất động sản còn kêu gọi nhà đầu tư góp vốn với giá gốc.
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu có nguồn tiền nhàn rỗi thì đây là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường này.
Những yếu tố khiến bất động sản hấp dẫn
Theo chuyên gia phân tích bất động sản Renato Shordon, Giám đốc Văn phòng nghiên cứu bất động sản độc lập tại Hà Nội, ba năm nghiên cứu tại thị trường Việt Nam cho thấy tuy cũng chịu sự chi phối chung của suy thoái kinh tế, nhưng biến động của thị trường bất động sản Việt Nam còn có những điểm khác biệt cơ bản với thị trường các nước trong khu vực.
Trong các tác động đến thị trường này, cơ bản nhất là chính sách của Chính phủ về định mức cho vay của ngân hàng. Một khi chính sách tiền tệ nới lỏng, bất động sản sẽ sôi động, khi thắt chặt thị trường sẽ nguội lạnh.
Cạnh đó là ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế nói chung như suy thoái, lạm phát, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), diễn biến thị trường vàng và thị trường chứng khoán.
Có một điểm thú vị của thị trường bất động sản Việt Nam là hiện tượng liên thông giữa chứng khoán và bất động sản. Ba năm gần đây, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển, giới phân tích thấy rằng cứ sau chu kỳ thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh là đến thị trường bất động sản “nổi sóng.”
Theo chuyên gia Renato Shordon, đơn giản là sau khi thị trường chứng khoán hoàn thành một chu kỳ tăng điểm dài, sẽ “sinh ra” một bộ phận các nhà đầu tư chứng khoán có lãi. Các nhà đầu tư này sẽ chuyển lãi sang bất động sản để bảo vệ thành quả và giảm thiểu rủi ro. Lớp nhà đầu tư này chính là lượng cầu thật của thị trường bất động sản làm cho thị trường này ấm lại.
Tranh thủ lượng cầu thật xuất hiện, các nhà đầu tư và đầu cơ bất động sản tạo sóng, nâng giá kiếm lời khiến bất động sản lên cơn “sốt.” Trong 3 năm qua, ít nhất mỗi năm thị trường bất động sản Việt Nam có từ một đến hai đợt sốt, đẩy giá bất động sản thành bong bóng giá. Rồi thời kỳ bong bóng xì hơi, giá bất động sản lại rơi trở lại mức hấp dẫn và một chu kỳ mới được chuẩn bị.
Ông Nguyễn Trọng Nhân, một nhà đầu tư bất động sản lớn tại Hà Nội cho rằng, với chính sách siết chặt tiền tệ hiện nay và việc thị trường chứng khoán cũng đã ảm đạm từ nửa cuối năm 2009 nên trong ngắn hạn chưa thể sinh ra lớp nhà đầu tư có tiền từ chứng khoán, tức chưa tạo ra nguồn cầu thật làm cho thị trường bất động sản sôi động trở lại.
Trong khi đó, các nhà đầu tư và đầu cơ đều đang lâm vào cảnh cạn vốn, nên dù thấy nguồn cung bất động sản hiện nay có giá hợp lý cũng đành bó tay. “Vì những khó khăn trên, giá bất động sản mới trở về mức hấp dẫn, người có nhu cầu thật hiện nay mới có cơ hội lựa chọn bất động sản vị trí đẹp, giá tốt,” ông Nhân nói.
Phân khúc nào sẽ hấp dẫn
Tại thị trường bất động sản Việt Nam có ba đối tượng tham gia giao dịch là nhà đầu tư (chọn thời điểm tốt để mua), nhà đầu cơ (tạo sóng kiếm lời khi có điều kiện) và người có nhu cầu sử dụng (khi vay vốn ngân hàng dễ dàng và khi có tiền). Sở dĩ thị trường bất động sản Việt Nam hay sốt cục bộ là do từ trước tới nay chỉ có hai nhóm là nhà đầu tư và đầu cơ thao túng.
Xét nguồn cung nhà ở từ các dự án đang triển khai và bối cảnh kinh tế vĩ mô còn khó khăn trong hai năm tới, chuyên gia Renato Shordon cho rằng phân khúc đất biệt thự ở các vùng ngoại ô thành phố và những mảnh đất nhỏ, lẻ trong các khu vực trung tâm thành phố sẽ là những sản phẩm có triển vọng tăng giá mạnh khi kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản hồi phục.
Về đất biệt thự, do sự phát triển cơ sở hạ tầng của hai khu vực trọng điểm là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội rất nhanh trong những năm gần đây nên giao thông đã thuận lợi nhiều. Xu hướng chọn nhà ở của lớp người có tiền đã hướng ra ngoại ô, nơi có môi trường, phong cảnh thiên nhiên thoáng đãng lại không cách quá xa trung tâm. Do đó, phân khúc đất biệt thự sẽ có thanh khoản hơn so với phân khúc nhà ở cao cấp trong trung tâm.
Thứ hai là đất xen kẽ, nhỏ lẻ trong các khu dân cư và đất nhỏ lẻ vùng ngoại thành, nhưng không quá xa trung tâm. Phân khúc này có tiềm năng nhất bởi nguồn cung nhà ở cho người thu nhập trung bình và thu nhập thấp còn thiếu hụt trong những năm tới nên nhu cầu với phân khúc này còn lớn.
Phần lớn người có nhu cầu của phân khúc này chưa đủ tiền, nhưng trong một vài năm tới, cùng với đà phục hồi của kinh tế, thu nhập của một bộ phận này sẽ được cải thiện và việc đầu tiên là họ muốn an cư lạc nghiệp.
“An cư ở những khu vực quá xa trung tâm rõ ràng là bất tiện nên xu hướng của bộ phận này là sẽ tìm các khu đất không quá xa trung tâm nhưng giá đất lại phải hợp lý. Xét nhu cầu tiêu dùng và vị trí địa lý thì các vùng đất ngoại thành chưa phát triển, có vị trí gần trung tâm thành phố sẽ là các địa chỉ đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư bất động sản hiện nay,” chuyên gia Renato Shordon nói.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+