Bảo lãnh tín dụng loại trừ rủi ro

Cập nhật 19/01/2015 13:35

Việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đang tạo ra nhiều bất an cho người mua nhà, đặc biệt sau vụ việc lãnh đạo Housing Group bị bắt để lại nhiều dự án đang bỏ hoang dù đã huy động vốn. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho rằng những trường hợp này chỉ là thiểu số.

Việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai đang tạo ra nhiều bất an cho người mua nhà, đặc biệt sau vụ việc lãnh đạo Housing Group bị bắt để lại nhiều dự án đang bỏ hoang dù đã huy động vốn. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, cho rằng những trường hợp này chỉ là thiểu số.

* Vụ việc của Housing Group đã khiến thị trường BĐS đầu năm 2015 xôn xao. Nhiều người lo ngại rằng vẫn còn nhiều doanh nghiệp như thế chưa được phanh phui. Là cơ quan quản lý nhà nước, ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Ông NGUYỄN MẠNH HÀ: - Các bê bối BĐS liên tiếp xảy ra gần đây đều có điểm chung là huy động tiền tỷ từ khách hàng dưới hình thức góp vốn, sau đó dùng vào mục đích khác, thay vì đầu tư dự án để bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy vậy, trên thực tế chưa có địa phương nào báo cáo con số cụ thể về những trường hợp tương tự Housing Group, nhưng thông qua theo dõi thị trường, tôi cho rằng các vụ việc như ở Công ty Housing Group chỉ là thiểu số, không phổ biến.

Tuy vậy, thị trường BĐS nước ta trải qua quá trình hình thành, phát triển quá nóng, việc kiểm tra, kiểm soát chưa kịp thời, vì vậy vẫn còn những trường hợp như trên chưa bị phát hiện. Đó là những doanh nghiệp năng lực tài chính yếu, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án kém.

Hoặc những doanh nghiệp huy động vốn trong một thời gian dài nhưng do năng lực kém, đã không dự đoán trước được biến đổi thị trường như giá vật liệu xây dựng tăng, giá ngoại hối tăng… ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án đúng hạn, đúng giá cả, đúng chất lượng cam kết.

* Sự không minh bạch về thông tin cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thưa ông. Thí dụ người mua không thể biết được thông tin về chủ đầu tư, dự án?

- Ngay cả Luật Kinh doanh BĐS 2006 cũng yêu cầu phải công bố thông tin cho người mua, cũng như công bố thông tin tại các sàn giao dịch BĐS. Trên thực tế, rất nhiều người mua đã không tìm hiểu kỹ những quy định về công khai minh bạch thông tin, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp chưa công khai, nghiêm túc thực hiện việc này, đã dẫn đến xảy ra những vụ việc lừa đảo hoặc rủi ro này.

Trong khi đó, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là giao dịch dân sự. Do vậy trong việc mua bán BĐS pháp luật đã quy định rất rõ, nhưng người dân cần chủ động tìm hiểu để nắm rõ, tránh rủi ro không đáng có, trong khi các doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

* Việc mua bán đã rủi ro, nhiều người còn lo ngại việc cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai sẽ còn gây ra những rủi ro hơn nữa, thưa ông?

- Khi cho phép thế chấp chắc chắn ngân hàng sẽ phải giám sát, sẽ càng chặt chẽ hơn bởi đây là tài sản chưa hình thành.

Theo đó, ngân hàng sẽ phải căn cứ vào tình trạng pháp lý của dự án, tín nhiệm tín dụng của chủ đầu tư. Những dự án tài chính yếu, chủ đầu tư gây ra nhiều nghi ngại về tình trạng rủi ro chắc chắn ngân hàng cũng không dễ dàng nhận thế chấp.

Một dự án của Novaland.

* Liệu Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có khắc phục được những điều này, đặc biệt là những rủi ro từ mua bán nhà ở hình thành trong tương lai?

- Thực tế mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng ta phải thừa nhận rằng hình thức này ngoài rủi ro còn có những mặt ưu điểm, như hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn để thực hiện các dự án nhà ở (bởi thực hiện các dự án nhà ở có nhu cầu vốn rất lớn), người mua cũng có lợi như lựa chọn được sản phẩm từ trước phù hợp với nhu cầu của mình. Nhưng như tôi đã nói, phương thức này cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Để khắc phục rủi ro, đặc biệt nhằm tránh lừa đảo, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có quy định khi muốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải đáp ứng được những yêu cầu: phải hoàn thành đến 1 mức độ nào đó (hạ tầng, móng…); trước khi huy động vốn phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở của địa phương và trong vòng 15 ngày cơ quan này phải trả lời chủ đầu tư đủ điều kiện bán chưa; khi chủ đầu tư muốn bán phải được 1 ngân hàng thương mại bảo lãnh tài chính, để nếu như trong trường hợp rủi ro, không đủ khả năng hoàn thành dự án, người bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả tiền người mua nhà đã nộp cho chủ đầu tư.

Thực tế, hiện nay các doanh nghiệp, ngân hàng vẫn đang sử dụng hình thức bảo lãnh này và khi triển khai đồng loạt sẽ rất an toàn cho người mua nhà.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư