Bất động sản: Băng tan nhưng nắng ấm có sớm về?

Cập nhật 28/01/2015 08:25

Sau một năm nhìn lại, có thể nói, năm 2014 là năm của nhà ở bình dân. Phân khúc nhà ở dưới 1 tỷ đồng đã khuấy đảo thị trường và cứu sống nhiều dự án "chết".

Sau một năm nhìn lại, có thể nói, năm 2014 là năm của nhà ở bình dân. Phân khúc nhà ở dưới 1 tỷ đồng đã khuấy đảo thị trường và cứu sống nhiều dự án "chết".

Phân khúc căn hộ giá rẻ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường bất động sản năm qua - Ảnh: Lê Toàn

Tuy nhiên, dự báo trong năm 2015, thị trường bất động sản sẽ bước vào cuộc đua tranh mới, quyết liệt hơn và nguy cơ đào thải cũng cao hơn.

Căn hộ giá rẻ "châm lửa" sưởi ấm thị trường

Từ đầu năm đến nay, rất nhiều doanh nghiệp đua nhau chào hàng căn hộ dưới 1 tỷ đồng. "Châm ngòi" cho dòng căn hộ dưới 1 tỷ đồng trong khoảng 1 năm trở lại đây chính là sự kiện CTCP Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh chào bán Dự án căn hộ 8X Đầm Sen ở quận Tân Phú (TP. HCM). Mức giá mà chủ đầu tư đưa ra đối với dự án này chỉ 13,35 triệu đồng/m2, tương đương 600 triệu đồng/căn. Ngay sau khi dự án được mở bán đã tạo nên “cơn sốt” căn hộ giá thấp trên thị trường bất động sản, vốn còn rất ảm đạm và chỉ trong thời gian chưa đầy 2 tuần đã tiêu thụ sạch dòng căn hộ này.

Tại thị trường TP. HCM, có không ít doanh nghiệp bất động sản rất thành công đối với phân khúc căn hộ giá rẻ. Đơn cử như Công ty Nam Long với chuỗi căn hộ Ehome. Cách đây hơn 1 năm, Nam Long bất ngờ tung ra dòng căn hộ Ehome 3 với giá trung bình khoảng 800 triệu đồng/căn, ngay lập tức, thu hút rất đông khách hàng trẻ tuổi, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ. Nhận thấy đây là cơ hội không thể bỏ qua, Tập đoàn Đất Xanh, vốn có thế mạnh về đất nền cũng “nhảy” sang đầu tư căn hộ giá thấp, như Dự án Sunview Town, có giá khoảng 700 triệu đồng/căn.

Trong năm 2014, thị trường bất động sản cũng chứng kiến sự "hồi sinh" của những dự án "chết". Nhiều dự án tưởng như không thể phục hồi, đã đứng dậy một cách ngoạn mục và tạo luồng sinh khí mới cho sự trở lại của phân khúc căn hộ. Trong số này, có thể kể đến Dự án chung cư Lilama SHB (Tân Phú) do CTCP Đầu tư xây dựng Lilama SHB làm chủ đầu tư. Trước đó, sau khi xây dựng xong phần thô, dự án đã "đắp chiếu" suốt gần 4 năm. Mới đây, Thanh Yến Land đã khởi động lại dự án với tên gọi mới là Sài Gòn Town và đạt được tỷ lệ hấp thụ khá tốt.

Còn Dự án Moon Garden trên đường Nguyễn Khoái (quận 4) do CTCP Địa ốc Việt (Vietcomreal) làm chủ đầu tư. Trong suốt 5 năm qua, dự án này bị "trùm mền" vừa được Tập đoàn Novaland mua lại vào đầu tư 2014 và đổi tên thành Galaxy 9. Một dự án khác cũng được Novaland "cải tử hoàn sinh" là Chung cư 56 đường Bến Vân Đồn (quận 4). Dự án này do Công ty Xuất nhập khẩu Khánh Hội làm chủ đầu tư, sau khi giao về cho Novaland đã được đổi tên thành Icon 56.

Quyết định mua lại những "xác chết" này là một chiến lược rất khôn ngoan của các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực, bởi để xin giấy phép một dự án phải mất ít nhất 3 năm, trong khi thị trường bất động sản luôn chuyển biến không ngừng. Do đó, việc mua lại các dự án dở dang đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, thủ tục, cũng như chi phí đầu vào, từ đó có thể kéo giảm giá bán căn hộ.

Mới đây, đơn vị phân phối Dự án Hưng Ngân Garden (quận 12) là Công ty Hoàng Anh Sài Gòn phấn khởi cho biết, trong 7 tháng qua đã bán sạch trên 600 căn hộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Anh Sài Gòn cho biết, doanh số bán hàng trong năm 2014 của đơn vị đã chạm mốc 1.000 căn hộ, riêng quý VI/2014 đã bán khoảng 400 căn. Kế hoạch trong năm 2015, Hoàng Anh Sài Gòn phấn đấu doanh số bán hàng chạm mốc 2.000 căn hộ, tăng gấp đôi so với năm 2014.

Có thể thấy, trong năm 2014, thị trường căn hộ bình dân, giá dưới 1 tỷ đồng đã "châm lửa" sưởi ấm thị trường sau nhiều năm đóng băng. Thực tế, phân khúc này đã dẫn đầu về nguồn cung, cũng như lượng tiêu thụ trong năm qua. Thống kê cho thấy, có tới 70% nguồn cung mới đến từ các dự án trung cấp và bình dân. Chỉ riêng trong quý III/2014, có tới 63% giao dịch thực hiện thành công đến từ phân khúc bình dân. Điều này chứng tỏ, nhu cầu của thị trường đang nghiêng về loại hình căn hộ giá rẻ, diện tích phù hợp và đáp ứng đúng nhu cầu ở thực.

Cuộc đua tranh quyết liệt

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House) cho rằng, tính cạnh tranh của phân khúc căn hộ bình dân sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn do nhiều doanh nghiệp lựa chọn phân khúc này làm dòng sản phẩm chiến lược. Thậm chí, không ít doanh nghiệp trước đây chủ yếu đầu tư vào loại hình căn hộ trung cấp cũng đã điều chỉnh qua phân khúc bình dân.

Năm 2014 được xem là năm bùng nổ căn hộ giá rẻ. Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, phân khúc này vẫn tiếp tục là dòng sản phẩm chủ đạo và có vai trò dẫn dắt thị trường. Tuy nhiên, cái khó của thị trường bất động sản nhà ở hiện nay là thiếu vắng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của gói 30.000 tỷ đồng. Đó là dòng căn hộ diện tích nhỏ, có giá bán phù hợp. Trong khi đó, thị trường lại đang dư thừa căn hộ diện tích lớn, giá bán cao, không phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng.

Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp có chủ trương thay đổi cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ nhỏ nhưng gặp không ít rào cản về thủ tục. "Đây là một trong những vướng mắc cần tháo gỡ", lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại TP. HCM kiến nghị.

Dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2015, TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục được phục hồi và sẽ tốt lên trong trung - dài hạn. Có thể từ quý II hoặc quý III/2015, nhờ một số nguồn vốn được khơi thông, đặc biệt là nguồn kiều hối và dưới tác động của luật mới về sở hữu nhà của người nước ngoài, thị trường bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản không nên chủ quan, không nên chạy theo số đông, bởi kịch bản sáng sủa tuy có thể xảy ra, nhưng còn đòi hỏi phải hội tụ nhiều điều kiện khác nhau.

Cũng có nhận định cho rằng, trong thời gian tới chỉ những dự án hoàn thành hoặc có tiến độ đảm bảo mới có giao dịch, đồng thời chỉ một số ít doanh nghiệp chủ đạo, có thương hiệu, uy tín mới "sống" được và tồn tại trong bối cảnh thị trường vẫn còn phục hồi yếu ớt.

Bên cạnh đó, còn nhiều lo ngại cho rằng, nợ xấu còn là rào cản đối với doanh nghiệp bất động sản và chỉ doanh nghiệp nào chủ động về nguồn vốn, giảm lệ thuộc vào ngân hàng mới có thể trụ vững. Một số chuyên gia còn cảnh báo, hiện nay đang có dấu hiệu cho thấy khả năng xuất hiện các thế lực tài chính thôn tính các dự án bất động sản béo bở tạo thế áp đảo và không loại trừ khả năng các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị đánh bật khỏi thị trường.

Rõ ràng, thị trường bất động sản trong tương lai sẽ phải đối mặt với "cuộc chơi" gay cấn hơn, quyết liệt hơn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải "biết mình là ai", có chiến lược phù hợp với năng lực và hướng đi riêng. Đối với chính sách, cần phải đơn giản thủ tục chuyển đổi dự án, ban hành cơ chế thế chấp thứ cấp, cho phép chậm nộp tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, phải minh bạch thị trường thông qua việc công khai các chỉ số, quá trình mua bán, hợp tác của các doanh nghiệp để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản