Trong văn bản góp ý kiến để xây dựng, tôn tạo khu phố cổ kết hợp phát triển thương mại, văn hóa, du lịch (năm 2001), Phòng QLĐT quận 5 đánh giá hiện chỉ có khu phố cổ từ số 41 đến 67 Hải Thượng Lãn Ông là còn giữ được khá nguyên vẹn...
Muốn làm tốt công tác bảo tồn, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia chứ riêng ngành văn hóa thì rất khó.
Về vấn đề bảo tồn nhà cổ, ông Phạm Duy Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 5, cho biết: Việc đánh giá, xếp loại công trình cổ, lên danh sách các công trình cần thiết bảo tồn để quản lý do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) thực hiện. Bản thân quận cũng có quy chế quản lý đối với các công trình cần bảo tồn.
Chỉ cho sửa chữa, không được xây mới
Trong văn bản góp ý kiến để xây dựng, tôn tạo khu phố cổ kết hợp phát triển thương mại, văn hóa, du lịch (năm 2001), Phòng QLĐT quận 5 đánh giá hiện chỉ có khu phố cổ từ số 41 đến 67 Hải Thượng Lãn Ông là còn giữ được khá nguyên vẹn. Ở khu vực này, chủ nhân các căn nhà cổ chỉ được sửa chữa bên trong để đảm bảo an toàn do bị xuống cấp, còn bên ngoài phải giữ nguyên kiến trúc cổ. Đây cũng là dãy phố được đề nghị có hướng thu hồi, điều chỉnh công năng sử dụng để trùng tu theo kiến trúc cổ, phục vụ kinh doanh dịch vụ, du lịch...
Còn các dãy phố cổ khác mà “ba bốn căn nhà cổ xen lẫn công trình xây mới với hình thái kiến trúc khác hẳn” (lời lãnh đạo Phòng QLĐT quận 5) hoặc những công trình sắp đổ sập thì phương pháp quản lý khác một chút. Khi ấy, Phòng QLĐT quận gửi văn bản xin ý kiến Phòng Văn hóa Thông tin quận, Sở VH - TT&DL và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, gần như kết quả trả lời đều là nên giữ lại, do đó cũng không được cấp phép xây dựng.
Một dãy nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD |
Hà Nội quyết tâm giữ 500 biệt thự cổ
Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 500 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước có giá trị cần phải giữ lại. Những biệt thự có giá trị kiến trúc trên các tuyến phố chính của Hà Nội đều được giữ lại và cho phép người sở hữu, sử dụng được cải tạo, sửa chữa. Những biệt thự có nguy cơ sập đổ thì phải được Sở Xây dựng kiểm tra và cấp giấy phép xây dựng. Khi xây dựng lại biệt thự, chủ biệt thự phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và số tầng, độ cao của biệt thự cũ. Riêng những biệt thự không có giá trị kiến trúc, người dân và tổ chức được xây mới, cải tạo như đối với nhà ở khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP