Bất động sản Bắc – Nam diễn biến trái chiều

Cập nhật 13/09/2011 09:15

Sự chênh lệch cung cầu, nguồn tiền… là một trong những điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt giữa thị trường bất động sản hai miền Nam – Bắc.

Sự chênh lệch cung cầu, nguồn tiền… là một trong những điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt giữa thị trường bất động sản hai miền Nam – Bắc.

Theo đánh giá của các chuyên gia địa ốc, thị trường BĐS hai miền Nam – Bắc luôn có những điểm khác biệt tương đối rõ nét.

Cung - cầu trái chiều

Thị trường bất động sản miền Bắc vài năm gần đây liên tục xảy ra các cơn sốt nóng do ăn theo quy hoạch chung Hà Nội, giá đất các khu vực quanh Hà Nội tăng mạnh trong khi tại miền Nam thị trường trầm lắng từ nhiều năm nay.

Nguyên nhân chính là do tại miền Nam lượng cung hàng quá lớn trong khi nguồn cầu có khả năng chi trả lại khá hạn chế. Chính vì vậy, giá căn hộ, nhà đất miền Nam liên tục giảm khá rẻ mà không có khách mua.

Khảo sát cho thấy, giá đất một số quận ven TPHCM khá hấp dẫn khoảng hơn 10 triệu đồng/m2, căn hộ có giá trung bình khoảng 14-20 triệu đồng/m2. Trong khi giá đất miền Bắc được tính hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/m2, còn chung cư thấp nhất khoảng trên 20 triệu đồng/m2, cao nhất khoảng 50-55 triệu đồng/m2. Thậm chí, còn nhiều chung cư cao cấp có mức vài chục tỷ đồng/căn.

Điều đáng nói, các chủ đầu tư dự án tại miền Nam khá chuyên nghiệp trong khi xây dựng phương án kinh doanh. Đặc biệt, các dự án trong Nam tiến độ chuẩn, thông tin công khai minh bạch, thường xuyên áp dụng các phương thức khuyến mại, giảm giá. Tại miền Bắc có lẽ do khan hiếm nguồn cung nên chủ đầu tư thường thích bán hàng theo cách rỉ tai. Thông tin rất hiếm khi được chủ đầu tư cung cấp một cách minh bạch, dẫn đến hệ quả sự "lên xuống" của thị trường chủ yếu dựa vào tin đồn, dễ gây tâm lý "sốt ảo".

Về nguồn cầu của thị trường, theo giáo sư Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS Hà Nội khác hẳn thị trường BĐS TPHCM. Thị trường BĐS Hà Nội không phải chỉ dành cho các cư dân sống ở thủ đô mà cho cả nước. Những người có khả năng kinh tế ở khắp nơi đều muốn có ít nhất một chỗ ở tại Hà Nội để cho con cái về đây học tập và gia đình đi lại thường xuyên để tận hưởng những dịch vụ công cộng có chất lượng cao như ở đây. Như vậy, nguồn cung miền Bắc khó có thể đáp ứng được cầu trong thời gian mươi năm tới.

Bởi vậy, mặc dù trong hoàn cảnh thị trường “khát” vốn, BĐS Hà Nội vẫn có sức thu hút nhiều nhà đầu tư. Điều này được chứng minh từ việc luồng vốn góp từ phương thức “mua bán nhà trên giấy” luôn được duy trì như một giải pháp chủ yếu cho thị trường BĐS thủ đô.

Khác biệt dòng tiền

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, bất động sản miền Bắc là một thị trường tiềm năng dành cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đến từ khu vực phía Nam.

Theo thống kê ngân hàng, dư nợ tín dụng bất động sản 6 tháng đầu năm tại TPHCM là 37% trong khi tại miền Bắc con số này khoảng 7-8%. Điều này cho thấy, người dân miền Nam đi mua nhà hoặc đầu tư bất động sản phần lớn đều nhờ đến sự hỗ trợ của ngân hàng. Còn tại miền Bắc, các nhà đầu tư, người mua nhà phần lớn đều là tiền tiết kiệm.

Chính vì vậy, khi lãi suất tăng cao thị trường bất động sản tại TPHCM sẽ tiếp tục tê liệt trong khi miền Bắc túc tắc vẫn giao dịch thành công thậm chí giá bất động sản vẫn liên tục tăng đều sau mỗi đợt sóng ngắn.

Đại diện Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết, tâm lý mua bán bất động sản của người miền Bắc và miền Nam rất khác biệt, người dân miền Bắc luôn thói quen tích trữ tài sản bằng đất vì vậy người người, nhà nhà mua nhà, đất để đầu tư, tích trữ là của cải cho con cái. Còn, người dân miền Nam ngược lại.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia