Do không phải quan tâm đến khâu tiêu thụ, bảo trì, bảo dưỡng công trình nên nhiều chủ đầu tư các khu TĐC đã không chú trọng đến chất lượng xây lắp. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có một cơ chế quản lý mới có lợi hơn cho người dân.
>>Báo động chất lượng nhà tái định cư
Nhanh chóng khắc phục sụt lún
Tại các khu TĐC đã được đưa vào sử dụng, sụt lún là vấn đề thường gặp. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: “Sụt lún khi xây dựng trên nền đất yếu sau khi mới san lấp vài năm thì không có phương án chống lún được. Ngoài nguyên nhân do nền đất yếu thì còn có nguyên nhân về kỹ thuật thi công. Tuy sự cố này không gây sụp đổ công trình nhưng lại gây ra những bất tiện trong sinh hoạt”.
Cần thay đổi cơ chế quản lý, điều hành cũng như cơ chế giao nhận nhà TĐC. Ảnh: Anh Đức
|
Theo ông Đực, giải pháp xử lý tình trạng sụt lún nền là sàn tầng trệt phải được đổ bằng bê tông cốt thép như sàn tầng lầu và vỉa hè cũng phải được làm bằng bê tông cốt thép như sàn ban công.
“Với cách sửa chữa chắp vá, nguy cơ sụt lún, phá vỡ sàn tầng trệt, vỉa hè lần nữa là rất cao. Mặt khác, theo tôi, tình trạng nhà TĐC mới sử dụng đã bị lún, nứt, thấm, bong tróc gạch thể hiện cách làm vô trách nhiệm của cả đơn vị thi công và đơn vị giám sát. Những đơn vị đó làm với suy nghĩ xây nhà không phải để bán mà là dạng nhà phân phối, chất lượng thế nào thì người dân cũng phải nhận. Nhưng suy nghĩ đó là sai lầm vì bây giờ người dân có đủ điều kiện để đánh giá chất lượng giữa nhà chung cư thương mại và nhà TĐC”, ông Đực thẳng thắn cho biết.
Riêng về trường hợp của khu TĐC Đồng Tàu (Hà Nội), Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Sở đã giao Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý) và Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội (chủ đầu tư dự án) phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ của Sở khẩn trương xử lý, giải quyết những bất cập mà người dân nêu. Khu Đồng Tàu đã hết thời hạn bảo hành nên việc xử lý sẽ thực hiện theo hai bước: Trước mắt cho khảo sát, sửa chữa ngay các hư hỏng của các tòa nhà. Về lâu dài, Sở sẽ lập phương án xử lý dứt điểm tình trạng lún, sụt do nền đất yếu.
Xóa khái niệm “tái định cư”
Một thực tế tồn tại lâu nay là các khu nhà TĐC đều được xây dựng theo cơ chế bao cấp. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quản lý, vận hành. Một khi chủ đầu tư xây nhà không cần phải bán, trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình suốt quá trình sử dụng không được thể hiện rõ ràng thì các dự án nhà TĐC sẽ còn nhanh chóng xuống cấp. Hậu quả cuối cùng thì người dân TĐC phải gánh chịu.
Vì vậy, theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cách giải quyết lâu dài là bỏ khái niệm “nhà TĐC”. Nếu còn tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách như hiện nay thì chất lượng nhà sẽ không thể tốt hơn được. Bộ Xây dựng mới đây cũng đã đề xuất bỏ khái niệm “nhà TĐC”, và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà TĐC mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội có phục vụ TĐC, trong đó dành tỷ lệ nhất định căn hộ cho mục đích này. Khi dự án được xây dựng với mục đích là nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng công trình. Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng được đảm bảo hơn.
Một trong những vấn đề bức xúc của người được bồi thường, hỗ trợ nhà TĐC hiện nay là họ bị “ấn định” phải ở một khu TĐC nhất định, xa lạ với nơi ở cũ... Do đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất người được bồi thường, hỗ trợ bằng nhà đất sẽ được giao cho một “suất” nhà ở và họ có quyền chọn lựa căn hộ ở các dự án trong danh sách của cơ quan chức năng.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc giao “suất” này sẽ giúp cho người dân được chọn căn nhà phù hợp nhất với họ, tránh hiện tượng tiêu cực khi mua bán suất nhà TĐC như hiện nay. Khi người dân có sự lựa chọn, họ sẽ chọn những dự án có chất lượng tốt.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Ngọc Hùng cho biết: “Nhà TĐC vừa có chất lượng kém, vừa quản lý không đồng bộ, người dân thiếu thốn đủ thứ. Quan điểm của Tổng hội là không nên làm nhà TĐC nữa. Các cơ quan chức năng cần thỏa thuận và đền bù cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng theo giá thị trường để họ tự chọn mua nhà bằng các phương thức khác nhau, tùy khả năng tài chính và phù hợp với hoàn cảnh gia đình của mình”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức