"Bán thầu" đang được hợp pháp hóa và nở rộ?

Cập nhật 29/04/2009 10:45

Lần đầu tiên trước đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Xây dựng và đông đảo giới, ngành - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM hé lộ nhiều nhận định tổng kết...

Lần đầu tiên trước đại diện lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Xây dựng và đông đảo giới, ngành - PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM hé lộ nhiều nhận định tổng kết từ thực tế về cảnh "mua - bán" đang nở rộ trong ngành xây dựng hiện nay...

Theo lãnh đạo sở này, việc đấu thầu đang rất "hình thức" tại nhiều nơi, vấn đề "bán thầu" được pháp luật qui thành tội danh nhưng rồi cũng chính pháp luật lại tạo điều kiện cho nó được "ngụy trang" dưới hình thức khác... đang là những "hạt sạn" dẫn đến chất lượng nhiều công trình xây dựng hiện nay rất lắm vấn đề, sự cố dễ xảy ra, an sinh cho người lao động không đảm bảo...

Không phải "bán thầu" thì là cái gì?



PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM.

Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiệp cho biết, Luật Hình sự qui định tội danh "bán thầu", nhưng trong hoạt động xây dựng hiện nay lại có thầu chính, thầu phụ, thậm chí nhiều bậc thầu phụ... Đã vậy, Luật Đấu thầu lại định nghĩa "nhà thầu chính" khác với định nghĩa của Luật Xây dựng.

"Luật Đấu thầu không bắt buộc nhà thầu chính phải thực hiện phần việc chính như Luật Xây dựng, nghĩa là cho phép nhà thầu chính chuyển hầu hết các công tác thực hiện (kể cả công tác phức tạp nhất) cho các thầu phụ ngay sau khi ký hợp đồng! Các thầu phụ này sau đó lại khoán việc đến các nhà thầu thứ cấp tiếp theo, và khi đến người thực hiện trực tiếp - giá trị nhận việc đã bị giảm thấp đáng kể. Lợi đã được các tầng nấc trung gian hưởng trước khá nhiều" - lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định.

Vì những lý do đó - theo chính "người trong nhà" ngành xây dựng, thuế thu nhập doanh nghiệp thất thu rất lớn (vì khoán hầu hết mà không theo hợp đồng giao việc cụ thể, không đăng ký thuế...); quá trình thực hiện không được pháp luật chi phối nên chủ đầu tư nhiều khi thấy sự cố, vấn đề nảy sinh trước mắt vẫn dửng dưng... dẫn đến: chất lượng xây dựng không cao; thiết bị sử dụng cũ, hết hạn, kém an toàn; người lao động chỉ được đảm bảo an toàn ở mức tối thiểu; biện pháp thi công sơ sài, ít tốn kém, dễ xảy ra sự cố.

Cũng theo sở này, công trình xây dựng lẽ ra phải có đặc thù là không chấp nhận phế phẩm, thứ phẩm. Nhưng, cũng chính các qui định hiện hành lại đặt ra: chất lượng nếu không thể nghiệm thu (tức là thứ phẩm) thì vẫn cho phép nhà thầu sửa chữa!? Sửa không đạt lắm, rồi cũng nghiệm thu! Mà đã nghiệm thu là phải thanh toán đủ giá trị hợp đồng.

PGS.TS Hiệp khẳng khái: "Nếu không làm rõ nội dung bán thầu, thực tế đang cho thấy nhiều bất cập ngay tại các Tổng Công ty, Công ty lớn, uy tín - thắng thầu, sau đó ủy quyền ngay việc thực hiện hợp đồng hay khoán lại cho các công ty thành viên, xí nghiệp, đội của mình... Thường thì mỗi lần như vậy, đơn vị đứng tên hợp đồng sẽ giữ lại một tỉ lệ % (phần trăm) thỏa thuận. Mà khi chỉ đứng tên, quản lý thì tất trách nhiệm không cao".

Đấu thầu chỉ là hình thức!?

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM đã đặt dấu hỏi trước thực trạng một tỉ lệ khá lớn các công trình xây dựng ở địa phương, đầu tư bằng vốn ngân sách có chất lượng yếu hơn hẳn so với những công trình đầu tư từ nguồn vốn khác, nhất là vốn tư nhân.

"Tìm hiểu kỹ được biết, hầu hết các dự án vốn không cao, được chỉ định thầu cả tư vấn, rồi xây lắp và chỉ một số nhà thầu "quen biết" nhận được (không loại trừ đó là những sân sau của chủ đầu tư)! Điều này dẫn đến tiến độ có trễ cũng không dám phạt, chất lượng có kém cũng cố mà bảo vệ cho nhau... - đó là sự thật!" - lãnh đạo sở này khẳng định.

Ông Hiệp cũng cho biết thêm, kể cả những hợp đồng thực hiện qui hoạch chi tiết 1/2000 mà chủ trương đang đòi hỏi phủ kín - cũng không ngoại lệ! Bản thân đơn vị tư vấn qui hoạch được chỉ định thầu cũng bị lợi dụng để giao việc tập trung cho chỉ một vài tổ chức, đơn vị "khuất đằng sau". Thế nên, chất lượng không cao, tiến độ có chậm cũng là điều không quá khó hiểu!

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện những công trình vốn lớn phải đấu thầu thường số lượng nhà thầu tham dự rất ít, hầu như không quá 5! Và, trong số đó, có những nhà thầu hình như chuyên sinh ra chỉ để đấu thầu dự án vốn ngân sách, xuất hiện với mật độ dày đặc ở nhiều dự án tại một vài quận, huyện. Giá trị tiết giảm qua đấu thầu rộng rãi trong cả nước, tại TP.HCM cũng không ngoại lệ (chỉ dưới 3%).

Những điều kể trên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM - nói lên thực trạng: Đấu thầu chỉ là hình thức. Cách thanh toán trong những công trình vốn ngân sách phức tạp, chậm, giá không cao lại phải "quen" mới tham gia được nên Luật Đấu thầu chưa "đi" được vào nhiều dự án xây dựng trong giai đoạn này...

Hơn nữa, "chất lượng công trình trung bình, kém vẫn tìm cách nghiệm thu - khi chủ sử dụng than phiền, công trình xuống cấp ngay khi hết hạn bảo hành (thường là 1, 2 năm đối với công trình công cộng) thì kinh phí nhà nước lại tiếp tục rót vào những Báo cáo kinh tế - kỹ thuật để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo... thật quá lãng phí!" - PGS.TS Hiệp "bật mí".

Phó Giám đốc Sở này thừa nhận: Tại TP.HCM, nhiều công trình lún, sửa chữa nhiều lần rồi cố gắng nghiệm thu; nhiều km đường đào trong năm 2008 nhìn lại thấy rõ con đường đã bàn giao, đưa vào sử dụng không đạt độ phẳng qui định, lồi lõm quá lớn, thậm chí dễ "bẫy" người đi đường... nhưng rồi cũng đã nghiệm thu, thanh toán đủ!

"Chủ đầu tư đã quá dễ dãi khi quản lý đồng tiền ngân sách xây dựng công trình. Tư vấn giám sát cũng bỏ qua lương tâm nghề nghiệp khi thực hiện trách nhiệm được giao. Và chúng ta cùng đang phải chấp nhận xài những đồ thứ phẩm ngay từ đầu!" - đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nêu ý kiến.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet