Bao giờ nước sạch về Bình Hưng?

Cập nhật 28/08/2010 14:30

Mang tiếng nhà ở đại lộ Phạm Hùng, phía sau những cửa hàng kinh doanh sầm uất, nhưng các hộ dân đều phải xài… nước giếng. Còn dọc theo quốc lộ 50 cũng là dãy nhà buôn bán náo nhiệt… nhưng tất cả đều chung cảnh ngộ như vậy.

Mang tiếng nhà ở đại lộ Phạm Hùng, phía sau những cửa hàng kinh doanh sầm uất, nhưng các hộ dân đều phải xài… nước giếng. Còn dọc theo quốc lộ 50 cũng là dãy nhà buôn bán náo nhiệt… nhưng tất cả đều chung cảnh ngộ như vậy.

Nói đúng hơn, cả xã Bình Hưng này (thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM) hơn 80% hộ dân đều phải sử dụng nước giếng cả chục năm nay. Nỗi bức xúc chưa có nước sạch sinh hoạt đã nhiều lần được đặt lên bàn lãnh đạo địa phương, ngành cấp nước… đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.


Bơm nước từ xe bồn vào đường ống ngầm để cung cấp nước sạch cho người dân vùng ven. Ảnh: Đức Trí

Nước giếng: 8.000 đồng/m³!

Nói chuyện nước sinh hoạt, anh Long, một cư dân hiện ngụ trong hẻm C9/12, đường Phạm Hùng, thuộc ấp 4 xã Bình Hưng, tâm sự: “Gia đình em về sống ở đây cả chục năm rồi nhưng đến nay vẫn phải xài nước giếng”.

Cả ấp 4 đều không có đường ống cấp nước sạch nên người dân phải mua lại nước giếng từ một số hộ kinh doanh trong ấp. Tuy là nước giếng nhưng giá cũng không rẻ: 8.000 đồng/m³! Do giá nước cao nên nhà 6 người nhưng gia đình anh Long chỉ xài dè dặt khoảng 10m³ mỗi tháng, chủ yếu dành để giặt giũ, tắm rửa; nước dùng nấu ăn, anh phải mua nước bình.

Còn bên đường C1, C3…, có bao nhiêu nhà là bấy nhiêu giếng đóng để có nước xài.

Từ đường Phạm Hùng rẽ phải ra đại lộ Nguyễn Văn Linh, về đường quốc lộ 50 là ấp 1 và 2 cũng là “vùng trắng” nước sạch sinh hoạt, hộ nào tự khoan giếng được thì khoan, bằng không thì mua lại nước giếng.

Lãnh đạo xã kể chuyện, có lần bà con kéo lên xã nhờ can thiệp vì một hộ kinh doanh nước giếng ngưng kinh doanh để cất nhà, báo hại bà con không có nước sử dụng. “Hồi giờ bà con vẫn mua nước giếng, bây giờ không có nước, xã cũng không biết làm sao mà giải quyết…”, vị lãnh đạo nói.

Theo số liệu từ xã, toàn xã có 14.000 hộ dân với 64.000 khẩu nhưng chỉ có khoảng 12% dân số có nước sạch sinh hoạt, còn lại đều sử dụng nước giếng. Nguyên nhân do địa bàn xã Bình Hưng thuộc khu quy hoạch do Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư nên ngành cấp nước không thể đầu tư mạng ống cấp nước cho dân.

Sẽ đưa nước sạch về xã, nếu...

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã làm việc với Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn để bàn hướng tháo gỡ, đưa nước sạch về cho dân. Trước mắt, bên cấp nước sẽ gắn thí điểm một đồng hồ tổng (ĐHT) cho khu C3 ấp 4, rồi bà con tự đầu tư ống nhánh. Dân sẽ cử đại diện để quản lý ĐHT, thu tiền hàng tháng để nộp cho bên cấp nước”.

Vấn đề ở chỗ, cách làm này, ngành cấp nước sẽ “khỏe” nhưng người dân sẽ đối diện với gánh nặng chi phí quản lý, hao hụt đường ống… và giá nước sẽ bị đẩy lên cao.

Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Mạnh Đức, Giám đốc Công ty CP cấp nước Chợ Lớn về vấn đề nêu trên.

*Nếu người dân đã chấp nhận đầu tư ống nhánh, tại sao công ty không quản lý đường ống đến tận nhà khách hàng để giảm chi phí quản lý, hao hụt mà khách hàng sẽ phải gánh chịu?

Giá thành đầu tư đường ống nhánh đúng tiêu chuẩn quy định sẽ rất cao, khoảng 500.000 -700.000 ngàn đồng/m, dân chịu không nổi, còn đường ống do dân đầu tư, chỉ khoảng 100.000 đồng/m. Đầu tư đơn giản, khi giải tỏa, dỡ bỏ đường ống cũng đỡ tiếc tiền, tuy nhiên do không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên phải chấp nhận tỷ lệ hao hụt nhất định.

*Người dân nói gắn ĐHT chỉ có lợi cho ngành cấp nước vì bán sỉ, hao hụt thì dân chịu?

Bán ở ĐHT thì có lợi nhưng thiệt hại cũng rất lớn. Tôi nói thật, thu tiền nước ở ĐHT cực kỳ khó khăn, rất chậm so với thu hộ lẻ, có nơi không thu được tiền do lượng nước thất thoát lớn, phải “treo” nợ mà không thể cắt nước vì không có biện pháp chế tài. Chủ trương của công ty, những khu vực đã có quy hoạch sẽ xóa ĐHT, gắn đồng hồ đến tận nhà khách hàng.

*Theo ông, giải pháp nào để giảm bớt khó khăn cho người dân?

Hôm rồi, chúng tôi đã họp với huyện và thống nhất: ngành cấp nước sẽ đưa nước về xã nếu chấp nhận phương án gắn ĐHT. Đối với ấp 4, chi phí gắn ĐHT sẽ do Công ty Tân Thuận hỗ trợ, ống nhánh thì người dân tự đầu tư. Những khu vực khác cũng giải quyết được nếu đồng thuận phương án ĐHT, chỉ còn chờ câu trả lời từ xã…
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng