Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) vừa có hiệu lực thi hành, trong đó có những điểm mới liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế Nhà nước thu hồi đất, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp... được nhiều người dân đặc biệt quan tâm.
Để rõ hơn một số nội dung này cũng như việc đưa pháp luật đất đai vào cuộc sống, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
* Theo nhận định, Luật Đất đai năm 2013 góp phần công khai, minh bạch hơn trong hoạt động quản lý đất đai, ông có thể khái quát qua những điểm mới của luật này?
- Luật tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý nhưng quy định cụ thể hơn về quyền và trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý đất đai; những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất. Luật đã quy định chi tiết và cụ thể hơn về căn cứ và nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của từng cấp. Đối với quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải thể hiện quy hoạch sử dụng đất của các xã. Việc sử dụng đất hằng năm phải được HĐND các cấp phê duyệt. Vì vậy, kế hoạch sử dụng đất hằng năm bảo đảm được nhu cầu thực tiễn đang đòi hỏi, đồng thời hạn chế được tình trạng giao đất, cấp đất tràn lan, thiếu kế hoạch.
Luật Đất đai sửa đổi sau khi có hiệu lực thi hành sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng đất. Ảnh: Thu Giang
|
Về cơ chế Nhà nước thu hồi đất được quy định cụ thể hơn và tiến bộ hơn, bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng đất. Việc thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân và tổ chức thì UBND cấp tỉnh thu hồi đất chung hoặc ủy quyền cho cấp huyện thu hồi. Về điều kiện thu hồi đất, căn cứ duy nhất là quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Một điểm nữa luật quy định, khi thu hồi đất, giao cho tổ chức phát triển quỹ đất, sau đó các tổ chức này làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Khi giao đất cho các tổ chức kinh tế hoặc tổ chức khác sử dụng đất thì phải thực hiện đấu thầu. Khi đấu thầu phải có mặt bằng sạch để tổ chức dự án.
Về việc thu hồi đất vi phạm, trước đây quy định chưa rõ ràng, thì nay đã được cải cách, khắc phục. Việc thu hồi đất đối với các tổ chức vi phạm, dựa trên cơ sở, quyết định thanh tra, sau đó nếu tổ chức có chậm đưa vào sử dụng thì Nhà nước có thể gia hạn, với thời hạn 24 tháng. Trong thời hạn 24 tháng thì phải nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn 24 tháng đó. Hết thời hạn đó, nếu vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì diện tích đất vi phạm bị Nhà nước thu hồi và hoàn toàn không có bồi hoàn.
Luật bổ sung quy định khá cụ thể về việc xác định giá đất, theo đó Chính phủ và UBND cấp tỉnh ban hành khung giá các loại đất theo định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, từng vùng và được công bố vào ngày 1-1 của năm thời kỳ. Nét mới nữa, trong Luật Đất đai năm 2013, việc sử dụng đất các dự án của các tổ chức sử dụng đất đều phải thẩm định nhu cầu sử dụng đất.
Luật Đất đai năm 2013 quy định, đăng ký đất đai là bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất và được giao đất. Bất luận đúng hay không đúng pháp luật, được thừa nhận hay chưa thừa nhận đều phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đăng ký sử dụng đất đối với Nhà nước. Đây là bước tiến để việc quản lý đất đai thuận lợi, nền nếp, đi vào đúng quy định của luật hơn.
Một điểm mới nữa, luật quy định việc thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã thì có 30 văn phòng đăng lý đất đai và một văn phòng đất đai cấp thành phố, nhưng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức lại thành hệ thống chỉ có một văn phòng đất đai của toàn thành phố, trong đó có đặt các chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã.
*
Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp. Vậy người dân phải làm những thủ tục gì, thưa ông?
- Luật Đất đai năm 2013 quy định kéo dài thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp thành 50 năm và người dân tiếp tục sử dụng theo thời hạn mới mà không cần bất kỳ một thủ tục nào. Hiện các địa phương ngoại thành Hà Nội đang tập trung làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa cho hộ gia đình, cá nhân. Về cơ chế hỗ trợ cho việc này theo quy định của thành phố.
*
Để Luật Đất đai năm 2013 đi vào cuộc sống, mang tính thực thi cao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai các giải pháp nào thưa ông?
- Ngay sau khi Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua, TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thi hành Luật Đất đai năm 2013 với nhiều hình thức và giải pháp hiệu quả, thiết thực như tổ chức thành lập các ban, tiểu ban chủ động triển khai nhiệm vụ; triển khai tuyên truyền, tổ chức tập huấn, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai năm 2013... Mới đây, Ban Chỉ đạo đã tổ chức hội nghị để triển khai sâu rộng đến đội ngũ từ thành phố xuống đến cơ sở. Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản, thủ tục hành chính tham mưu cho UBND thành phố thi hành Luật Đất đai năm 2013. Theo tôi, để tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 có hiệu quả, giải pháp cơ bản nhất chính là công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để người dân hiểu, thực hiện.
*
Xin cảm ơn ông!
DiaOOnline.vn - Theo Hà Nội mới