Bất động sản Đà Nẵng: kịch bản Hà Nội?

Cập nhật 06/06/2011 08:10

Sau những cơn sốt đầu năm, những ngày qua, nhà đất Đà Nẵng bắt đầu giảm giá. Tình trạng này dường như lập lại kịch bản của nhà đất Hà Nội trước đó.

Sau những cơn sốt đầu năm, những ngày qua, nhà đất Đà Nẵng bắt đầu giảm giá. Tình trạng này dường như lập lại kịch bản của nhà đất Hà Nội trước đó.

Tuy nhiên do là thị trường nhỏ, nên việc “gợn sóng” của thị trường nhà đất Đà Nẵng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Tăng nhanh và giảm nhanh

Trong quí 1-2011, giá nhà đất Đà Nẵng tăng khoảng 40% so với trước đó. Nhưng sự kỳ vọng vào thị trường này không kéo dài được bao lâu khi nay giá đột ngột giảm ở nhiều khu vực. Hiện tại có nơi giảm vài trăm ngàn đồng, thậm chí 1-2 triệu đồng/m2 để thu hút khách nhưng xem ra việc xả hàng vẫn còn khó khăn khi nhiều nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi thị trường này.

Diễn biến trên của thị trường nhà đất Đà Nẵng là điều có thể đoán trước được bởi cách đây không lâu, đã có những cảnh báo cho nhà đầu tư về sự kỳ vọng đối với thị trường này.

Với nguồn tiền trúng đậm từ việc lướt sóng ở Hà Nội vào cuối năm 2010, nhiều người đã tìm nguồn hàng mới, giá còn thấp để tiếp tục lướt sóng kiếm lời. Đà Nẵng là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư vì hạ tầng giao thông tốt, nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn, sản phẩm đa dạng. Nhiều dự án đã tranh thủ chào hàng trong thời gian để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lướt sóng.

Nhưng so với Hà Nội và TP.HCM, qui mô thị trường nhà đất Đà Nẵng còn nhỏ. Chỉ một thời gian ngắn sau, với số tiền lớn rót vào, giá nhà đất bắt đầu tăng nhanh, khiến nhà đất tại đây như vượt giá trị thực. Những nhà đầu tư nhanh tay đã kịp bung hàng, thu lợi nhuận, riêng những người chần chừ chờ giá tăng thì đang phải ôm hàng.

Cảnh giác với cơn gợn sóng

Vài năm trước khi giá nhà đất TP.HCM tăng nhanh và kéo dài, đã có nhiều nhà đầu tư thu lợi nhuận rất cao khi nhanh tay mua-bán. Thế nhưng vẫn có các nhà đầu tư chậm chân đành “uống nước đục” mà đến nay có người vẫn còn ôm hàng, chưa muốn bán vì sợ lỗ. Vì là thị trường lớn, sản phẩm nhiều nên muốn đẩy giá nhà đất TP.HCM lên cần có thời gian và nguồn vốn rất lớn. Việc này khó khả thi trong thời điểm này khi ngân hàng siết chặt tín dụng còn nhà đầu tư tư nhân thì đắn đo, cân nhắc nên đầu tư vào ngành nào.

Không bằng TP.HCM nhưng thị trường nhà đất Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm nên để đẩy toàn bộ thị trường này lên cũng cần nguồn vốn rất lớn. Các đợt tăng giá vào cuối năm vừa qua chỉ diễn ra cục bộ, xuất phát từ việc đồn thổi thông tin của các nhà đầu tư để đẩy giá lên và việc tăng giá không diễn ra trên diện rộng. Có thể tạm gọi những đợt tăng giá này chỉ là những cơn “gợn sóng” của thị trường bất động sản. Muốn có lời, nhà đầu tư cần mua nhanh, bán nhanh.

Đà Nẵng vừa qua cũng lập lại như Hà Nội với những cơn gợn sóng nhỏ và “sóng” qua quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm bất ngờ, trở tay không kịp.

Liệu còn những thị trường nào tiếp tục “gợn sóng” trong thời gian tới hay không? Khó có thể đoán trước được trong thời điểm này nhưng sẽ còn những nhóm nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi tìm thị trường mới để “đánh lẻ”. Đích mà họ nhắm đến là những đô thị trung tâm của khu vực, hạ tầng tốt, thuận tiện giao thông và quy hoạch hoàn chỉnh. Và nếu có, kịch bản cũng sẽ lập lại như Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua…



Ngọc Minh - DiaOcOnline.vn