Khởi công, quảng cáo rầm rộ nhưng nay nhiều dự án bất động sản du lịch rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều dự án không thể triển khai khi chủ đầu tư bế tắc về vốn và đầu ra.
Khởi công, quảng cáo rầm rộ nhưng nay nhiều dự án bất động sản du lịch rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều dự án không thể triển khai khi chủ đầu tư bế tắc về vốn và đầu ra.
Dự án Goldenwood Home (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến nay vẫn chưa triển khai gì - Ảnh: ĐÌNH DÂN
|
"Hiện tại với dự án này tôi buộc phải dừng triển khai để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên quyết không bỏ dự án" |
Tương tự, dọc bãi biển ở huyện Xuyên Mộc, nhiều khu đất chủ đầu tư cắm biển dựng hàng rào rồi bỏ hoang phế. Điển hình như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Hiền Nga do Công ty TNHH Hiền Nga làm chủ đầu tư, đã đăng ký triển khai dự án trên 18ha đất với tổng vốn đăng ký đầu tư 350 tỉ đồng. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần gửi công văn nhắc nhở, thậm chí cảnh báo thu hồi, nhưng chủ dự án vẫn bỏ lơ. Khi chúng tôi tìm đến trụ sở công ty này tại TP.HCM thì các nhân viên lần lữa cho biết lãnh đạo bận đi công tác...
Ông Hồ Sỹ Huy, một người dân sống gần dự án này, kể: “Mấy năm trước các chủ đầu tư từ đâu về đây gom đất, quảng cáo rầm rộ nhưng khu du lịch đâu không thấy, chỉ thấy cắm biển quảng cáo và dựng hàng rào rồi để cả khu đất hoang hóa”. Thực tế, dọc bãi biển huyện Xuyên Mộc trên con đường chỉ vài kilômet đã có hàng loạt dự án như khu du lịch Cát Vân, khu nghỉ dưỡng Tiến Thịnh, Mặt Trời Buổi Sáng... mấy năm nay chỉ cắm mốc, xây hàng rào.
Tại TP.HCM, chủ đầu tư dự án khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh) lâm vào tình cảnh khốn đốn khi dự án vẫn giậm chân tại chỗ nhiều năm nay. Với quy mô dự án 300ha được cấp phép tháng 12-1999, chủ đầu tư là Công ty liên doanh đô thị Sing Việt dự kiến xây dựng, kinh doanh một khu liên hợp du lịch thương mại và một khu liên hợp thể thao. Thế nhưng, nhận giấy đầu tư từ nhiều năm qua, chủ đầu tư vẫn không thể triển khai dự án...
Đến năm 2007, phía doanh nghiệp VN rút ra khỏi liên doanh và chỉ còn bốn công ty nước ngoài tiếp tục đầu tư vào dự án này. Từ đây, Công ty liên doanh đô thị Sing Việt chuyển thành Công ty TNHH đô thị Sing Việt và tiếp tục được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này vào tháng 3-2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay chủ dự án vẫn chưa tiến hành đền bù xong và chưa triển khai được gì.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND huyện Bình Chánh cho biết dù công tác bồi thường được thực hiện từ đầu năm 2009 nhưng đến nay chủ đầu tư mới bồi thường được 204ha/257ha đất nông nghiệp, còn đất ở đã lập hồ sơ bồi thường cho 50 hộ gia đình nhưng chỉ mới 10 hộ đồng ý nhận tiền đền bù. Hiện UBND TP đã lập đoàn thanh tra dự án này để xem xét có tiếp tục cho thực hiện dự án hay không...
Chủ đầu tư gặp khó
Ngoài những dự án “ma” chủ đầu tư lập ra ôm đất để tư lợi, nhiều dự án chủ đầu tư đổ tiền bạc, dốc tâm huyết nhưng cũng đứng trước nguy cơ đổ vỡ...
Từng quảng cáo rình rang với số vốn đăng ký hàng tỉ USD, thu hút hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài nhưng đến nay dự án Happyland (Long An) do Tập đoàn Khang Thông làm chủ đầu tư đang “tê liệt” hoàn toàn. Những ngày đầu tháng 4- 2013, phía trong hàng rào dự án này không còn bóng dáng công nhân hoạt động. Thậm chí với các khu “trái tim” của dự án như “khu VN” “khu khinh khí cầu”... cũng bỏ dở dang.
Chị Út, một trong những công nhân còn sót lại ở đây, cho biết: “Các công trình xây dựng đã dừng từ trước tết, giờ chỉ còn sót lại một vài bảo vệ và công nhân chăm sóc cây xanh. Riêng công nhân làm cây xanh như tôi đã ba tháng nay chưa nhận được đồng lương nào”. Dọc theo dự án rộng khoảng 1.000ha đã di dời toàn bộ dân cư ra khỏi đây hiện nay phần lớn khu đất cỏ dại mọc đầy, xen vào những cọc móng cắm ngang dọc dở dang... Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phan Thị Phương Thảo, chủ tịch Tập đoàn Khang Thông, xác nhận dù rất tâm huyết với dự án nhưng thời điểm này việc gặp khó khăn là không tránh khỏi.
Trước đó, bà Thảo cho biết đã thay đổi hình thức huy động vốn cho dự án nhưng dường như hiệu quả đạt rất thấp. “Tôi đặt tất cả tâm huyết cả đời mình vào dự án này, giờ dự án gặp khó khăn với tình hình khủng hoảng kinh tế, ở góc độ nhà đầu tư chúng tôi cũng quá khổ sở. Hiện tại với dự án này tôi buộc phải dừng triển khai để tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhưng kiên quyết không bỏ dự án”.
Cũng với quyết tâm không bỏ dự án, bà Huỳnh Thị Thu Hà - chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng chăm sóc người cao tuổi quốc tế Goldenwood Home - giải thích: “Lý do khiến dự án của chúng tôi chậm triển khai là việc huy động vốn cho dự án gặp trở ngại. Ngoài vấn đề ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến các nhà đầu tư chần chừ rót tiền thì vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính cũng khiến dự án bị chậm”. Theo đó, công ty bà Hà có vốn điều lệ 30 tỉ đồng nhưng dự kiến tổng số vốn cho dự án này lên tới 238 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện nay việc cấp sổ đỏ cho dự án còn vướng nên nhiều nhà đầu tư ngần ngại vấn đề pháp lý của dự án khi quyết định rót vốn.
Ông Nguyễn Văn Sơn, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Đối với những dự án ôm đất để trục lợi, để bán chác kiếm lời, tỉnh đã triển khai thu hồi và tiếp tục rà soát kiên quyết thu hồi các dự án này. Ngoài ra đối với các dự án chủ đầu tư gặp khó khăn chậm triển khai nhưng có thiện chí và cam kết triển khai thì vẫn xem xét cho gia hạn...”.
Thu hồi nhiều dự án
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đến cuối năm 2012 tỉnh này đã buộc phải thu hồi chín dự án bất động sản du lịch vì chủ đầu tư không thực hiện dự án và đang đề nghị thu hồi thêm năm dự án lĩnh vực này do chủ đầu tư chậm triển khai.
Trong đó có nhiều dự án ôm diện tích đất lớn nhiều năm nhưng không triển khai như dự án khu du lịch sân golf Hồng Nhung ôm diện tích 248ha tại huyện Xuyên Mộc, khu công viên Wonderful World 130ha...
Tại TP.HCM, hàng loạt dự án bất động sản đang bị “trảm” vì chậm triển khai. Tiên phong là các dự án tại Q.2 và Q.Bình Thạnh.
Trong buổi làm việc với UBND Q.2 về thu hồi các dự án treo, ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, cho rằng nếu chủ đầu tư nào không còn đủ năng lực thực hiện thì địa phương đề xuất thu hồi làm quỹ đất phát triển hạ tầng, bởi nếu chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện thì gia hạn thêm cũng chẳng giải quyết được gì.