Bắt "bệnh" nền kinh tế

Cập nhật 26/08/2011 16:10

Khả năng dự báo lạm phát kém, vay nợ mới trả nợ cũ, thâm hụt ngân sách tăng mạnh so với GPD, đình đốn sản xuất… là những vấn đề khiến kinh tế vĩ mô bất ổn. Nếu không sớm tái cấu trúc nền kinh tế, lạm phát sẽ “bứt phá” vào cuối năm.

Khả năng dự báo lạm phát kém, vay nợ mới trả nợ cũ, thâm hụt ngân sách tăng mạnh so với GPD, đình đốn sản xuất… là những vấn đề khiến kinh tế vĩ mô bất ổn. Nếu không sớm tái cấu trúc nền kinh tế, lạm phát sẽ “bứt phá” vào cuối năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Tái cấu trúc nền kinh tế, bắt đầu từ đâu” do Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì ngày 25.8, tại TP.HCM, đã báo động về thực trạng bội chi ngân sách và những nỗi lo lớn của kinh tế vĩ mô.

Bất ổn theo chu kỳ tái diễn

Theo PSG. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nền kinh tế đang trong tình trạng báo động, bế tắc và lộ suy thoái. Theo ông Thiên, Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn, nền kinh tế luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, nhưng càng phát triển càng bị mất cân đối và lạm phát tăng cao, bất ổn vĩ mô kéo dài. Trong vòng 5 năm, từ 2006 - 2010, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Điều này cho thấy nền kinh tế hiện đang “bệnh” rất nặng.

Để đối phó với những bất ổn, hàng năm chính phủ ban hành nhiều chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu mang tính ngắn hạn, tình thế, nặng hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản. “Trong ngắn hạn nền kinh tế tạm ổn định, đạt được một số mục tiêu cam kết chính hàng năm nhưng lại phải trả giá bằng hao tổn nguồn lực quốc gia rất lớn, rồi sau đó lại bước vào một chu kỳ ngắn hạn mới: tiếp tục đương đầu với bất ổn và lạm phát gay gắt hơn. Sự tái diễn hàng năm một chu kỳ như vậy chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu ướng suy thoái rất đáng lo ngại”, ông Thiên cảnh báo.

Lạm phát cuối năm sẽ bứt phá mạnh nếu không nhanh chóng cân đối vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh: Như Ý.

TS. Phạm Đỗ Chí, nguyên chuyên gia kinh tế và đầu tư cao cấp của IMF, dẫn chứng trong 4 năm qua, chính sách đã thay đổi 1800 và có tính… giật cục. Nếu năm 2007 kích thích tăng trưởng bằng cách đầu tư công cao và mở rộng tín dụng, thì năm 2008 Chính phủ ban hành những chính sách kiểm soát lạm phát, đến năm 2009 lại nới lỏng để đối phó với suy thoái và năm 2010 chuyển sang ổn định kinh tế, năm nay lại siết để kiểm soát lạm phát. “Kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế không thể hiệu quả trong một môi trường như vậy”, TS. Chí nhận định.

Vòng xoáy nợ nần

TS. Vũ Đình Ánh, Học viện tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, thời gian qua, dự báo lạm phát là một thảm họa, không theo sát thực tế. Thâm hụt ngân sách triền miên và đáng lo ngại. Ông Ánh lo lắng đưa ra con số vay bù đắp thâm hụt ngân sách và trả nợ gốc từ năm 2006 - 2010. Theo chuẩn quốc tế, bội chi ngân sách của Việt Nam đã tăng vọt lên 10.000 tỷ đồng năm 2006 lên hơn gấp đôi trong năm 2007 và hơn 8 lần vào năm 2008. Đáng lo là để bù đắp bội chi, Việt Nam phải vay trong nước và nước ngoài. Và do số nợ vay không sử dụng vào mục đích sinh lời nên toàn bộ chi trả nợ gốc đều trông vào phát hành nợ mới. Vì thế, năm 2009 vay nợ trong nước vượt dự toán 24,15%, vay nước ngoài vượt tới 71,1%. Và năm 2010, vay trong nước giảm gần 17% dự toán nhưng lại vay nợ nước ngoài tăng tới 47,6% để bù lại. Như vậy, tính chung giai đoạn 2006 – 2010, tổng nợ phát hành của Việt Nam tương đương 409,857 tỷ VND, tương đương 21% GDP.

Cùng chung mối lo này, nhiều diễn giả cho biết, nếu so với GDP của Việt Nam, nợ công và nợ nước ngoài tăng cao bất thường. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính vào tháng 7.2011, tổng nợ công của Việt Nam là 1.122.000 tỷ đồng, tương đương 56,7% GDP và năm 2011 tổng nợ công sẽ khoảng 58,7% GDP. Dự kiến nợ nước ngoài của quốc gia sẽ ở mức 44,5% GDP năm 2011. “So với Mỹ, Nhật thì nợ công của chúng ta chưa đáng lo, nhưng nhìn vào vốn để trả nợ thì thực tế, chúng ta chỉ vay nợ mới để trả nợ cũ nên đang rơi vào vòng xoáy nợ nần”, ông Ánh nhận định.

Cấp tốc cân đối vĩ mô


Khả năng dự báo kém và một số vấn đề khủng hoảng niềm tin khiến ông Phạm Đỗ Chí, tính toán lạm phát cuối năm 2011, nếu “kỷ luật tốt” cũng nằm trong mức 19,5 - 20%/năm. Nếu không, dự báo lạm phát năm 2011 có khả năng từ 23 - 25%.

Theo ông Chí, trong ngắn hạn, lộ trình chính sách phải có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để đối phó với đình đốn sản xuất. Phải có quyết định rạch ròi, cương quyết về chính sách tài khóa thắt chặt để đỡ vai cho chính sách tiền tệ trong giảm tổng cầu, giảm chi tiêu ngân sách, nhất là đầu tư công. Đối với chính sách tiền tệ, trong 5 tháng cuối năm 2011, NHNN nên dựa nhiều vào chính sách thị trường mở, huy động thêm dự trữ bắt buộc, nhất là tín dụng ngoại tệ, hướng đến giảm lãi suất mạnh hơn trong thị trường tiền tệ, bỏ trần lãi suất huy động 14%/năm, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4%.

Còn ông Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch Hội khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng tái cấu trúc tức là dân làm kinh doanh, nhà nước tạo điều kiện cho phát triển. Tái cấu trúc phải thực hiện toàn diện, hướng đến chất lượng, toàn cầu chứ không phải của riêng ai.

“Sự bất ổn của nền kinh tế thể hiện rõ qua lát cắt của nền kinh tế. Cả nước có 18 khu kinh tế ven biển, gần 30 khu kinh tế cửa khẩu, 260 khu công nghiệp và khoảng 650 cụm công nghiệp nhưng tổ chức li ti, dàn trải, lãng phí nguồn lực. Tình trạng “chia cắt” một nền kinh tế thị trường thành 64 “nền” kinh tế - một nền kinh tế “trung ương” và 63 nền kinh tế “địa phương”- ngày càng rõ nét. Và mâu thuẫn xảy ra là càng phát triển thì nền kinh tế càng bị chia cắt, “cạnh tranh ngược” giữa các địa phương, ít hướng tới sự phân công và kết nối để phát huy thế mạnh mà cùng xuống đáy”, TS Trần Đình Thiên.



DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt