Bảo lãnh bất động sản: Vẫn lúng túng sau 1 tháng thực hiện

Cập nhật 02/08/2015 07:32

Nhiều chủ đầu tư vẫn loay hoay, lúng túng với quy định về bảo lãnh bất động sản về bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Nhiều chủ đầu tư vẫn loay hoay, lúng túng với quy định về bảo lãnh bất động sản về bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Nhiều băn khoăn về quy định bảo lãnh trong Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được nêu ra tại hội thảo “Quy định bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay tại Hà Nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn với câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Vẫn lúng túng sau 1 tháng thực hiện quy định bảo lãnh bất động sản (Ảnh minh họa: Internet)

Sau 1 tháng Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có hiệu lực, nhiều chủ đầu tư vẫn loay hoay, lúng túng với quy định về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư 07 Quy định về bảo lãnh ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 25/6 vừa qua và bắt đầu có hiệu lực từ 9/8 tới, nhưng không ít doanh nghiệp bất động sản cho rằng, một số nội dung trong Thông tư này chưa giải quyết được những vướng mắc trong thực tế.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các ngân hàng đã có văn bản hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng khi chủ đầu tư hỏi về thủ tục bảo lãnh thì họ vẫn lúng túng về quy trình thực hiện.

Trả lời về nội dung này, bà Bùi Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Thực tế từ khi Thông tư 07 được ban hành thì về phía đơn vị hướng dẫn, chưa nhận được phản ánh nào trực tiếp. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe câu hỏi liên quan đến vướng mắc về quy trình.

Trong thời gian tới, nếu như có vướng mắc thực sự liên quan đến việc này thì các bên sẽ phối hợp để tháo gỡ. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 07 được ban hành thì bản thân các ngân hàng thương mại có đủ điều kiện họ đã ban hành quy trình nội bộ, trong đó đầy đủ các quy trình của một bảo lãnh hoàn chỉnh”.

Liên quan đến tài sản đảm bảo, các doanh nghiệp băn khoăn, nhiều dự án để triển khai được thì đã phải dùng chính dự án để vay vốn ngân hàng, do đó nếu không dùng được chính tài sản dự án làm điều kiện bảo lãnh, thì chủ đầu tư phải có 1 tài sản khác là tiền mặt hoặc một bất động sản khác, trong khi như vậy là bất khả thi vì chủ đầu tư bán hàng để lấy tiền xây dựng chứ không phải bán xong để lấy tiền đó làm bảo lãnh.

Ngân hàng làm bảo lãnh cho từng hợp đồng riêng lẻ hay cho toàn dự án, nếu riêng lẻ thì tài sản đảm bảo sẽ như thế nào? Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, vấn đề này sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành về giao dịch có tài sản đảm bảo.

Về mức phí bảo lãnh, đại diện Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, phí bảo lãnh sẽ không có mức trần và mức sàn, mà do các ngân hàng tự thỏa thuận và quyết định. Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư dầu khí toàn cầu cho rằng, nếu không có quy định rõ ràng thì chủ đầu tư rất khó thỏa thuận với ngân hàng. Doanh nghiệp này đã làm việc với không dưới 5 ngân hàng, nhưng đều nhận được câu trả lời là phải xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước về mức phí này.

Doanh nghiệp cũng lúng túng khi đến nay vẫn chưa có danh sách các ngân hàng sẽ được tham gia thực hiện bảo lãnh dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Còn theo đại diện Bộ Xây dựng, các ngân hàng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo lãnh, trước đây cũng đã tiến hành bảo lãnh bất động sản, nên sẽ không có khó khăn trong quy trình, thủ tục.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV