Lo lắng trước những dự định dồn dập của nhiều doanh nghiệp đồng loạt muốn xây tòa nhà văn phòng, cao ốc, khách sạn trên đất công viên - lãnh đạo nhiều hội, hiệp hội, tổng hội, bộ, ngành và một số tổ chức quốc tế vừa cùng lên tiếng.
Lo lắng trước những dự định dồn dập của nhiều doanh nghiệp đồng loạt muốn xây tòa nhà văn phòng, cao ốc, khách sạn trên đất công viên - lãnh đạo nhiều hội, hiệp hội, tổng hội, bộ, ngành và một số tổ chức quốc tế vừa cùng lên tiếng.
Diễn đàn để các "cây đa cây đề" đến từ Bộ XD, Tổng hội XD, Hội Qui hoạch phát triển đô thị VN & HN, Hiệp hội Công viên cây xanh, Quỹ Ford, Tổ chức HealthBridge (Canada) và nhiều "tiếng nói độc lập" cùng tìm giải pháp cho cụm từ "xã hội hóa cải tạo công viên" không trở thành "tư hữu hóa" - là Hội thảo khoa học "Hệ thống không gian xanh công cộng Thủ đô" vừa tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo qui tụ nhiều tên tuổi "nổi đình đám" trong làng kiến trúc, qui hoạch và xây dựng như: TS Đào Ngọc Nghiêm, GS.TSKH Nguyễn Thế Bá, KS Lê Ất Hợi, PGS.TS Huỳnh Đăng Hy, TS Phạm Sỹ Liêm... và bất ngờ hơn là sự xuất hiện của KTS cảnh quan Trần Thanh Vân - người góp phần đưa ra ánh sáng vụ "Thuỷ cung Thăng Long" và TS luật Cù Huy Hà Vũ - từng kiện và thắng kiện cả chính quyền cấp tỉnh vì cho phép xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh (Huế), đồng thời có công lớn "dẹp yên" dự án tái dựng "đền Cẩu Nhi" trên gò nổi hồ Trúc Bạch. Đầy tâm huyết, không lợi nhuận, đông đảo các "gương mặt lão làng" trong lĩnh vực kiến trúc, qui hoạch, xây dựng Việt Nam chung tiếng nói đấu tranh giữ nguyên mục đích "công cộng" cho các công viên của Thủ đô.
Giờ đây, những gương mặt này lại "đồng tâm hiệp lực" trong công cuộc chung bảo vệ không gian xanh hiếm hoi, ít ỏi còn sót lại của các công viên Thủ đô.
Thứ trưởng Bộ XD, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh VN Trần Ngọc Chính: "Cần một Nghị định quản lý công viên cây xanh".
HN hiện có khoảng 50 công viên, vườn hoa với tổng diện tích 400ha. Việc tổ chức cây xanh, mặt nước đang được thực hiện rất manh mún. Có thể trong qui hoạch chúng ta vẽ tốt đấy, nhưng khi thực hiện quá nhiều bất cập!
Ở nước ngoài, công viên của họ đúng là công viên, được khai thác đến từng mét vuông đất, chỗ nào trồng cây, chỗ nào trồng cỏ, chỗ nào xây dựng công trình... rất khoa học. Bản thân công viên là một tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo của những nghệ nhân vừa làm vườn vừa làm kiến trúc, với hệ thống cây xanh, tiểu cảnh, đài tưởng niệm...
Rất cần thêm một Nghị định về quản lý công viên cây xanh vì hiện nay mới chỉ có Thông tư 20 của Bộ Xây dựng về vấn đề này để thống nhất quản lý ở tầm vĩ mô hơn nữa.
Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị VN Nguyễn Thế Bá: "Đừng để các công viên cũng bị phá huỷ như hồ Tây!"
Năm nào TP cũng hô hào "tết trồng cây" nhưng trồng đâu chả biết? Tỉ lệ cây xanh công viên ở HN vẫn rất thấp so với chỉ tiêu tối thiểu cần có.
Nhiều công viên đã biến dạng ngay khi mới khai sinh vì các công trình sai mục đích, chức năng xâm lấn. Công viên Thành Công là một ví dụ: quần thể nhà hát, lưới tập golf, cao ốc nhấp nhô lộn xộn... đã phủ kín quanh cái công viên lẽ ra là một không gian trống đẹp đẽ để muôn người cùng hưởng! Nay chỉ một số chủ công trình hưởng (và những người có tiền đến đó)!
Cụm từ "xã hội hóa" cần cân nhắc và được hiểu đúng đắn hơn nữa trong kinh doanh, khai thác để không biến nơi sinh hoạt của cộng đồng thành các cơ sở kinh doanh vì lợi ích của một nhóm người, sai mục đích sử dụng của qui hoạch xây dựng.
KTS cảnh quan Trần Thanh Vân: "Disneyland là gì?"
Disneyland - công trình mô phỏng thiên nhiên xuất phát từ Mỹ là một máy khổng lồ đặt ngoài trời tạo những con thú giả lội dưới nước, bay trên không hoặc cưỡi sóng lao lên như sắp xông vào nuốt chửng người xem.Khách hồi hộp theo dõi, rúm lại sợ hãi… nhưng, quái vật thốt nhiên lặn xuống… Hóa ra, tất cả đều là máy!
Muốn lắp đặt những máy móc đó, phải chặt hết cây, phải đào sâu lòng hồ xuống, phải đổ bê-tông, lắp thiết bị… Một nửa công viên Thống Nhất phải đào tung lên hết, mất hết diện tích xanh thiên nhiên và hệ sinh thái thuần khiết!
Ở Tokyo, muốn đến Disneyland phải qua khoảng 20 trạm xe điện ngầm, xe buýt (đoán chừng cách trung tâm trên 40km). Ở TP.HCM, công viên Đầm Sen, Suối Tiên cũng nằm tại ngoại vi. Công viên Thống Nhất quá chật chội, lại ngay khu đông dân, không đủ qui mô đầu tư hạng mục này.
Quy hoạch phát triển tổng thể đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 20/6/1998 cho phép khai thác không gian rộng lớn ở phía tây nam thành phố, tận Hòa Lạc hoặc vượt sông Hồng đến ngã ba sông Đuống và xa hơn lên hồ Đồng Quan (Sóc Sơn). Đó mới là những nơi cho Disneyland!
TS luật Cù Huy Hà Vũ: "Tôi sẽ tư vấn Hội, Hiệp hội khởi kiện nếu các DN được phép "trục lợi" trên đất công viên!"
Các công viên với mục đích cao nhất là phúc lợi công cộng được duy trì đến nay chính nhằm đảm bảo công bằng xã hội giữa người nghèo với người giàu mà Đảng và Nhà nước luôn chú trọng. Nếu tất cả biến thành "sân chơi của nhà giàu" là đi ngược lại mục tiêu công bằng xã hội đó!
Nếu đất công viên biến thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn cao sao - người thu nhập thấp không có tiền vào giải trí, mua sắm, thuê phòng ở đó sẽ chơi ở đâu?
Cần phân biệt rõ "khu vui chơi giải trí" với "công trình công ích phi lợi nhuận". Đô thị phát triển, stress tăng tương ứng, con người cần nghỉ ngơi, tĩnh lặng hơn sự ồn ào của các dịch vụ giải trí. Tôi khuyến cáo các doanh nghiệp đang có ý định "xâm lấn" đất công viên, phá huỷ cây xanh (dưới nhiều lý do) hãy dừng ngay lại. Nếu không, để bảo vệ công trình công ích, bảo đảm công bằng xã hội- hoặc với tư cách cá nhân, hoặc với tư cách luật gia, tôi sẽ tư vấn cho các Hội, Hiệp hội khởi kiện vụ án hành chính này.
Theo VietNamNet