Bất động sản 2015 hứa hẹn nhiều cuộc đua mới

Cập nhật 02/01/2015 07:46

Càng về những tháng cuối năm 2014 cho thấy thị trường bất động sản phục hồi rất tích cực, không còn là dấu hiệu nữa mà đã có những biểu hiện rất rõ ràng.

Càng về những tháng cuối năm 2014 cho thấy thị trường bất động sản phục hồi rất tích cực, không còn là dấu hiệu nữa mà đã có những biểu hiện rất rõ ràng.

Điều này thể hiện qua việc giao dịch tăng, giá nhích dần và dòng tiền đang hướng mạnh vào thị trường. Nhiều chuyên gia dự đoán, năm 2015, thị trường hứa hẹn nhiều “điểm sáng”...

Giá nhích mạnh ở những dự án có hạ tầng tốt

Theo ghi nhận của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), những tháng gần đây, lượng giao dịch căn hộ cao cấp, trung cấp tăng trưởng mạnh, giao dịch thành công chủ yếu tại những dự án đã hoặc sắp hoàn thành, gần trung tâm. Khách hàng phần lớn là những người có nhu cầu thực mua để ở và cho thuê (như dự án Madarin Garden, StarCity Lê Văn Lương, Trung Yên Plaza, Thăng Long Number One...). Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm của chủ đầu tư đã đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2014, số lượng giao dịch bất động sản (BĐS) thành công tại Hà Nội xấp xỉ 10.000 giao dịch, tăng 200% so với 11 tháng của năm 2013. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi đây chỉ là thống kê lượng giao dịch qua sàn, chưa kể tới số người dân tự giao dịch. Tương tự như vậy, tại “đầu tàu” TP. Hồ Chí Minh, số giao dịch trong 11 tháng là 8.850 giao dịch, tăng 135% so với với năm 2013. Bên cạnh đó, dòng tiền đang hướng mạnh hơn vào BĐS. Cho đến hết quý III/2014, dư nợ tín dụng đạt 293.000 tỷ đồng, vượt thời điểm cao nhất trước đây. Tăng trưởng tín dụng BĐS gần 12%, gấp đôi so với tăng trưởng trung bình. Điều này cho thấy thị trường đang thực sự rất khả quan. Đặc biệt, sự gia tăng trong nguồn cung căn hộ, nhất là phân khúc giá tầm trung đang có sức hút mạnh. Nhu cầu đầu tư và đầu cơ quay trở lại bên cạnh nhu cầu sử dụng cuối cùng. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm 39,47% so với quý I/2013. Lượng tồn kho giảm chủ yếu tại các dự án căn hộ có diện tích nhỏ, giá bán trung bình; các dự án đã hoàn thành và những khu vực có hạ tầng tốt. Tại thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án mới bán ở vị trí thuận tiện giao thông, môi trường sống tốt và được các ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi đã được khách hàng đặt cọc mua hết số lượng căn hộ ngay sau khi mở bán (Dự án Scenic Valley - quận 7, Lucky Palace - quận 6…).

Thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc toàn diện trong năm 2015

Các dự án mới khởi công đã có sự điều chỉnh về cơ cấu căn hộ, tăng số lượng căn hộ có diện tích nhỏ (dưới 70m2), giảm các căn hộ có diện tích lớn. Giá nhà ở tương đối ổn định. Tại một số dự án đang chuẩn bị hoàn thành, các căn hộ diện tích nhỏ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng hoàn chỉnh, giá chào bán tăng nhẹ, các dự án xa trung tâm giá không tăng. Giá nhà ở cũng đã dần ổn định, phân khúc chung cư cũng như đất nền không còn hiện tượng giảm giá như cuối năm 2013.

Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản tăng

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng: Thời điểm này, thị trường đã có những dấu hiệu chứng tỏ sự phục hồi sau thời gian khủng hoảng khi các giao dịch mua - bán đã bắt đầu sôi động hơn. Chúng ta thấy có nhiều cơ hội tốt cho thị trường BĐS phục hồi như nước ta đã kiềm chế lạm phát, hồi phục tốc độ phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, với việc chú trọng vào những biện pháp, giải pháp chính sách, nhất là Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS vừa được Quốc hội thông qua, rồi mở rộng cửa cho người nước ngoài mua nhà.v.v... Do đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng đó là những cú hích có tác động tích cực nhất, tạo tâm lý yên tâm đầu tư trong xã hội nói chung và tạo động lực cho phát triển thị trường BĐS nói riêng.

Còn theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến cuối quý III/2014, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản có 27 dự án đầu tư đăng ký mới và tổng vốn cấp mới, tăng thêm; đạt 1,2 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013, đứng thứ hai trong số các ngành, lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số vốn này bằng 11% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả nước. Một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Smart Complex của Lotte ở Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh (2 tỷ USD); Amata City Long Thành của Amata tại tỉnh Đồng Nai (530 triệu USD). Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư còn đổ vào phát triển các dự án phức hợp tại các khu cảng của TP. Hồ Chí Minh như Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Khánh Hội Nhà Rồng và Nhà máy Đóng tàu Ba Son. Trao đổi với báo chí, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được chính sách thu hút tốt, nguồn vốn FDI vào BĐS sẽ tăng cao, bởi tiềm năng của thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn. Do đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào BĐS sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Nhiều chính sách mới hỗ trợ thanh khoản

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, những đổi mới trong Luật Kinh doanh BĐS 2014 sẽ có những tác động tích cực lên thị trường: Thứ nhất, là việc quy định đối với dự án BĐS để kinh doanh phải đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, theo kế hoạch đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Điều này, sẽ khắc phục được tình trạng đầu tư tự phát, tràn lan lâu nay. Cùng với đó là những quy định về việc đăng ký kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân phải minh bạch sẽ đảm bảo tăng tính chuyên nghiệp, giảm chi phí “bôi trơn” trong hoạt động kinh doanh BĐS. Ông cũng cho rằng, những quy định khắt khe trong việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông qua sàn giao dịch BĐS đã được bãi bỏ sẽ giúp môi trường kinh doanh BĐS mang tính minh bạch hơn, thị trường hơn và đồng thời, hoạt động môi giới, sàn giao dịch BĐS cũng sẽ chuyên nghiệp hơn. Từ thực tế trên, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định: Thị trường BĐS Việt Nam đã qua đáy và bắt đầu đi lên. Cùng với Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, năm 2015, thị trường sẽ ấm hơn và giao dịch nhiều hơn kể cả phân khúc nhà giá thấp, giá trung bình và giá cao.

Đánh giá về sự tác động của Luật Kinh doanh BĐS đối với thị trường trong năm 2015, ông Võ Nhật Thăng, Tổng Giám đốc Vietracimex, chủ đầu tư của hàng loạt dự án BĐS đình đám tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết: Chắc chắn 90% thị trường mua bán nhà sẽ khởi sắc hơn trong năm 2015. Giá căn hộ sẽ tăng, lượng giao dịch được cải thiện mạnh và rơi vào phân khúc nhà tầm trung và cao cấp có vị trí đắc địa. Song hành cùng những tác động mạnh mẽ của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm 2015 sẽ góp phần tạo sức nóng, đánh tan tảng băng BĐS bằng đà phục hồi bền vững. Có thể, thị trường BĐS sẽ là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm 2015, ông Thăng khẳng định.

Ở cương vị quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Trong những năm tới, với tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cùng với việc các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) sẽ có tác động rất tích cực đến thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng. Với tác động của hai luật này, thị trường BĐS sẽ tiếp tục tăng trưởng, lượng giao dịch ổn định, giá cả biến động không nhiều, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Quyền lợi của người mua sẽ được bảo đảm hơn và các giao dịch trên thị trường sẽ được công khai, minh bạch hơn, các tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng với chủ đầu tư dự án sẽ được giảm thiểu.

Cùng với đà phát triển như trên, thị trường BĐS năm 2015 sẽ tiếp tục có những chuyển biến tích cực, những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tốt chắc chắn tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, với những dự án xa trung tâm, không có hạ tầng là rủi ro mà doanh nghiệp phải tiếp tục khắc phục vì đã chọn sai vị trí ngay từ đầu, ông Nam cảnh báo.

DiaOcOnline.vn - Theo Công lý