Thị trường bất động sản TP. HCM dường như vẫn im lìm sau hàng loạt thông tin ngân hàng ưu tiên cho vay đối với người vay mua nhà ở mức lãi suất khoảng 10%/năm. Trong khi các chủ đầu tư đang chuẩn bị chính sách mới để bung hàng thì người dân vẫn chỉ thăm dò và nghe ngóng.
Thị trường bất động sản TP. HCM dường như vẫn im lìm sau hàng loạt thông tin ngân hàng ưu tiên cho vay đối với người vay mua nhà ở mức lãi suất khoảng 10%/năm. Trong khi các chủ đầu tư đang chuẩn bị chính sách mới để bung hàng thì người dân vẫn chỉ thăm dò và nghe ngóng.
Người có nhu cầu bắt đầu quan tâm trở lại bất động sản |
Chị Hà - người được bạn bè mệnh danh là “không mệt mỏi trên con đường tìm kiếm nhà” - cho biết, khi nghe tin về việc hạ lãi suất, chị tiếp tục “hành trình” khảo sát những căn hộ đã bàn giao với giá khoảng 1 tỷ đồng. Chị Hà điểm danh hàng loạt chung cư đã viếng thăm như: Thái An, Âu Cơ, Hoàng Anh An Tiến, Tecco, Sơn Kỳ 2…, nhưng cho đến hiện tại vẫn là “chỉ xem cho biết”.
“Vấn đề chính không phải là giá hay lãi suất mà chúng tôi không có khả năng trả lãi hàng tháng cho ngân hàng vì thu nhập của cả gia đình đã giảm một nửa, hiện chỉ đủ chi tiêu qua ngày”. Tâm sự của chị Hà cũng là nỗi lòng của rất nhiều gia đình khi thu nhập của họ bị giảm sút. Nguyệt - nhân viên ngân hàng, than thở: “Nếu giá nhà như hiện nay và thu nhập cách đây 2 năm thì cũng nhịn ăn nhịn chơi mua nhà trả góp, nhưng bây giờ thì thu nhập chỉ đủ sống tằn tiện”.
Chị Thùy - nhân viên bán hàng Công ty TECCO cho biết: “Trong tuần qua, số người đến xem nhà tại Dự án Tecco Linh Đông, Thủ Đức tăng gấp vài lần so với tuần trước đó. Tuy nhiên, khách cũng chỉ tham quan là chính. Một số khách hàng đề xuất nộp 70% giá trị hợp đồng để được nhận nhà ngay, số còn lại chậm trả 1 năm không lãi suất. Họ giải thích là không dám vay ngân hàng vì không nhìn thấy nguồn thu tăng thêm của gia đình trong thời gian tới”. Chị Thùy cho biết thêm, Công ty đang cân nhắc đáp ứng yêu cầu này của khách hàng, vì xây nhà cao cấp, bán giá bình dân (khoảng hơn 12 triệu đồng/m2 đã bao gồm VAT) nên chẳng mơ gì đến lãi, thu được 70% lúc này còn hơn là không bán được.
Mặc dù thị trường chưa thể “ấm” ngay, người dân đang rụt rè trong việc móc hầu bao, nhưng niềm tin đã phần nào được khôi phục. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết: “Lòng tin trên thị trường đang dần được kích hoạt, tâm lý người tiêu dùng bước đầu hồi phục. Các cuộc làm việc liên tục của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cho thấy quyết tâm khơi thông thị trường bất động sản. Việc người dân chỉ mới đang thăm dò, nghe ngóng các dự án cũng là điều dễ hiểu, bởi khi nội dung Nghị quyết chuyên đề giải cứu bất động sản của Chính phủ chưa được công bố thì cơ chế, chính sách chưa có gì thay đổi”.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, trong lúc này người có nhu cầu vẫn dè dặt cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, số lượng người tìm hiểu các sản phẩm bất động sản tăng lên cũng khiến chủ đầu tư bớt bi quan hơn. Đối với người có nhu cầu thực sự, khi lãi suất về mức hợp lý thì với giá nhà đã giảm mạnh hiện nay, sớm muộn họ cũng quyết định xuống tiền. Còn với nhà đầu tư thứ cấp, việc quay lại thị trường lúc này chưa phải là lựa chọn của họ bởi có thể bị đọng vốn rất lâu.
Khác với tâm lý nghe ngóng, chờ đợi của người mua nhà, TTCK trong vài ngày qua đã ghi nhận sự trở lại của cổ phiếu một số công ty kinh doanh bất động sản, phần nào chứng tỏ niềm tin với thị trường nhà đất đã quay trở lại. “Màu xanh” đã xuất hiện ở các mã DIG (Tổng công ty DIC), DXG (Đất Xanh), HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu), HDG (Hà Đô), TDH (Nhà Thủ Đức), KBC (Kinh Bắc), KDH (Khang Điền), PTL (PetroLand), LCG (Licogi 16)… Dù còn dè dặt, nhưng chí ít, các chủ đầu tư bất động sản cũng có tín hiệu để bám víu hy vọng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán