Bất động sản chiếm ngôi á quân về nguồn vốn FDI vào VN

Cập nhật 03/10/2014 15:14

Xếp sau ngành hàng sản xuất, trong quý 3 vừa qua, bất động sản xếp thứ hai về tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, chiếm 11%, tương đương 1,2 tỷ USD.

 Xếp sau ngành hàng sản xuất, trong quý 3 vừa qua, bất động sản xếp thứ hai về tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, chiếm 11%, tương đương 1,2 tỷ USD.

Một lượng vốn đầu tư lớn đã đổ vào thị trường bất động sản miền Nam. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Smart Complex của Lotte ở Thủ Thiêm, TP.HCM (2 tỷ USD) và Amata City Long Thành của Amata tại tỉnh Đồng Nai (530 triệu USD). Ngoài ra nguồn vốn đầu tư còn đổ vào phát triển các dự án phức hợp tại các khu cảng của TP HCM như Tân Cảng Sài Gòn, cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Nhà máy đóng tàu Ba Son.

Trong quý 3 vừa qua, ngành hàng sản xuất vẫn tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư nhất trong tổng số FDI, chiếm gần 70%. Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành quốc gia có vốn đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Hãng điện tử Samsung đã đầu tư gần 8 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Lotte Mart cũng đang lên kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng trong lộ trình đến năm 2020.

Phối cảnh dự án Eco Smart City do Lottle đầu tư tại Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh.

Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội của cả nước tăng 5,62%, cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và xuất khẩu, giúp đương đầu với tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản đạt 9,85% so với đầu năm, cao hơn tăng trưởng của cả nước (5,82%) và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ước tính trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 4,50% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 50% chỉ tiêu của năm mặc cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm lãi suất cho vay (từ 20% năm 2011 xuống 13% hiện tại).

ANZ – Roy Morgan trong một cuộc khảo sát lòng tin người tiêu dùng đã cho thấy một mối tương quan thuận giữa lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam với xu hướng của thị trường chứng khoán (VNIndex). Cả hai chỉ số này đều có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt từ tháng 1. Gần 60% những người tham gia khảo sát kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam cũng như tình hình tài chính của gia đình tốt hơn trong năm sau. Sự phục hồi của niềm tin tiêu dùng phần nào củng cố cho kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong ba tháng cuối năm nay. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư vào ngành hàng sản xuất tăng cũng hỗ trợ nền kinh tế.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới