Theo kế hoạch, đến hết tháng 9-2014, toàn bộ cư dân nhà C8 Giảng Võ (nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D bắt buộc di dời) phải chuyển đến khu tái định cư (TĐC) tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hộ dân nào chịu dời đi. Lý do: chất lượng chung cư tái định cư quá tệ. Điều đáng lo ngại, tình cảnh này đang phổ biến tại nhiều khu TĐC khác.
Theo kế hoạch, đến hết tháng 9-2014, toàn bộ cư dân nhà C8 Giảng Võ (nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D bắt buộc di dời) phải chuyển đến khu tái định cư (TĐC) tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa hộ dân nào chịu dời đi. Lý do: chất lượng chung cư tái định cư quá tệ. Điều đáng lo ngại, tình cảnh này đang phổ biến tại nhiều khu TĐC khác.
Không hơn gì chung cư cũ
Nằm trong khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp với những tòa nhà khang trang, N06 - chốn an cư dự kiến của cư dân nhà C8 Giảng Võ - trông nhếch nhác, xuống cấp không kém gì chung cư cũ của Hà Nội. Bậc thềm, hành lang nhem nhuốc, bong tróc, lồi lõm, chân đế tòa nhà đã bị lún sụt nhiều điểm. Tương xứng với cảnh tượng nhếch nhác bên ngoài, tiện nghi bên trong tòa nhà này cũng thảm hại không kém.
Khu nhà có 8 tầng, được bố trí 2 thang máy nhưng cả 2 chiếc đều trong tình trạng đang hoạt động có thể đột ngột dừng hoặc trôi tự do. Qua nhiều lần sự cố, một chiếc đã được hộ dân ở đây dán thông báo khuyến cáo không nên dùng, chiếc còn lại vẫn hoạt động nhưng đa số người dân chọn giải pháp leo thang bộ để đảm bảo an toàn.
Chưa hết, theo các hộ dân, họ đang ở tình cảnh bị đem con bỏ chợ khi phải tự xoay sở hết mọi việc, tự quản tòa nhà, không biết mình thuộc tổ dân phố nào, cụm dân cư nào, không trường, không chợ, không phòng sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt nước sinh hoạt cư dân N06 phải mua với giá 8.800 đồng/m3 của tòa nhà đối diện do Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị quản lý, không ký hợp đồng với đơn vị cung cấp nước...
Cư dân của tòa nhà này cho biết họ đã kêu ròng rã suốt nhiều năm qua về tình trạng bệ rạc của chung cư này nhưng gần như không ai quan tâm. Theo ông Nguyễn Hữu Bình, P216, chung cư này là điển hình của việc vô tổ chức. “Người dân chấp nhận rời trung tâm phố để nhường đất lại cho dự án. Nếu không thể đáp ứng được 10 phần cũng phải được 7-8 phần, nhưng tình trạng ở chung cư này tệ ngoài sức tưởng tượng” - ông Bình nói.
Tương tự các hộ dân ở C8 Giảng Võ, cư dân khu nhà P16A Thụy Khuê cũng từ chối không chấp nhận tạm cư, TĐC ở khu TĐC X2 phường Phú Thượng theo kế hoạch. Theo chị Nguyễn Thu Thủy ở căn hộ tầng 2 tòa chung cư này, TĐC cho người dân đang ở vị trí trung tâm, mặt đường lớn lên một nơi xa xôi, hạ tầng yếu, chất lượng thấp là không thể chấp nhận được.
“Chính quyền TP có tính đến sự xáo trộn cuộc sống của người dân khi TĐC, như thay đổi môi trường sống, đi làm xa thêm cả chục km, con cái phải chuyển trường nếu không muốn đi học xa… Chúng tôi đã thấy trước được tình cảnh của mình trong nhiều khu TĐC khác trên địa bàn Hà Nội” - chị Thủy giải thích việc không nhận nhà TĐC.
Xóa nhà TĐC?
Nhà TĐC ở Hà Nội đã nổi danh cách đây hàng chục năm, với tình trạng “3 không 4 nát”. Tuy nhiên, không phải khu TĐC nào cũng chịu tình cảnh hẩm hiu này. Vẫn có nhiều khu TĐC người dân vui vẻ nhận nhà, CT14 A1-CT14 A2 Ciputra là thí dụ điển hình.
Việc TP Hà Nội sử dụng những chung cư có chất lượng cao nằm ngay khuôn viên khu đô thị Ciputra (Tây Hồ) để TĐC cho người dân dành đất cho dự án cầu Nhật Tân đã khiến cư dân ở đây cảm thấy đỡ thiệt thòi và đều vui vẻ nhận nhà. Mặc dù vẫn còn những vấn đề cố hữu về quản lý, vận hành, nhưng nếu so với thực trạng những khu chung cư như Nam Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Pháp Vân - Tứ Hiệp… đây rõ ràng là một đẳng cấp khác.
Từ thời điểm 2 tòa nhà trên trong khu đô thị cao cấp Ciputra được dành cho TĐC, mô hình này đã được khuyến khích để nhân rộng. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có thêm khu TĐC chất lượng cao tương tự nào đi vào thực tế. Điều này cho thấy việc TĐC không phải không có lối thoát, bế tắc như TP Hà Nội nhiều lần khẳng định, vấn đề là tư duy TĐC chưa thay đổi.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nên xóa sổ khái niệm nhà TĐC. “Vận động người dân dời đi để nhường đất cho dự án, nhưng lại đưa người ta đến nơi cách chỗ ở cũ 14-15km rồi thả họ ở đó, không quản lý, không hạ tầng, nhà ở xuống cấp, xập xệ, như vậy liệu có ổn”- ông Hùng nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, TP Hà Nội đã dần mở ra những cơ chế thoáng hơn cho việc TĐC, như sẵn sàng chấp nhận nếu chủ đầu tư mua lại toàn bộ dự án và tự đứng ra thỏa thuận đền bù với cư dân; cho phép người dân nhận tiền thay vì nhận nhà… Tuy nhiên, những cách thức trên vẫn là thiểu số, đại đa số người dân vẫn yêu cầu cần phải có nhà thay thế và TĐC, tạm cư ở nội đô.
Nền đã bong tróc, sụt lún nhiều điểm ở tòa nhà N06, người dân phải dán biển cảnh báo lên thang máy tòa nhà. Ảnh: H.Trâm
|