Bao giờ hết “oải” với thủ tục nhà đất? (phần 1)

Cập nhật 11/12/2007 10:00

Quyết định 54 ngày 10/4/2007 của UBND TP.HCM hướng dẫn cụ thể về cấp “giấy hồng” mới theo Luật Nhà ở đã bãi bỏ nhiều rào cản “bất khả xâm phạm”...

Vật lộn với bản vẽ

Quyết định 54 ngày 10/4/2007 của UBND TP.HCM hướng dẫn cụ thể về cấp “giấy hồng” mới theo Luật Nhà ở đã bãi bỏ nhiều rào cản “bất khả xâm phạm” trong thủ tục giấy tờ nhà đất.

Điều kiện cấp giấy không yêu cầu chủ nhà phải có hộ khẩu hay KT3 tại TP. Những nhà xây trái phép trước ngày 1/7/2004 cũng được xem xét cấp “giấy hồng” nếu phù hợp quy hoạch. Quy định có vẻ đơn giản nhưng đến nay người dân vẫn tiếp tục bị ám ảnh bởi thủ tục nhà đất.

Một cán bộ quận Gò Vấp (TP.HCM) than thở: “Hôm nào không nghe dân khiếu nại là ăn không ngon!” khi nói về việc ách tắc trong công tác cấp “giấy hồng” mới tại quận này. Hỏi thăm một cô bạn đang làm giấy tờ nhà thì cô này đáp một câu gọn lỏn: “Đi làm rồi sẽ biết!”. Thế là tôi quyết đi thực tế một chuyến để kiểm chứng lại nỗi khổ của người dân khi hợp thức hóa nhà.

Kiểm tra bản vẽ: Cán bộ lẫn dân đều nhọc công

Bà L. (quận 8) đăng ký lập bản vẽ nhà tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất của quận. Bà bị nhân viên đo vẽ thất hứa mấy lần vì anh này lỡ nhận quá nhiều hợp đồng đo vẽ. Hai lần bà L. phải trở lại văn phòng để khiếu nại mới xong việc.
 
Tuy nhiên, đã gần hai tháng kể từ ngày đo vẽ mà bà vẫn chưa nhận được bản vẽ vì bị kẹt ở khâu kiểm tra. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận 8 cho hay hiện tại số lượng bản vẽ đang kiểm tra tại quận rất nhiều nên không thể hứa chắc được với người dân bao lâu mới xong.

Ông Minh (quận Bình Tân) chuyên đi làm thủ tục nhà đất, đăng ký lập bản vẽ nhà tại một công ty có tiếng ở quận Tân Phú. Hai tháng kể từ ngày đo vẽ, công ty chỉ đưa cho ông Minh biên nhận kiểm tra bản vẽ của Phòng TN&MT quận Bình Tân.
 
Để giữ uy tín với khách hàng, ông Minh đành chấp nhận mất tiền, trả lại hồ sơ cho khách hàng và hủy bỏ hợp đồng đo vẽ với công ty. Một cán bộ quận Tân Phú kể chị phải mất sáu tháng mới nhận được bản vẽ có xác nhận của Phòng TN&MT quận Bình Tân.

Tại quận 6, hơn 1.000 bản vẽ của người dân cũng không biết bao lâu mới xác nhận xong vì chỉ có hai cán bộ của Phòng Quản lý đô thị làm công tác kiểm tra bản vẽ. Việc kiểm tra bản vẽ chậm đã thành “bệnh” của nhiều quận.

Những người chuyên lo thủ tục nhà đất truyền cho tôi kinh nghiệm: trung bình thời gian kiểm tra một bản vẽ của quận 3 và quận Bình Tân là năm tháng, quận 6 là sáu tháng... Một cán bộ quận 6 vô tư trả lời người dân là không có quy định thời gian kiểm tra bản vẽ, khi nào kiểm tra xong, cán bộ sẽ gọi (!?).

Bản vẽ 207: Không vẽ lại thì bị “ngâm”

Quyết định 54 quy định rõ những nhà đã có bản vẽ 207 (trong hồ sơ xin tồn tại nhà xây sai phép, không phép... theo Quyết định 207 của UBND TP.HCM) thì không phải lập lại bản vẽ khác khi xin cấp “giấy hồng” mới.
 
Hồ sơ xin cấp “giấy hồng” những trường hợp này cũng khá đơn giản. Các chủ nhà xây sai phép, không phép... chưa kịp mừng thì gặp phải những trở ngại từ phía cơ quan cấp giấy.

Tại quận Gò Vấp, những nhà đã có bản vẽ 207 khi nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” mới được cán bộ quận khuyến khích nên lập lại bản vẽ mới. Nếu không lập bản vẽ mới, cán bộ vẫn nhận hồ sơ.

Sau 15 ngày, quận sẽ có trả lời chính thức là bản vẽ 207 có thể sử dụng lại được hay không. Nếu bản vẽ được sử dụng lại thì thời gian chuyển thành bản vẽ mới phụ thuộc vào... sự nhiệt tình của công ty đo vẽ. Quận không thể đưa ra thời hạn nhất định vì sợ thất hứa với dân. Nhiều người nghe xong quá trình trên thì chắc lưỡi: “Đành vẽ lại bản vẽ mới cho nhanh”.

Ông T. ở quận Bình Thạnh đã có bản vẽ 207. Ông nộp hồ sơ xin cấp “giấy hồng” gần bốn tháng nay nhưng chưa thấy “tăm hơi” gì. Sau nhiều lần lên xuống, ông được một cán bộ Phòng TN&MT quận thương tình mách nước: nên vẽ lại bản vẽ mới thì hồ sơ sẽ được xem xét nhanh hơn. Ông T. thở phào nói: “Thà vậy mà biết lối ra!”.

Tại quận 8, Trưởng phòng TN&MT quận cho biết những trường hợp có hồ sơ và bản vẽ 207 thì không thể hứa trước được gì vì quá rắc rối. Số phận của 2.000 căn nhà có bản vẽ 207 của quận 3 càng bi đát hơn vì đang được lưu kho để ưu tiên cho những hồ sơ làm theo thủ tục xin cấp “giấy hồng” mới.

Khi nào số lượng hồ sơ giảm bớt, quận 3 sẽ xem xét đến những hồ sơ có bản vẽ 207 vì nó quá phức tạp cả về bản vẽ lẫn pháp lý.

Cấp trên thoáng nhưng cấp dưới “thắt”

Theo Quyết định 54, những hồ sơ có bản vẽ 207 thì cơ quan cấp “giấy hồng” mới phải kiểm tra, xác nhận bản vẽ. Thời gian xác nhận là 15 ngày làm việc.

Tuy nhiên, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Xây dựng lại bắt buộc cơ quan cấp giấy phải xác nhận tất cả bản vẽ, cả bản vẽ 207 lẫn bản vẽ mới. Chính vì phải kiểm tra tất tần tật bản vẽ nên mới tạo thành một nút thắt cổ chai trong thủ tục cấp “giấy hồng” tại các quận như hiện nay.

Một cán bộ Sở Xây dựng giải thích không kiểm tra thì làm sao biết nhà có xây trái phép, sai phép hay không. Vì vậy nên phải kiểm tra hết cho... chắc ăn!

Quyết định 54 cũng phân định trách nhiệm trong công tác lập bản vẽ. Người dân chịu trách nhiệm về ranh đất, ranh nhà; công ty đo vẽ chịu trách nhiệm về hiện trạng nhà; cơ quan cấp giấy có trách nhiệm kiểm tra và áp quy hoạch.

Nhiều quận lại buộc công ty đo vẽ phải vẽ cả ranh quy hoạch. Nhiều bản vẽ được trả về cho các công ty với những dòng chữ nghệch ngoạc: chưa áp quy hoạch lộ giới, tĩnh không... Vì vậy, tại nhiều quận hầu như bản vẽ nào cũng bị trả ra ít nhất một lần để công ty thể hiện phần quy hoạch lên bản vẽ.

> Bao giờ hết “oải” với thủ tục nhà đất? (phần 2) .

Theo Pháp Luật