Đã có một vài địa bàn, vài phân khúc thị trường bị giới đầu cơ đẩy giá lên tạo nên những cơn sốt ngắn, những người chạy theo đã phải gánh lấy thiệt hại nặng nề . Bởi theo giới chuyên môn, chưa đủ yếu tố để bất động sản (BĐS) có thể nóng lên...
Bất động sản chưa tới lúc để nóng sốt - Ảnh: Ngọc Thắng |
Đã có một vài địa bàn, vài phân khúc thị trường bị giới đầu cơ đẩy giá lên tạo nên những cơn sốt ngắn, những người chạy theo đã phải gánh lấy thiệt hại nặng nề . Bởi theo giới chuyên môn, chưa đủ yếu tố để bất động sản (BĐS) có thể nóng lên.
Cách đây vài ba tháng, khi giá vàng chững lại, giá chứng khoán tưởng như đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, giá USD tăng thấp trong tháng 8 và giảm nhẹ liền trong hai tháng sau đó (tháng 8 tăng 0,13%, tháng 9 giảm 0,23%, tháng 10 giảm 0,35%), thì giá BĐS ở nhiều nơi, nhất là ở Hà Nội đã nóng sốt một cách khác thường. Hiện tượng chen lấn xếp hàng mua chung cư trên giấy xuất hiện; giá đất nền tăng lên từng ngày, chỉ trong vòng một tháng đã tăng tới vài ba chục phần trăm, thậm chí có chỗ còn cao hơn và lan dần ra các tỉnh.
Vào lúc đó, người viết cứ băn khoăn, có lẽ nào cơn sốt BĐS thứ tư đã đến, và nếu thế thì đã đến sớm so với “chu kỳ” khoảng dăm năm của các cơn sốt trước? Nhưng theo dõi sự biến động thực tế từ đó đến nay, chúng tôi cho rằng, có lẽ đây là sự tiếp tục của cơn sốt thứ ba còn dở dang (bắt đầu từ cuối năm 2007, nhưng kết thúc sớm vào tháng 3.2008)- có thể gọi một cách hài hước là cơn sốt thứ ba rưỡi! Giá BĐS ở Hà Nội đã hạ nhiệt, có loại, có chỗ hạ đến vài ba chục phần trăm.
Sự hạ nhiệt như trên được lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do các chủ thể tham gia thị trường phần lớn là các nhà đầu tư, đầu cơ, còn người mua để sử dụng thì rất ít, nếu có thì chủ yếu cũng là giữa các nhà đầu tư, đầu cơ với nhau (người mua, người bán giống như vỗ tay, có ai vỗ một tay bao giờ). Hơn nữa, thông thường khi giá đã sốt cao (ở đỉnh), thì nhà đầu tư, đầu cơ bán ra nhiều hơn.
Có nguyên nhân do sự chuyển động của dòng tiền. Dòng tiền vừa qua đã chảy mạnh vào chứng khoán, sau đó đã được hút vào vàng, vào USD (giá vàng tháng 11 tăng 10,08%, đưa tốc độ tăng sau 11 tháng lên tới 49,88%; giá USD tháng 11 tăng 1,45%, đưa tốc độ tăng sau 11 tháng lên 7,28%). Nay giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới; đà tăng của giá USD đã chững lại, ở thị trường tự do có giảm chút ít, nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng tăng. Giá chứng khoán sau một thời gian gần như rơi tự do, mấy phiên gần đây tăng mạnh trở lại, với tính thanh khoản cao, nên có nhiều kỳ vọng vào tháng 12. Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng lên trong tháng 12 sẽ thu hút một lượng vốn trong dân cư, nhất là những người có số tiền không đủ lớn hoặc không thạo đầu tư vào các kênh khác.
Có nguyên nhân do giá bất động sản, nhất là ở Hà Nội đã quá cao, vượt xa so với sức mua của người có nhu cầu sử dụng thực. Có nguyên nhân do thủ tục giấy tờ, thuế và việc tính thuế ở vào lúc giao thời của sự chuyển đổi, làm cho sự mua bán chuyển nhượng bị ảnh hưởng. Có nguyên nhân do tính chu kỳ như đã nói trên.
Có lẽ lộ trình “vàng, chứng khoán, bất động sản” vẫn đúng vào lúc này; dòng tiền đang còn nhắm đến vàng, chứng khoán, phải một thời gian tương đối dài nữa sau vàng, chứng khoán lên đỉnh rồi mới đến BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên